Xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp: Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Thứ ba, 27/03/2018 11:01

Bổ trợ tư pháp (BTTP) bao gồm các hoạt động liên quan đến lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản và thừa phát lại. Trong thời gian gần đây, việc sử dụng dịch vụ pháp lý từ một số hoạt động BTTP nhằm giảm sức ép cho các cơ quan nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, đồng thời phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng lớn của người dân, đẩy mạnh cải cách tư pháp.

Người dân đang làm thủ tục công chứng tại VPCC Bảo Nguyệt.

Thực tiễn cho thấy, xã hội hóa các hoạt động BTTP trên địa bàn Đà Nẵng đã mang lại những kết quả bước đầu, đảm bảo lợi ích cho cả người dân và cơ quan quản lý nhà nước. Đây là chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó đề ra chủ trương xã hội hóa nhiều hoạt động trong lĩnh vực BTTP như: Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư;  Nhà nước tạo điều kiện về pháp lý để phát huy chế độ tự quản của tổ chức luật sư, đề cao trách nhiệm của các tổ chức luật sư đối với thành viên của mình; xây dựng mô hình quản lý nhà nước về công chứng theo hướng Nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp, có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa công việc này; nghiên cứu chế định thừa phát lại, trước mắt, có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo...

Theo thống kê, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 19 tổ chức hành nghề công chứng (3 Phòng Công chứng thuộc Sở Tư pháp và 16 Văn phòng công chứng). Các Văn phòng công chứng (VPCC) được thành lập ở tất cả các quận, huyện để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức về thời gian, chi phí đi lại khi liên hệ với VPCC  để thực hiện các yêu cầu về công chứng. Để thu hút khách hàng, người yêu cầu công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng không ngừng nâng cao tinh thần phục vụ, thái độ tiếp dân và tính chuyên nghiệp trong giải quyết hồ sơ công chứng. Năm 2017, 16 VPCC đã giải quyết được 93.698 hồ sơ công chứng, số phí thu được là hơn 48,5 tỷ đồng. Với kết quả như vậy, có thể nói, người dân và doanh nghiệp đã có những thay đổi trong nhận thức và ngày càng tin tưởng đối với các tổ chức hành nghề công chứng tư nhân. Theo ông Trần Văn Bình (xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết, ông rất hài lòng khi có dịp đến công chứng tư nhân. Các nhân viên ở đây làm việc rất chuyên nghiệp và hướng dẫn rất tận tình. Chính việc chuyển đổi từ công chứng Nhà nước sang công chứng tư nhân sẽ thuận tiện hơn, người dân không còn tâm lý phân biệt công chứng công hoặc công chứng tư như trước.

Hoạt động hành nghề của luật sư trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển. Số lượng tổ chức hành nghề luật sư và luật sư ngày càng tăng. Nhiều Văn phòng luật sư, Cty Luật đã tạo được uy tín trong tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, doanh nghiệp. Hoạt động tư vấn pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý khác của các tổ chức hành nghề luật sư đã góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, lành mạnh. Qua đó, phần nào giảm áp lực cho các cơ quan nhà nước khi thực hiện các dịch vụ công. Đến nay, tại Đà Nẵng có tổng cộng 86 tổ chức hành nghề luật sư, với 198 luật sư. Năm 2017, các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện tổng số 818 vụ việc, tổng số phí thu được là hơn 13 tỷ đồng.

Về lĩnh vực đấu giá tài sản, ngoài Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp, đến nay trên địa bàn đã có 15 doanh nghiệp đăng ký hoạt động đấu giá tài sản. Năm 2017, các tổ chức đấu giá đã ký tổng cộng 225 hợp đồng, tổ chức bán đấu giá thành 218 trường hợp. Các tổ chức đấu giá trên địa bàn thành phố về cơ bản thực hiện tốt các quy định pháp luật về thành lập, tổ chức, hoạt động; rất chủ động trong việc tìm kiếm nguồn tài sản để ký hợp đồng dịch vụ đấu giá.

Có thể nói, bước tiến trong công tác xã hội hóa hoạt động BTTP của TP Đà Nẵng là phát triển Văn phòng Thừa phát lại (VPTPL). Thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26-11-2015 của Quốc hội về thực hiện chế định TPL, đến nay, Đà Nẵng đã có 1 VPTPL đi vào hoạt động. Với việc ra đời VPTPL trên địa bàn thành phố sẽ tạo điều kiện cho người dân, đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua hoạt động lập vi bằng của TPL: Tiến hành giao nhận tiền, tài sản, giấy tờ, hiện trạng nhà, đất, công trình, tình trạng tài sản; xác nhận các giao dịch không thuộc thẩm quyền của tổ chức hành nghề công chứng và những việc không thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND; tống đạt, giao nhận các văn bản của TAND, cơ quan Thi hành án dân sự và lập vi bằng ghi nhận sự việc tống đạt của tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu; xác minh điều kiện thi hành án, truy tìm tài sản thi hành án; thi hành án, thu hồi nợ theo bản án, quyết định của TAND và tư vấn pháp luật...

Trao đổi với PV Báo Công an TP Đà Nẵng về xã hội hóa hoạt động BTTP trên địa bàn, ông Châu Thanh Việt- Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng cho biết: Các hoạt động BTTP đã được xã hội hóa trên địa bàn  Đà Nẵng theo đúng quy định, lộ trình và đến nay đã mang lại những kết quả tích cực; tạo điều kiện, môi trường pháp lý tốt nhất cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh, đầu tư tại thành phố Đà Nẵng; góp phần thực hiện Đề án thực hiện chương trình "Thành phố 4 an" trên địa bàn thành phố đến năm 2020.

TRANG TRẦN