Xã hội hóa để tạo “đòn bẩy” phát triển văn hóa

Thứ sáu, 18/01/2019 10:12

“Chi cho văn hóa & thể thao (VHTT) rất lớn, nếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước là không thể kham nổi. Muốn hoạt động VHTT, đời sống tinh thần của người Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ thì xã hội hóa (XHH) là con đường mà ngành VH&TT phải tiếp tục tham mưu cho thành phố (TP) thực hiện trong thời gian tới”- đó là chia sẻ của ông Huỳnh Văn Hùng- Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng trong một lần gặp mặt giới trí thức, văn nghệ sĩ TP.

Lãnh đạo Sở VHTT và lãnh đạo Liên Hiệp Các hội VHNT tri ân, cảm ơn nhà điêu khắc Na Uy Oyvin Storbaekken và các nghệ sĩ, nhà điêu khắc TP tại lễ trao tặng, tiếp nhận tượng mỹ thuật đặt tại các địa điểm công cộng trên địa bàn TP năm 2018.

Khi văn hóa đặt đúng vị trí quan tâm

Còn nhớ cách đây 5 năm, Đà Nẵng “giật mình” khi đứng 61/63 tỉnh, thành phố về mức đầu tư cho sự nghiệp văn hóa. Ngay sau đó, lãnh đạo thành phố (TP) đã có buổi gặp mặt với giới trí thức, văn nghệ sĩ TP để lắng nghe ý kiến đóng góp nhằm thúc đẩy cho văn hóa TP phát triển xứng tầm là trung tâm KT-VH-XH của khu vực miền Trung- Tây nguyên. Cũng tại buổi gặp mặt này, lãnh đạo TP cho biết sẽ không “tiếc tiền” đầu tư để VHNT Đà Nẵng “cất cánh”.

Chính sự quan tâm đặc biệt này của lãnh đạo TP đã truyền cảm hứng, tạo thêm động lực khích lệ những người làm công tác trên lĩnh vực này tiếp tục tham mưu mạnh mẽ hơn nữa cho lãnh đạo TP, đồng thời chủ động, linh hoạt, sáng tạo hơn trong kêu gọi XHH để phát triển văn hóa. Nhờ thế, diện mạo văn hóa của TP đã khởi sắc rõ nét vài năm trở lại đây. Sự kiện Đà Nẵng được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards (WTA) trao tặng danh hiệu là Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á vào năm 2016, theo ông Huỳnh Văn Hùng-có công đóng góp rất lớn của ngành VHTT. Trên đà phát triển đó, 3 năm trở lại đây, ngành VH-TT đã tham mưu cho TP tổ chức nhiều sự kiện tầm tầm cỡ quốc gia như: Liên hoan Phim Quốc gia lần thứ 20 (tháng 8-2017), Liên hoan ca Múa nhạc toàn quốc (2018), cuộc thi sáng tác Múa hài Việt Nam lần thứ nhất (2018), tổ chức đại nhạc hội chào mừng năm mới; song hành đó là các hoạt động triển lãm tranh ảnh, hội sách, phiên chợ sách, xây dựng tủ sách Đà Nẵng, các hoạt động VHNT tại Thư viện Đà Nẵng, khuôn viên ngoài trời dọc 2 bên bờ Đông- Tây sông Hàn… đã tạo nên điểm nhấn, trở thành địa điểm vui chơi, giải trí hấp dẫn không chỉ của người dân Đà Nẵng mà cả du khách  thập phương. Điều đáng nói “các hoạt động, sự kiện này phần lớn đều được thực hiện dưới hình thức XHH. TP chỉ tạo điều kiện trong việc đảm bảo ANTT, giao thông, vệ sinh môi trường, lễ tân đón quan khách… Số tiền TP bỏ ra cho các sự kiện lớn này rất ít nhưng hiệu quả rất lớn. Các sự kiện được tổ chức trong thời gian qua đã tạo tiếng vang, góp phần to lớn trong việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh Đà Nẵng”- ông Huỳnh Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Huỳnh Hùng, nhu cầu hưởng thụ về văn hóa tinh thần là vô tận, trong khi đầu tư cho VHTT rất lớn, ngân sách của Nhà nước không thể kham nổi nếu như không có XHH. Vì thế, trong câu chuyện XHH, để các tổ chức, cá nhân, đơn vị, DN cùng đồng hành với TP trong đầu tư cho VHTT phát triển, ngoài cái tình thì việc “đối đãi tử tế, đàng hoàng, minh bạch” trong hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư tại Đà Nẵng rất quan trọng. “Sở dĩ họ đến với mình vì thấy mình có tình, đối đãi tử tế, minh bạch, rõ ràng trong việc họ làm được cái gì cho mình và TP hỗ trợ gì cho họ”- ông Huỳnh Văn Hùng bộc bạch.

 Hội Sách Q.Hải Châu, một trong các hoạt động mang tính xã hội hóa thu hút đông đảo khách tham quan, mua sách. Ảnh: P.T

“Duyên” trong  công tác xã hội hóa!

Là một trong những đơn vị của ngành văn hóa làm tốt công tác XHH, chỉ sau 2 năm khánh thành, đi vào hoạt động (12-2016), số lượng nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ đăng ký triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật gần như quá tải. Con số gần 15 cuộc triển lãm được tổ chức trong năm 2018 (vượt 3 cuộc theo kế hoạch), thu hút đông đảo khách đến thưởng lãm, trở thành điểm đến của công chúng yêu nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật tạo hình đã phần nào minh chứng cho điều này. Đáng nói hơn, chỉ sau 2 năm hoạt động, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vừa sưu tầm, vừa bằng các mối quan hệ đã biến từ không thành có với 1.050 hiện vật, trong đó 413 hiện vật hiện đang trưng bày tại 2 không gian cố định, còn lại được lưu giữ, bảo quản trong kho. Chỉ tính riêng  năm 2018, có 156 hiện vật được hiến tặng, trong đó 91 hiện vật là của nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn ở tận Mũi Né (Bình Thuận). Khi được hỏi “bí quyết” để thuyết phục các nhà sưu tập, nghệ sĩ, họa sĩ hiến tặng hiện vật, tranh, tượng, ông Hà Thanh Vân- Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cho biết, đó là cái “duyên”, là chữ “tin”, chữ “tín” của những người làm công tác bảo tàng đối với những nhà hiến tặng. Cái “duyên” theo ông Vân là không thể “cắt nghĩa được”. Đơn cử trường hợp của nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn, chỉ trong một lần ra Đà Nẵng, qua giới thiệu của nhà sưu tập Trương Hoài Tuyên (người cũng đã hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Mỹ thuật) đã liên hệ với Giám đốc Hà Thanh Vân. Sau đó, đích thân ông Vân cùng Phó Giám đốc Nguyễn Trung Kỳ và một chuyên viên phòng nghiệp vụ vào Mũi Né (Bình Thuận) gặp nhà sưu tập này. Và như là duyên kỳ ngộ, sau cuộc gặp gỡ đó, ông Ẩn đã tự tay lựa chọn, gửi tặng cho Bảo tàng 91 hiện vật mỹ thuật dân gian truyền thống rất có giá trị. Không riêng gì ông Ẩn, rất nhiều nhà sưu tập ở Đà Nẵng như Trương Hoài Tuyên, Phạm Phú Khánh, Ngô Hữu Toàn, Nguyễn Đình Bằng…hay các nhà sưu tập ở các tỉnh khác như Lâm Zũ Sen (Quảng Ngãi) đã sẵn sàng hiến tặng cho Bảo tàng những hiện vật mỹ thuật gốm sứ có giá trị; các họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc trong ngoài TP cũng đã hiến tặng nhiều tranh, tượng có giá trị mỹ thuật. Được biết, để tri ân tấm lòng quý báu của các nghệ sĩ, họa sĩ, các nhà sưu tập, Bảo tàng Mỹ thuật đã kịp thời tham mưu lãnh đạo ngành đề xuất Hội đồng thi đua khen thưởng TP đề nghị UBND tặng bằng khen cho ông Nguyễn Ngọc Ẩn, giấy khen của Sở VH&TT TP cho nhiều cá nhân.

Theo Ngô Thị Bích Vân- Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, trước đây hoạt động Bảo tàng buồn tẻ, chủ yếu phục vụ công tác chuyên môn, sưu tầm, bảo quản, trưng bày và tổ chức triển lãm theo các sự kiện lịch sử. Từ khi văn hóa được lãnh đạo TP quan tâm hơn, công tác XHH được đẩy mạnh hơn đã tạo động lực để những người làm công tác trên lĩnh vực này chủ động, năng động, sáng tạo, liên kết được các sở, ban ngành cùng tham gia vào các hoạt động của Bảo tàng nhiều hơn, tạo sức lan tỏa rất lớn. Trong đó, ngành GD-ĐT TP là đơn vị phối hợp tích cực với Bảo tàng nhiều nhất trong việc đưa HS đến bảo tàng tham quan, tìm hiểu lịch sử địa phương.

Thông qua cách tổ chức chương trình theo hướng XHH này, những người làm công tác bảo tàng Đà Nẵng có thêm cơ hội giới thiệu, quảng bá hoạt động của Bảo tàng đến với du khách trong và ngoài nước. 

Ông Huỳnh Văn Hùng cho biết thêm, việc TP có chủ trương sẽ thu hồi lại những dự án “treo”, kéo dài trong nhiều năm không chịu triển khai để ưu tiên dành cho các hoạt động phục vụ cộng đồng, phục vụ cho VH- GD đã tạo thêm cảm hứng, động lực để ngành tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tham mưu cho lãnh đạo TP trong công tác XHH để phát triển văn hóa trong thời gian tới.

P.Thủy