Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII:

Xăng, điện, nông sản... làm nóng nghị trường

Thứ sáu, 12/06/2015 09:10

(Cadn.com.vn) - Ngày 11-6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đăng đàn trả lời chất vấn các vị đại biểu Quốc hội.

Chiều 11-6, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, các ĐB đã đưa ra một loạt vấn đề bức xúc hiện nay như: giá điện, xăng tăng bất hợp lý; hàng giả hàng lậu tràn lan và đầu ra cho nông sản.

Thắc mắc vì giá điện, xăng tăng 

ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) chất vấn một loạt vấn đề. “Việc nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu bán không được, phải đem đi đổ bỏ. Hàng giả, hàng gian lận tràn lan khiến người dân bức xúc. Giá xăng dầu tăng làm người dân khó khăn, thương lái thì ép giá nông dân. Bộ trưởng có giải pháp gì không?”. Cùng quan điểm trên, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì cho rằng, trong khi dưa hấu từ ruộng chỉ bán được vài trăm đồng/kg có khi phải bỏ đi nhưng ở Hà Nội dân vẫn phải mua với giá hàng chục ngàn đồng/kg. “Điện là mặt hàng rất kỳ lạ. Cứ tăng và tăng, tăng tiếp, tăng nữa đã thành điệp khúc. Giá điện tăng kể từ lúc khai sinh ngành điện đến giờ mà chưa bao giờ thấy giảm”, ĐB Cương nói.

Trong khi đó, ĐB Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) bày tỏ sự bức xúc: “Đến nay chưa có sự chuyển biến cụ thể nền công nghiệp phụ trợ. 20 năm thu hút cho ngành ô-tô mà giờ vẫn chưa thành công. Vậy bây giờ thì có cần luật hỗ trợ không, Bộ trưởng đã có giải pháp gì?”. Cùng sự bức xúc với các ĐB khác, ĐB Thân Đức Nam chất vấn tiếp : “Giá xăng dầu ở nước ta không theo cơ chế của thị trường, Nhà nước vẫn quản lý giá là vận hành không đúng thị trường. Bộ trưởng có tham mưu gì để Chính phủ điều hành xăng dầu sang cơ chế thị trường như các nước trong khu vực, để người dân được quyền lựa chọn không?”.

ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) thì than vãn: “Hành tím của nông dân được mùa thì rớt giá. 10 ký hành bán không mua được tô phở. Trước đây, bộ trưởng đã hứa giờ xin hỏi bộ trưởng đã triển khai như thế nào để giải quyết vấn đề này trong ba năm qua. Công tác quy hoạch không tốt là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bộ  trưởng từng nói đừng đổ lỗi cho nông dân, vậy theo bộ trưởng ai là người có lỗi?”. ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thì cho rằng, đối với địa bàn không có đất để trồng rừng thay thế thì xử lý như thế nào, trách nhiệm thuộc về ai. Dân vùng triển khai thủy điện nhỏ thì bao giờ được hưởng chính sách tái định cư như nghị quyết của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận trách nhiệm

Trả lời các chất vấn trên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho hay, 5 tháng 2015, xuất khẩu nông sản có sự suy giảm so với cùng kỳ nhiều năm trước. Tăng trưởng kim ngạch 7,8%, chưa đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do một số sản phẩm nông sản gạo, thủy sản... kim ngạch xuất khẩu không bằng cùng kỳ; dầu thô giảm bằng 50% năm trước; thị trường xuất khẩu chủ yếu dựa vào đồng USD nhưng USD tụt xuống, nên xuất khẩu không đạt như cùng kỳ.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn.

“Trách nhiệm của ngành thì chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ. Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, duy trì, tổ chức hội chợ triển lãm để Việt Nam tham gia giới thiệu sản phẩm ở các nước và kêu gọi các nước vào Việt Nam tham khảo. Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, khu vực nông nghiệp chỉ làm tới 18% tổng thu nhập quốc dân nhưng nó liên quan đến 70% dân số. Đây là cấu phần quan trọng của đất nước. Thời gian tới đây thì tình trạng xuất khẩu sẽ tốt lên”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời. Về việc người dân lo lắng hàng giả, hàng lậu, gian lận. Bộ trưởng Hoàng cho hay, đây là chủ đề được nêu ra trong nhiều kỳ họp. “Về phần này, trách nhiệm của chúng tôi đã làm nhưng làm chưa tốt. Thời gian tới sẽ làm tốt hơn nữa”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, giá điện, xăng dầu vật tư tăng cao làm người dân khó khăn. “Chủ trương thì điện và xăng dầu là hai hàng hóa đặc biệt liên quan đến toàn bộ kinh tế-xã hội của đất nước. Chỉ một biến động nhỏ sẽ tác động đến mọi người dân. Hai mặt hàng này phải có sự quản lý của Nhà nước”, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, phân trần: “Đúng là mỗi khi điều chỉnh giá, nhất là giá điện. Với trách nhiệm của mình chúng tôi cũng rất là băn khoăn nên tính toán rất thận trọng, để đáp ứng điều chỉnh giá theo thị trường nhưng mặt khác giảm tối đa ảnh hưởng đến người dân nhất là dân nghèo, thu nhập thấp và dân ở nông thôn. Giá xăng dầu đang thực hiện theo Nghị định 83 của Chính phủ. Có ý kiến chưa thống nhất với điều chỉnh, nhưng thực hiện Nghị định 83 thì giá xăng dầu đang từng bước đưa vào đi đúng lộ trình giá thị trường, có tính tới yếu tố quản lý của Nhà nước”.

Phân tích về quả dưa hấu bán ở thị trường lên đến 18.000-20.000 đồng, nhưng tại ruộng dưa chỉ mấy ngàn đồng. “Những loại hoa quả này trồng phân tán, dễ hỏng, hao hụt lớn. Sau thu hoạch hao hụt 15-20%. Do địa bàn tiêu thụ và sản xuất xa nên giá vận tải tăng. Từ ruộng dưa đưa vào các chợ trung tâm, siêu thị tiêu thụ thì phải phân loại, loại những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Chính vì thế giá chênh lệch giữa ruộng dưa và thị trường cao như vậy”, Bộ trưởng Hoàng phân tích.

Về giá điện, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng giải trình: vào tháng 8-2013 đến suốt năm 2014 giữ giá ổn định, đến tháng 3-2015 thì tăng 7,5%. “Điều chỉnh này nằm trong chủ trương của chúng ta theo cơ chế thị trường chịu quản lý của Nhà nước. Phải xem xét giá nhiên liệu, tỷ giá thì để điều chỉnh giá điện. Lần này khác với lần trước là trước khi tăng có tham khảo tổ tư vấn chuyên ngành tham mưu vĩ mô. Theo lộ trình, năm 2016 là điều chỉnh giá điện theo thị trường”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Đặc biệt, trước sự chất vấn của các ĐBQH, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nói: “Tôi xin nhận trách nhiệm trước QH về cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ kết quả còn hạn chế”. Tuy nhiên theo Bộ trưởng Hoàng, mới 3 năm qua thì quyết định hỗ trợ của Chính phủ mới có tác dụng. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng nghị định hỗ trợ. Chúng tôi đã trình Chính phủ xem xét thông qua thẩm tra của Bộ Tư pháp, nhưng đến dự thảo lần thứ 6 vẫn chưa được thông qua. Tôi nhận thức rằng, phần giải trình chưa được xứng đáng.

Chất vấn quyết liệt “tam nông”

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn ĐBQH về sự khó khăn của nông dân.  Giải trình các chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, cho hay: cách nhìn nhận của các đồng chí lãnh đạo ở các địa phương đang từng bước thay đổi khi nhìn thấy sự cần thiết của việc tái cơ cấu ngành. “Tái cơ cấu ở đây là nói tới cách thay đổi tiếp cận về nông nghiệp, thay đổi khuôn khổ của nền nông nghiệp để phát triển bền vững... Nếu chỉ thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mà không thay đổi thị trường, hạ tầng, nguồn nhân lực... thì chúng ta không thể tái cơ cấu để phát triển một nền nông nghiệp chất lượng cao, bền vững được”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói. Để làm được điều này, theo Bộ trưởng Phát thì cần thay đổi cả nhận thức và hiện nay nhiều địa phương chưa xác định đúng giải pháp để tái cơ cấu.

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn.

Trong khi đó, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) chất vấn Bộ trưởng Phát. “Chất lượng nguồn nhân lực cho nông dân đang là vấn đề lớn. Muốn có một nền nông nghiệp phát triển mạnh thì không thể không quan tâm tới chất lượng nguồn lao động. Bộ trưởng đã có giải pháp nào cho vấn đề này chưa?”, ĐB Hùng chất vấn. ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) “truy”: “Riêng vấn đề trồng rừng thay thế, xin Bộ trưởng xác định thêm và gửi bằng văn bản cho chúng tôi biết. Đề nghị làm rõ vì sao qua hai năm mà chỉ trồng được 3.400 ha là thế nào”. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng chất vấn sau khi ông đã gọi điện vào Lâm Đồng để xác nhận về việc Cục bảo vệ thực vật đối thoại với doanh nghiệp về giống hoa nhưng chưa thấy có phản hồi.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) thì lo lắng trước tình trạng sản phẩm của nông dân thua ngay trên sân nhà. “Theo Bộ trưởng thì ngành chăn nuôi không có lợi thế so sánh. Như vậy, sản phẩm chăn nuôi và người chăn nuôi trong nước sẽ như thế nào khi cạnh tranh với các nước khác. Liệu gạo của chúng ta rồi đây có đứng vững tại thị trường trong nước không khi chúng ta gia nhập cộng đồng chung thì gạo của Thái Lan sẽ ồ ạt xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi lo lắng quá”, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) nói.

Trả lời câu chất vấn này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho hay: Đây là vấn đề lớn, nếu nông dân chúng ta không được đào tạo thì không thể có nền nông nghiệp chất lượng cao, phát triển bền vững được. Chúng tôi đã xác định đây cũng là vấn đề trọng tâm của ngành cần phải tập trung giải quyết trong thời gian tới. “Mục tiêu là sẽ đào tạo cho 1 triệu nông dân/năm, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH để làm điều này. Tuy nhiên, việc đào tạo này cũng cần phải có thời gian chứ trong một thời gian ngắn không thể đào tạo hết cho 25 triệu nông dân được. Ngoài ra, mỗi năm có thêm 700.000 người tham gia vào lực lượng nông nghiệp nữa. Chúng tôi đã xác định đào tạo sẽ bằng thực tiễn, bằng chất lượng, không chạy theo số lượng”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói. Cũng theo Bộ trưởng Phát, hiện doanh nghiệp chế biến nông sản cũng phải làm việc với hàng vạn nông dân để có nguyên liệu. Chất lượng đầu vào là một vấn đề quan trọng nên cần hỗ trợ cho các nhà máy để thu mua nông sản chế biến nông sản chất lượng cao. “Chúng tôi rất mong QH, Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho nông dân”, Bộ trưởng Phát kiến nghị.

Trong phần trả lời sáng 11-6 của Bộ trưởng Phát, nhiều ĐB vẫn không đồng tình. Các ĐB liên tục xin chất vấn lại vị “tư lệnh” ngành nông nghiệp. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đành cắt ngang phần trả lời không cần thiết của Bộ trưởng Cao Đức Phát để các ĐB tiếp tục chất vấn.

Lê Hoàng Sa – Thu Thủy