KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA XIII:

8,5 triệu lượt ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự

Thứ tư, 10/06/2015 08:26

(Cadn.com.vn) - Sáng 9-6, các đại biểu (ĐB) biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; nghe Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi); thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016.

Lùi thời hạn một số dự án luật

Với 86,26% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015.Theo đó: Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII các dự án: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/NQ-UBTVQH12 ngày 14-7-2011 về biểu thuế bảo vệ môi trường (đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp tháng 3-2015); Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16-12-2013 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên; Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc; Pháp lệnh quản lý thị trường.

Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 như sau: Bổ sung vào Chương trình năm 2015 các dự án: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/NQ-UBTVQH12 ngày 14-7-2011 về biểu thuế bảo vệ môi trường; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16-12-2013 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên ; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) thông qua tại kỳ họp thứ 10 theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội; Luật dược (sửa đổi) cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10; Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc thông qua tại kỳ họp thứ 9 theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội; Pháp lệnh quản lý thị trường.

Điều chỉnh thời hạn trình Quốc hội: Chuyển dự án Luật khí tượng thủy văn từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 lên Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thông qua tại kỳ họp thứ 10; Lùi thời gian trình dự án Luật biểu tình từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11; lùi thời gian trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ từ chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV; Rút dự án Luật dân số ra khỏi Chương trình năm 2015...

10 vấn đề trọng tâm của Bộ luật Dân sự

Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày cho thấy tính đến ngày 15-5-2015, qua 100 báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kết quả của các hoạt động lấy ý kiến khác thì đã có khoảng 8,5 triệu lượt ý kiến của Nhân dân tham gia góp ý về dự thảo Bộ luật.

Báo cáo của Chính phủ đã giải trình rõ về 10 vấn đề được xác định là trọng tâm trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân bao gồm: trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân của cá nhân; chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; bảo vệ người thứ ba ngay trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; hình thức sở hữu; thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác theo hợp đồng; điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi; lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; thời hiệu.

Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) của Ủy  ban Pháp luật nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và nhiều nội dung của dự thảo Bộ luật Dân sự đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến Nhân dân, các cơ quan, tổ chức, các ngành, các cấp.

Đề xuất 2 nội dung giám sát chuyên đề trong năm 2016

Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016 nêu rõ: Năm 2016, Quốc hội sẽ tiến hành 3 kỳ họp với những điểm chính của mỗi kỳ họp. Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, diễn ra khoảng 10 ngày, vào cuối tháng 3-2016, tập trung vào việc tổng kết công tác cả nhiệm kỳ; thực hiện giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021; dự kiến không tổ chức chất vấn và giám sát chuyên đề. Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, diễn ra khoảng 20 ngày, vào cuối tháng 7-2016, chủ yếu tập trung làm công tác tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của các cơ quan Nhà nước; xem xét báo cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021; tại kỳ họp này, dự kiến không tổ chức chất vấn và giám sát chuyên đề. Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, diễn ra vào cuối tháng 10-2016; hoạt động của Quốc hội đi vào ổn định, tập trung vào các nội dung chính là kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động giám sát; tại kỳ họp này, dự kiến có tiến hành hoạt  động chất vấn và giám sát                 1 chuyên đề.

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Số đại biểu tham gia là 425 chiếm 85,86%. Số đại biểu tán thành 422 chiếm 85,25%, chỉ có 1 đại biểu không tán thành và 2 đại biểu không biểu quyết. Cũng trong buổi chiều, các ĐB thảo luận về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

TTXVN