Xâm nhập điểm nóng phá rừng ở Bắc Trà My (Kỳ cuối: Nỗ lực giữ rừng)
Bắc Trà My lâu nay là địa bàn “nóng” về hoạt động khai thác lâm sản trái phép của tỉnh Quảng Nam. Để bảo vệ màu xanh của rừng, lãnh đạo huyện đã ra nhiều công văn chỉ đạo nhằm siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nạn phá rừng vẫn còn tồn tại dai dẳng trong thời gian qua.
Lực lượng Kiểm lâm H. Bắc Trà My kiểm tra hiện trường vụ phá rừng. |
Dai dẳng nạn phá rừng
Nhiều năm qua, tại các xã: Trà Giác, Trà Bui, Trà Kót, Trù Nú, Trà Tân, Trà Sơn (H. Bắc Trà My) liên tiếp xảy ra nhiều vụ phá rừng với quy mô lớn. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề ra nhiều biện pháp nhằm siết chặt công tác quản lý bảo vệ rừng, trong đó quan trọng là việc thực hiện chi trả dịch vụ bảo vệ môi trường rừng. Nhưng qua những vụ phá rừng phát hiện cho thấy còn tồn tại nhiều hạn chế, thiếu sự đồng bộ, thống nhất giữa các lực lượng chức năng. Như vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn mới đây ở thủy điện Nước Oa (H. Bắc Trà My) mà Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh, nhưng các đơn vị chưa phối hợp để kịp thời ngăn chặn.
Đáng nói, rừng bị tàn phá suốt thời gian dài nhưng lực lượng Kiểm lâm không hay biết, đến khi báo chí phanh phui mới lên kiểm tra, ghi nhận hiện trường. Kiểm lâm làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng, lập chốt chặn trên đường trọng yếu nhưng gỗ vẫn “ùa” về xuôi. Nhiều vụ khởi tố vụ án điều tra nhưng không tìm ra bị can hoặc số lượng không đủ để khởi tố bị can đành “khép” hồ sơ. Điều này cho thấy công tác quản lý rừng ở H. Bắc Trà My hết sức lỏng lẻo khiến dư luận bức xúc và đặt câu hỏi: Phải chăng lực lượng chức năng bảo kê cho “lâm tặc” phá rừng?
Về vấn đề này, một lãnh đạo H. Bắc Trà My thừa nhận rằng, công tác quản lý rừng của kiểm lâm huyện còn lỏng lẻo. “Khi xảy ra vụ phá rừng, Kiểm lâm lý giải là lực lượng quá mỏng, địa bàn rộng. Mỗi năm lực lượng kiểm lâm tổ chức hàng chục đợt kiểm tra, nhưng rừng vẫn bị phá suốt thời gian dài, đến khi báo chí phản ánh mới lên rừng kiểm tra, đó là điều cần phải xem lại. Trạm kiểm soát của kiểm lâm làm gì trong khi gỗ lậu vẫn về xuôi, không lẽ gỗ biết bay. Điều này đã khiến dư luận đặt nghi vấn kiểm lâm bảo kê “lâm tặc” phá rừng. Nếu lực lượng Kiểm lâm nỗ lực bám rừng, bám dân gầy dựng cơ sở, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng khác thì màu xanh của rừng sẽ được giữ”, vị lãnh đạo này lý giải.
Hiện trường vụ phá rừng tại thôn 4 (xã Trà Kót). |
Gỗ phách nằm ngổn ngang khắp khu rừng tại thôn 4 (xã Trà Kót). |
Tăng cường quản lý
Để bảo vệ rừng, thời gian gần đây UBND H. Bắc Trà My đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, lập nhóm trên zalo có lãnh đạo huyện, các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Viện kiểm sát, chủ rừng, tổ tuần tra bảo vệ rừng thu được nhiều tín hiệu tích cực. Một cán bộ kiểm lâm H. Bắc Trà My cho biết, để tránh trường hợp các tổ bảo vệ rừng “gian lận” trong công tác tuần tra, đơn vị đã yêu cầu cài phần mềm chụp ảnh hiển thị thời gian, tọa độ vị trí khu vực tuần tra. Mỗi chuyến đi đều gửi hình ảnh báo cáo vào nhóm để lãnh đạo huyện nắm. việc làm này đã tạo nên tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, nhờ vậy tình trạng phá rừng cũng giảm nhiều.
Cũng mới đây, sau khi được bổ nhiệm làm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Bắc Trà My, ông Trần Công Lý đã đề ra nhiều biện pháp siết chặt quản lý, tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng. Đơn vị cũng đã liên tiếp phát hiện bắt quả tang nhiều đối tượng vận chuyển gỗ trái phép, tịch thu gỗ để điều tra. Sau đó, có đối tượng đã nhiều lần gọi đến số máy của ông Trần Công Lý dọa giết (Báo Công an TP Đà Nẵng đã có bài phản ánh). “Riêng về vụ phá rừng phòng hộ Nước Oa, các cơ quan chức năng đã điều tra, khởi tố 9 bị can liên quan, bắt giam 4 bị can. Đơn vị cũng tổ chức nhiều đợt tuần tra rừng ở tất cả các địa bàn có rừng. Mới đây, các đơn vị chức năng đã đi 2 ngày tiếp cận một điểm phá rừng ở xã Trà Bui giáp với H. Phước Sơn (Quảng Nam). Điều này cho thấy lãnh đạo huyện và các lực lượng chức năng rất nỗ lực trong việc giữ rừng”, một cán bộ kiểm lâm H. Bắc Trà My thông tin. Trở lại vụ phá rừng tại thôn 4 (xã Trà Kót), trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Trần Công Lý cho hay, sau khi nắm được thông tin, đơn vị đã mật phục bắt quả tang 2 đối tượng có hành vi cưa hạ cây rừng trái phép. Hiện đơn vị đang tiến hành kiểm tra, đo đếm tại khu rừng bị đốn hạ, sau đó đối chiếu bản đồ mới xác định được thuộc loại rừng nào. Riêng về việc P.V phản ánh khu rừng tự nhiên tại thôn 4 bị xâm lấn để trồng cây keo trên diện rộng, ông Lý thông tin sẽ triển khai lực lượng tiến hành kiểm tra.
“Quan điểm công việc của tôi là tiếp thu thông tin để kịp thời ngăn chặn, xử lý bảo vệ rừng, vì thế P.V đi ghi nhận hiện trường cần phản ánh đúng thực tế giúp cho lực lượng Kiểm lâm”, ông Lý chia sẻ.
LÊ VƯƠNG