Xác định hai nhóm vấn đề ngành thủy sản cần tập trung giải quyết

Thứ hai, 16/07/2018 09:44

Mặc dù xuất khẩu thủy sản có sự tăng trưởng khá 12,9% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng mới chỉ đạt hơn 40% kế hoạch đề ra. Do vậy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám đã chỉ ra 2 nhóm vấn đề mà ngành thủy sản cần tập trung trong thời gian tới. Đó là, nâng cao năng suất, giảm giá thành; và, đảm bảo không sử dụng hóa chất, kháng sinh để sản phẩm tôm, cá tra có thể vượt qua rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu. 

Tôm vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá, qua nửa đầu năm 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD là điều đáng mừng, nhưng so với kế hoạch 10 tỷ USD thì nhiệm vụ còn rất nặng nề, cần sự nỗ lực lớn của toàn ngành”. Theo ông Tám cũng nhấn mạnh, hiện đã có rất nhiều mô hình làm tốt, có hiệu quả kinh tế cao, cần nhân rộng lên. Ngoài ra, cần phát triển nhân rộng nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi tôm sinh thái. Hướng này gắn với tôm sú, là mặt hàng lợi thế của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần quản lý tốt nguồn tôm giống. Đối với cá tra, ngoài kiểm soát tốt chất lượng con giống, điểm mấu chốt là quản lý tốt thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, nhất là xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, 6 tháng tới nhiệm vụ đối với ngành là rất lớn, bởi thiên tai được dự báo là khốc liệt. Do đó, cần phải rà soát lại hạ tầng, cảng cá, khu neo đậu... để có kiến nghị khắc phục các bất cập. Đồng thời, đánh giá lại tổng thể năng lực, phương tiện tàu thuyền đánh bắt. Đặc biệt là đội tàu cá đóng theo Nghị định 67. Bên cạnh đó, rà soát lại kết quả điều tra 5 ngư trường xem chỗ nào chưa chính xác, đánh giá về luồng cá di cư. Từ đó, đưa ra kịch bản bổ sung điều tra; cơ sở hoạch định, chiến lược phát triển khai thác thủy sản.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, hiện con tôm vẫn là mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu thủy sản và còn nhiều dư địa. Do đó, cần phải nghiên cứu thêm các đề tài về tôm càng xanh, công nghệ nuôi trồng, tổng kết lại các mô hình và nhân rộng cho bà con (tôm-lúa, tôm-rừng...). Đối với cá tra, phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề con giống, công nghệ, chế biến, chuỗi ngành hàng khép kín. Đặc biệt, phải có giải pháp tránh tình trạng phát triển diện tích nuôi phá vỡ quy hoạch. 

Đề cập việc phát triển thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Thị trường cũng cần phải làm một cách căn cơ, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, hiện đang tiêu thụ rất tốt và chưa có điểm dừng, nhưng có rất nhiều nguy cơ vì vẫn theo đường tiểu ngạch. Do đó, cần phải đẩy mạnh xúc tiến và tiến tới xuất khẩu chính ngạch”.

Ông Trần Đình Luân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản cho biết, 6 tháng cuối năm, Tổng cục thủy sản tập trung đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng ngành. Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản là trên 3,9 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu gần 6 triệu USD; trình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thủy sản 2017; triển khai quyết liệt các giải pháp để tháo gỡ các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về khắc phục thẻ vàng IUU; tăng cường kiểm tra, kiểm soát vi phạm quy định IUU; ngăn chặn các tàu cá khai thác vùng biển nước ngoài.

T.T

Toàn bộ tàu cá cần phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

Liên quan đến việc khắc phục “thẻ vàng” của Liên minh Châu Âu (EC), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian tới toàn bộ tàu cá cần phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình công nghệ vệ tinh, đồng thời, coi đây là trách nhiệm nghề cá bền vững. Bên cạnh đó, ngành thủy sản phối hợp với các lực lượng, ứng dụng công nghệ cao... và có thể chọn một địa phương để triển khai thí điểm. “Qua các khuyến nghị vừa qua, ngành thủy sản coi đó là cơ hội để rà soát lại toàn bộ kết quả đã triển khai, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai cho giai đoạn tới, kết hợp với nội dung mà Luật thủy sản đã cụ thể hóa các khuyến nghị của EC (EC)”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.