Xả súng kinh hoàng ở New Zealand: Thắt chặt kiểm soát súng

Thứ ba, 19/03/2019 11:37

Nội các New Zealand đã nhất trí thắt chặt luật kiểm soát súng đạn sau vụ xả súng đẫm máu tại hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch hôm 15-3 vừa qua.

Cảnh sát Australia khám xét một ngôi nhà ở bang New South Wale được cho là có liên quan tới nghi phạm Tarrant.  Ảnh: One News Page

Sáng 18-3, trong phiên họp đầu tiên của nội các sau vụ xả súng khủng bố đẫm máu tại thành phố Christchurch làm 50 người thiệt mạng, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã nhận được sự ủng hộ của các thành viên nội các trong việc tăng cường quản lý súng, đặc biệt là loại súng bán tự động mà nghi phạm Brenton Harrison Tarrant đã sử dụng trong vụ tấn công tại hai nhà thờ Hồi giáo, nhằm tránh để xảy ra các thảm kịch tương tự.

Sau khi Nội các New Zealand nhất trí thắt chặt luật kiểm soát súng đạn, Thủ tướng Ardern cho biết những quy định mới sẽ được công bố trong vài ngày tới. “Trong vòng 10 ngày kể từ khi hành động khủng bố kinh hoàng này xảy ra, chúng tôi sẽ công bố luật súng đạn sửa đổi mà tôi tin rằng sẽ làm cho cộng đồng của chúng ta an toàn hơn”, bà Ardern thông báo. Winston Peters, Phó thủ tướng New Zealand, người từng phản đối thay đổi luật súng đạn, cũng tuyên bố ủng hộ bà Ardern. “Thực tế là sau vụ việc hôm 15-3, thế giới của chúng ta đã thay đổi mãi mãi, luật pháp cũng thế”, ông nói.

Dư luận đồng tình

Đây được xem là một nỗ lực của Chính phủ New Zealand nhằm tránh tái diễn các thảm kịch xảy ra tại hai đền thờ Hồi giáo ở Christchurch hôm 15-3 vừa qua. Cam kết của Chính phủ đã ngay lập tức nhận được sự đón nhận của người dân New Zealand.

Akshesh Sharma, một người dân New Zealand cho biết ông thực sự bị sốc khi biết rằng, kẻ xả súng lại có trong tay loại vũ khí theo kiểu nhà binh. Ông hoàn toàn đồng ý với quyết định kiểm soát chặt chẽ luật kiểm soát súng đạn của nhà chức trách: “Tôi mong rằng, việc sở hữu súng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Người dân sẽ không dễ dàng có được súng vì một người có thể gây ra nguy hiểm chỉ trong vòng 1 giờ, cùng lúc đến 2 địa điểm và sát hại 50 người, làm bị thương nhiều người khác. Nếu không dễ dàng có được súng, tôi cho rằng thảm kịch sẽ không xảy ra”.

Còn với Dawson, nhân chứng may mắn thoát chết trong vụ tấn công ở nhà thờ Linwood, hy vọng chính phủ New Zealand sẽ đi theo cách thức kiểm soát súng đạn mà nước láng giềng Australia từng áp dụng: “Cá nhân tôi không cho rằng cần hợp pháp hóa việc sử dụng súng. Có thể trong một số trường hợp súng đạn là để bảo vệ song tôi không cho rằng, chúng ta cần những loại vũ khí như vậy. New Zealand không phải là nước Mỹ. Ở Mỹ có thể gặp nguy hiểm nếu mọi người không được sử dụng súng, song ở đây, chúng ta không cần đến súng”.

Luật sở hữu súng lỏng lẻo

New Zealand được coi là một trong những quốc gia có luật súng đạn thoáng nhất thế giới, ngoài Mỹ. Người sở hữu súng cần có giấy phép nhưng không phải đăng ký vũ khí với nhà chức trách.

Quy định này khiến chính phủ New Zealand không biết chính xác có bao nhiêu súng đang được lưu hành. Theo ước tính của cảnh sát New Zealand, có khoảng 1,5 triệu khẩu súng đang lưu hành ở quốc gia chỉ có 5 triệu dân này, tương đương với tỷ lệ 3 người dân sở hữu 1 khẩu súng song chỉ có 4% số súng được người sử dụng đăng ký. Bên cạnh đó, nước này cũng không yêu cầu người có súng phải đăng ký sở hữu súng nên không thể xác định được mỗi cá nhân có bao nhiêu khẩu súng và là những loại súng nào. Việc cấp giấy phép sở hữu súng tại New Zealand cũng được cho là dễ dàng với tỷ lệ hơn 99% giấy phép được cấp dựa trên đơn yêu cầu. Độ tuổi tối thiểu để xin giấy phép sử dụng súng là 16 và độ tuổi có thể sở hữu vũ khí bán tự động là 18. Sự quản lý lỏng lẻo này đang được cho là một trong những nguyên nhân khiến nghi phạm lợi dụng kẽ hở trong luật pháp để gây ra vụ xả súng đẫm máu vừa qua.

Nghi phạm duy nhất

Nghi phạm Brenton Tarrant, 28 tuổi, công dân Australia, đã tấn công hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch hôm 15-3 khiến 50 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Y được cấp giấy phép sở hữu súng từ tháng 11-2017 và bắt đầu mua vũ khí một cách hợp pháp từ đó. Hắn sử dụng tới 5 khẩu súng trong vụ tấn công, gồm hai súng trường bán tự động, hai súng săn và một khẩu nạp đạn bằng đòn bẩy.

Tarrant đã có chuyến thăm ngắn vào Israel vào cuối năm 2016. Y nhập cảnh Israel vào tháng 10-2016 bằng visa du lịch và ở lại trong 9 ngày, một quan chức của Cơ quan Di trú và Dân số của Israel cho biết. Theo giới chức Hy Lạp, Tarrant cũng đã từng tới đảo Crete và Santorini của Hy Lạp trong tháng  3-2016 và lưu lại đây ít ngày. Điểm xuất phát khi đó của y là thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối năm 2016, Tarrant đã đến thăm Serbia, Montenegro, Bosnia và Herzegovina và Croatia, nơi y dừng chân tại các địa điểm chiến đấu lịch sử, trước khi đi du lịch ở Tây Âu vào năm 2017. Y trở lại Balkans vào tháng 11-2018 để tham quan các di tích lịch sử của Bulgaria, Romania và Hungary.

Cảnh sát trưởng New Zealand Mike Bush cho biết, họ chắc chắn Tarrant là nghi phạm duy nhất trong vụ xả súng hàng loạt ở thành phố Christchurch. “Tôi muốn khẳng định chắc chắn rằng chúng tôi tin rằng chỉ có một kẻ tấn công chịu trách nhiệm cho vụ việc khủng khiếp này. Điều đó không có nghĩa là không có người khác hỗ trợ, và điều đó tiếp tục tạo thành một phần rất quan trọng trong cuộc điều tra của chúng tôi”, ông Bush cho biết trong cuộc họp báo ngày 18-3.

3 ngày sau vụ tấn công đẫm máu, các hoạt động điều tra và tưởng niệm nạn nhân vẫn tiếp tục diễn ra. Để hỗ trợ nhà chức trách New Zealand điều tra và mở rộng vụ xả súng, sáng 18-3, Lực lượng Chống khủng bố chung ở bang New South Wale của Australia đã tiến hành khám xét một ngôi nhà ở thị trấn Sandy Beach. Sau đó, một lệnh khám xét tương tự cũng được thực hiện tại một ngôi nhà ở thị trấn Lawrence. Cả hai địa điểm này đều ở gần thị trấn Grafton, nơi Tarrant từng sinh sống.

Tại New Zealand, hàng nghìn người vẫn kéo đến các khu vực tưởng niệm ở Christchurch để thắp nến, đặt hoa cho các nạn nhân vụ xả súng. Dự kiến, việc trao trả thi thể các nạn nhân cho gia đình của họ sẽ được hoàn tất vào ngày 20-3 tới.

AN BÌNH