Xăm không đau, có "đau" không?
(Cadn.com.vn) - Sau Tết, tôi được một cô bạn rủ đi xăm hình. Nghe nhắc đến xăm, tôi tá hỏa can ngăn và nói về những hậu quả mà nó mang lại. Tuy nhiên, cô bạn bật cười: "vậy chưa biết xăm Henna không gây đau à?".
Trào lưu mê hoặc giới trẻ
Như đã hẹn, tôi và cô bạn có mặt tại quán cà-phê G.P trên đường Nguyễn Văn Linh (Đà Nẵng) để xăm. Tại đây đã có hơn chục trai gái đến đây cùng với mục đích như chúng tôi. Đợi chừng 10 phút, một cô gái trẻ, ăn mặc rất cá tính bước vào quán, ngồi tại một góc khuất và bắt đầu bày biện "đồ nghề" lên bàn để xăm Henna. Cô gái tự giới thiệu mình tên Linh và hôm nay là buổi vẽ định kỳ hằng tháng của shop "Henna Tattoo" do cô làm chủ.
Có nguồn gốc từ Ấn Độ, xăm Henna mang nhiều ý nghĩa như: vẽ lên bụng bà bầu để mong mẹ tròn con vuông; vẽ lên tay cô dâu ngày về nhà chồng để mong được hạnh phúc, hay mang một ý nghĩa tâm linh nào đó. Nhưng khi du nhập vào Việt Nam, Henna trở thành thú chơi của giới trẻ thích thể hiện nhưng... sợ đau đớn.
Henna tattoo- trào lưu mới của giới trẻ |
Linh tỏ ra am hiểu, giải thích: "Xăm Henna không đòi phải dùng kim mà được vẽ bằng mực của cây lá móng. Một hình xăm Henna sẽ tự biến mất trong vòng vài tuần và bạn sẽ không phải lăn tăn về việc gây đau đớn hay gắn bó với nó cả đời như xăm đá thông thường". Nói rồi, Linh bắt đầu vẽ cho khách theo thứ tự đã "book lịch" trước đó. M.Anh (SV Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng) cho hay: "Tôi biết đến kiểu xăm này trên facebook. Trước giờ tôi vẫn thích có một hình vẽ trên người nhưng phần sợ đau phần sợ ba mẹ la nên cứ chần chừ. Giờ có xăm henna là hình thức vẽ mực màu nên không đau đớn tí nào cả, ba mẹ hỏi tôi lại bảo con vẽ đó mà".
Cũng như M.Anh, P.Hằng (SV Đại học Sư phạm Đà Nẵng) chia sẻ: "Khi biết loại hình xăm mới này, tôi đã không ngần ngại thử đầu tiên. Xăm không hề gây đau đớn và cũng nhanh gọn nữa. Giá tiền cũng rất bèo. Mỗi lần đi chơi tôi lại vẽ một hình khác nhau vừa thời trang, vừa cá tính. Tôi là khách quen của chị Linh nên mỗi lần vẽ không phải xếp hàng như những người khác".
Một mẫu Henna do Linh vẽ cho khách |
Cô gái trẻ tên Linh lúc này vẫn đang miệt mài trổ tài "xăm trổ" trên cơ thể cho các thượng đế. Tầm 15 đến 30 phút là xong một người, giá cả từ 40 đến 100 ngàn đồng/hình vẽ, tùy theo độ phức tạp của hình muốn "xăm". Sau khi vẽ, để khoảng 15 đến 20 phút nữa, lớp mực sẽ tự bong ra, lớp màu vẽ sẽ thấm vào da và có màu nâu đỏ.
Đến lượt bạn tôi, Linh nói: "Màu vẽ của shop là màu tự pha chế nên không đụng màu với các shop khác". Khi được hỏi về những "tác dụng phụ" của mực vẽ, Linh nói chắc nịch là bằng... 0.
Sẹo lồi do vẽ Henna để lại. |
Và những cảnh báo
Thay cho kiểu xăm vĩnh viễn gây đau đớn, vẽ xăm Henna đang rộ lên trong giới trẻ, trở thành mốt làm đẹp "an toàn". Tuy nhiên, thực tế lại có những ẩn họa khôn lường từ trào lưu này. A.Mai (23 tuổi) ngậm ngùi kể: "Do ham rẻ nên tôi đi vẽ ở chợ phiên, về nhà, tôi bị nổi mẩn đỏ khắp phần vẽ. Tôi đã lấy nước tẩy sạch nhưng vẫn đau rát. Đến bác sĩ da liễu thì bác sĩ nói tôi bị dị ứng da". Không may mắn như A. Mai, P.Lan (sinh viên Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng) "xăm" henna để chơi Tết, nhưng vừa vẽ về cô lại bị phỏng, rát, sau đó xuất hiện sẹo lồi ở phần vẽ. Bác sĩ cho biết đây là di chứng của các chất độc được trộn trong màu vẽ Henna. Các chất này có khả năng gây phỏng rất cao và tùy theo cơ địa của mỗi người mà hậu quả để lại cũng khác.
Trên trang facebook của mình, Linh chia sẻ, lá móng dù được xem là lành tính, không gây ảnh hưởng trên da, nhưng với cách pha trộn các loại hóa chất rẻ tiền sẽ không an toàn cho làn da nhạy cảm. Bằng kinh nghiệm "thí nghiệm" của mình, P.Lan cũng cảnh báo: "Nên kiểm tra mực xăm trên da trước xem có phản ứng không, đặc biệt là đối với những ai có làn da nhạy cảm. Không nên nghe những lời quảng cáo về các loại mực giữ màu lâu hay giá rẻ vì đó rất có thể chứa chất phụ gia nào đó gây dị ứng. Đừng để tình trạng tiền mất tật mang vì xăm không đau".
Phương Loan