Xã đảo Cù Lao Xanh: Tiết kiệm điện đâu chỉ vì… thiếu điện!
(Cadn.com.vn) - Từ cầu bến thuyền Cù Lao Xanh nhìn vào thành phố Quy Nhơn, nhạt nhòa trong sương chiều là ánh sáng bắt đầu chấp chóa của một thành phố mờ xa chuẩn bị lên đèn. Tôi ngoái đầu nhìn lại toàn cảnh Cù Lao Xanh một lần nữa để chia tay hòn đảo nhỏ này, bất giác một ý tưởng đã lóe lên: " Đất liền còn nợ đảo nhiều lắm - Cù Lao xanh ơi!"
Từ không có điện đến thiếu điện và thiếu… đủ thư
Trong 3 ngày có mặt trên đảo cùng với đoàn công tác quy hoạch của thành phố Quy Nhơn; Cù Lao Xanh đã để lại trong tôi nhiều điều day dứt của một người trong ngành điện. Ấn tượng nhất vẫn là cách dùng điện của người dân ở đây với câu nói thấu tận nỗi lòng: " Có đủ điện đâu mà tiết kiệm?"
Xã đảo Cù Lao Xanh có tên hành chính là xã Nhơn Châu trực thuộc thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn theo đường chim bay chừng 24 km về phía Đông Nam, cách xã Xuân Hòa, thị trấn Sông Cầu, tỉnh Phú Yên chừng 6 km đường biển.
Những ngày sóng yên biển lặn, từ bờ biển Xuân Hòa nhìn ra Cù Lao Xanh thấy cả những con thuyền, con thúng neo đậu nhấp nhô bên bờ sóng. Cù Lao Xanh với trên 2.300 nhân khẩu, 450 hộ, diện tích chưa đến 5km2, chiều dài toàn đảo chỉ 4km, nơi rộng nhất 1,2km chia làm 3 thôn: Thôn Tây, Thôn Trung và Thôn Đông đã gắn với Quy Nhơn Bình Định như một cơ duyên.
Từ lâu, những ngư dân thuộc huyện Tuy Phước, Phù Cát, Bình Định trên đường đánh cá về, hết nhiên liệu đã trôi dạt vào hòn đảo nhỏ này và ở lại lập nghiệp nơi đây. Sau năm 1975, Cù Lao Xanh được sáp nhập vào địa giới hành chính của thành phố Quy Nhơn. Hồi ấy, Cù Lao Xanh với dân số lên tới gần 3.600 người đã vượt qua bao khó khăn bão tố thời bao cấp, gồng mình với nền kinh tế tự cung tự cấp.
Mãi đến năm 1995 khi 2 chiếc máy Volla phát điện Diesel đầu tiên tổng công suất 250KVA từ huyện trung du Hoài Ân được Công ty Điện lực 3 (Tổng công ty Điện lực miền Trung ngày nay) phối hợp với UBND tỉnh Bình Định điều động ra đảo, thì cuộc sống của bà con Cù Lao Xanh bắt đầu đổi đời cùng với nguồn điện quý hiếm này.
Thực ra, chiếc máy nổ phát điện đầu tiên đến với Cù Lao Xanh từ cuối thế kỷ XIX khi người Pháp đặt ngọn hải đăng trên đảo để điều phối hàng hải khu vực Trung kỳ; nhưng dưới chân ngọn hải đăng cao 119m, sáng lòa ấy là cuộc sống tối tăm của bà con trên đảo với phương tiện thuyền thúng đánh bắt ven bờ, không đủ mã lực để vươn khơi xa. Trên đảo, chỉ có cây mì, cây dừa trên cát là cây "chiến lược" cứu đói, còn con heo, con gà đến mùa biển động cũng đói như người…
Điều đó giải thích vì sao có điện rồi mà cái nghèo, cái khổ vẫn bám riết Cù Lao Xanh và dân số Cù Lao Xanh cứ lùi dần, lùi dần… do đi thì dễ - ở thì thiếu đủ thứ… hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm chưa có gì. Con gái con trai đến tuổi lao động rời Cù Lao Xanh đi làm ăn sinh sống khắp nơi. Học sinh cấp 2, cấp 3 phải vào Quy Nhơn trọ học, đau ốm, sinh đẻ cũng phải vượt biển vào đất liền đề phòng bất trắc.
Nhiều biện pháp tiết kiệm điện trong hoàn cảnh… thiếu điện
Từ năm 2012, UBND thành phố Quy Nhơn đã đầu tư nguồn điện mới, tăng cường thêm cho Cù Lao Xanh 1 máy phát điện Diesel công suất 400kW - 0,4kV, sửa chữa máy phát 200kW cũ đưa vào chế độ dự phòng nóng. Theo Phòng Kế hoạch thành phố Quy Nhơn, kinh phí cấp bù cho Cù Lao Xanh để mua dầu, công nhân vận hành máy phát và sửa chữa lưới điện hằng năm lên đến 2,060 tỷ đồng. Tuy vậy, điện chỉ sáng cho Cù Lao Xanh 1 ngày 5 tiếng đồng hồ từ 5 giờ chiều đến 10 giờ đêm.
Ông Nguyễn Duy Quý - Chủ tịch xã Nhơn Châu, cho biết: "Bà con mình rất thông cảm với Nhà nước nên đã dùng điện một cách tiết kiệm, để mọi nhà đều có điện và dành phần lớn điện năng phục vụ công tác quốc phòng, bảo vệ đảo, hỗ trợ chiếu sáng hải đăng và phục vụ công tác quản lý của các cơ quan Đảng và chính quyền".
Có 2 điều đặc biệt về dùng điện ở Cù Lao Xanh là địa phương không nhà nào có tủ lạnh, 100% các hộ gia đình đều dùng bóng đèn Compact tiết kiệm điện để chiếu sáng. Giải thích về điều này, ông Hồ Cư - một ngư dân ở thôn Tây cho biết: "Không có tủ lạnh không phải vì không mua được, mà điện không liên tục nên không dùng tủ lạnh thôi.
Đá lạnh để ướp cá đưa vào Quy Nhơn bán cũng phải từ Quy Nhơn đem ra. Còn chuyện không dùng đèn "Ne-ông" bóng dài là vì nước mặn phá hỏng phụ kiện "tăng phô", "con chuột" lôi thôi lắm, dùng bóng Compact tiện hơn nhiều, kéo ra bãi chia cá ban đêm cũng được, cơ động kéo bóng đèn ra sân trước sửa thúng sửa thuyền, đưa ra chuồng sau cho heo đẻ đều nhanh, sáng trưng mà lại tiết kiệm điện trông thấy!".
Thực vậy, chương trình 3.000 bóng đèn compact cho xã đảo Cù Lao Xanh được Đoàn Thanh niên tình nguyện tỉnh Bình Định thực hiện hỗ trợ hồi năm ngoái đến với người dân xã đảo đã có tác dụng lớn trong sử dụng điện tiết kiệm và đi vào đời sống của bà con nơi đây.
Ý thức tự giác tiết kiệm điện không chỉ lan tỏa trong từng gia đình ở Cù Lao Xanh mà còn biểu hiện ở các đơn vị tập thể công tác tại hòn đảo tiền tiêu này. Doanh trại bộ đội, đồn biên phòng, cơ quan đèn biển quản lý hải đăng và các cơ quan chính quyền đều lắp đặt thêm các hệ thống điện gió, pin mặt trời công suất nhỏ để tận dụng nguồn điện xanh quý giá, tất cả như đồng lòng tiết kiệm điện hướng về dự án cáp ngầm đưa điện quốc gia ra đảo một ngày không xa.
Ngọn hải đăng ở Cù Lao Xanh. |
Bình minh đang lên ở Cù Lao Xanh
Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng biển đảo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp với tỉnh Đoàn Bình Định xúc tiến lập dự án "Đảo thanh niên Cù lao xanh" giai đoạn 2012 - 2017. Dự án đã được UBND tỉnh Bình Định xúc tiến trình Chính phủ với phương án khả thi và dự kiến vốn lên đến gần 200 tỷ đồng.
Ông Phan Văn Trung, Phó Chỉ huy trưởng lực lượng Thanh niên xung phong Trung ương Đoàn cho biết: "Dự án bao gồm trang bị phương tiện giao thông hiện đại để giao thương giữa đất liền với đảo gồm 3 tàu vỏ sắt chuyên dụng vận tải khách và hàng hóa với công suất lớn; xây dựng tại thôn Trung một bến đậu tàu thuyền; đầu tư thành lập một đội tàu lớn gồm 10 chiếc phục vụ đánh bắt xa bờ.
Mặt khác, dự án còn xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí trên đảo; đầu tư xây dựng Làng Thanh niên trên tổng diện tích qui hoạch 10ha, quy mô 120 hộ với 240 thanh niên - mỗi nhà có tổng diện tích 100m2; hỗ trợ vốn mua sắm phương tiện và ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt hải sản và kinh doanh dịch vụ cho thanh niên xung kích khi đến định cư lập nghiệp tại đảo".
Riêng dự án cáp ngầm đưa điện quốc gia ra đảo sẽ chứng minh rằng "Điện luôn đi trước" trong các tiến trình ấy. Điểm đấu nguồn điện quốc gia về Cù Lao Xanh theo luận chứng kinh tế kỹ thuật sẽ được đấu nối từ trạm 110kV Sông Cầu - Phú Yên, chiều dài chỉ 6km nhưng dự kiến thu xếp vốn của ngành Điện lên trên 60 tỷ đồng.
Ông Lê Hữu Lộc - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định: " Đối với Cù Lao Xanh, đầu tư không chỉ hiệu quả về kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân mà đây là nội dung lớn trong chiến lược bảo vệ biển đảo của chúng ta. Tỉnh đã và đang có những chiến lược mới, dành ưu tiên cho người dân xã đảo, đưa những công trình mang tính căn cơ ra đảo giúp người dân cải thiện cuộc sống, yên tâm bảo vệ biển đảo quê hương".
Văn Thuận