Xây dựng Đà Nẵng là thành phố sinh thái có bản sắc riêng

Thứ năm, 06/06/2019 12:38

Ngày 5-6, UBND TP Đà Nẵng tổng kết 10 năm xây dựng Đà Nẵng TP Môi trường, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện, các cấp ngành đã đạt được nhiều kết quả khởi sắc, xong để đạt được những mục tiêu đặt ra trong đề án đến giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2045, Đà Nẵng vẫn đối diện với nhiều thách thức...

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tham gia hoạt động trồng cây.

Nhiều khởi sắc

Trong 10 năm qua, nhiều chương trình, nhiệm vụ đã được các cấp ngành của TP tổ chức triển khai hiệu quả, như: Xử lý điểm nóng môi trường; kiểm tra, giám sát tuân thủ bảo vệ môi trường; thực hiện các biện pháp quản lý chất thải rắn, thay đổi phương thức thu gom, vận chuyển rác theo giờ, tạo mỹ quan sạch đẹp. Đã có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo được thực hiện hiệu quả tại các ngành, địa phương, như: “Tổ dân phố không rác”, “Doanh nghiệp xanh-sạch-đẹp”, “Trường học xanh”, “Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp”… Việc thực hiện các công trình cải tạo, xử lý điểm nóng về môi trường nước, không khí cũng được quyết liệt triển khai, điển hình: Khâu xử lý nước thải đô thị tập trung; cải tạo môi trường sông Phú Lộc, âu thuyền Thọ Quang; kiểm soát, xử lý cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường không khí; giải pháp giảm thiểu ô nhiễm từ hoạt động giao thông; trồng cây xanh, xã hội hóa công tác chăm sóc và bảo vệ cây xanh. Bên cạnh đó, xử lý triệt để 13/15 điểm nóng về ô nhiễm môi trường, 2 điểm nóng phức tạp được kiềm chế…

Nhờ thực hiện tốt các giải pháp, có 7/10 tiêu chí đặt ra trong công tác triển khai đề án đạt tỷ lệ cao, 3 năm liên tiếp Đà Nẵng đạt TP bền vững ASEAN, năm 2018 Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới bình chọn Đà Nẵng là “Thành phố Xanh quốc gia của Việt Nam”… Tính đến năm 2018, độ che phủ cây rừng của TP đạt  46,66%, tăng 9,1% so với năm 2008; 100% khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung, xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam; 100% đơn vị y tế có sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải, tuân thủ về lưu giữ chất thải y tế theo quy định… Đến nay, tỷ lệ sử dụng nước cấp tại các quận nội thành  khoảng 97,83%, nông thôn 76,81%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị đạt 95%... Thời gian qua, TP Đà Nẵng cũng đã hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện hiệu quả các dự án lớn về môi trường, như: Quản lý chất thải rắn để thúc đẩy phân loại và tái chế, chương trình giáo dục và lối sống bền vững, dự án JICA về thành phố Cacbon thấp.

Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT), dù đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên Đà Nẵng vẫn đang đối mặt với nhiều tồn tại, cần có những giải pháp khắc phục ngay, điển hình như: Hệ thống xử lý nước thải quá tải, chưa tách nước thải và nước mưa, dẫn đến tình trạng nước thải xả ra biển gây ảnh hưởng môi trường biển; Tình trạng phát triển đô thị nhanh và nóng, khiến mật độ cây xanh trên đầu người không đạt tiêu chuẩn; vẫn chưa đảm bảo 100% người dân TP có nước sạch. Ông Hùng cho rằng, TP Đà Nẵng hiện nay đang đối mặt với xu hướng tăng dân số nhanh, kèm theo đó là tình trạng khan hiếm tài nguyên, môi trường bị xâm hại, xâm nhập mặn, rác thải..., nên để phấn đấu trở thành TP môi trường, TP sinh thái, Đà Nẵng cần phải có những giải pháp căn cơ, dài hơi và bền vững hơn...

Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Phải xây dựng được hệ thống chính sách về bảo vệ môi trường

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ khẳng định: Sự ra đời Đề án “Xây dựng Đà Nẵng TP Môi trường” 10 năm trước là một quyết định mạnh dạn, sáng tạo và thể hiện sự quyết tâm cao về bảo vệ môi trường (BVMT) của TP. Đây là đề án có vị trí quan trọng và là 1 trong 3 trụ cột của Phát triển bền vững, góp phần để TP xây dựng, phấn đấu, hoàn thiện trong quá trình phát triển đô thị, trong đó có sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, sự tích cực của người dân trong mục tiêu chung về xây dựng.

Định hướng phát triển đề án Đà Nẵng TP Môi trường trong tương lai, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho rằng, cần phải xây dựng được hệ thống chính sách pháp luật về BVMT tương ứng với mục tiêu trở thành “TP Môi trường". Trong đó, cần có các chính sách cụ thể để từng ngành, từng bộ phận chủ động trong phòng ngừa ô nhiễm, xác định các chính sách để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tốt hơn về công tác BVMT, tiết kiệm tài nguyên, hạn chế xả thải ra môi trường. Cùng với đó, xác định rõ chính sách nào để kiểm soát chặt chẽ các đối tượng gây ô nhiễm môi trường, đồng thời lồng ghép trong các chính sách để điều chỉnh hành vi tiêu dùng, BVMT thông qua các công cụ thuế, phí; tiếp tục đột phá về cải cách thủ tục hành chính về môi trường. Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cũng lưu ý các cấp ngành sớm khắc phục các tồn tại trong quy hoạch nhằm giải quyết căn cơ các điểm nóng môi trường hiện có, trong đó lưu ý đến bài toán quy hoạch tổng thể về công nghiệp, du lịch, giao thông, thoát nước, cấp nước, chất thải rắn. Trong công tác quản lý, phải tiếp cận trên nền tảng ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, cần tự động hóa trong các hoạt động quản lý, điềụ hành, giám sát chất lượng môi trường, dịch vụ xử lý môi trường, ứng phó với sự cố môi trường.

Các lực lượng chức năng tham gia dọn vệ sinh khu vực bãi biển.

Kịp thời xử lý các vấn đề nổi cộm về môi trường

Quá trình thực hiện đề án, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ yêu cầu phải tiên phong sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật cao, công nghệ cao; cần có những chiến dịch, phong trào lôi cuốn, đặc trưng trong ngăn ngừa, giảm rác thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; các phong trào về sử dụng tiết kiệm nước, nghiên cứu khai thác và đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng mới từ rác thải, năng lượng mặt trời; đặt ra các chỉ tiêu cao hơn về tiết kiệm nước, điện trong tiêu dùng của hộ gia đình, các văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh; phát huy trách nhiệm, niềm tự hào của từng người dân TP trong công tác BVMT, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

“Để xây dựng hiệu quả đề án Đà Nẵng TP môi trường trong thời gian tới, nhất là mục tiêu xây dựng Đà Nẵng là TP sinh thái, có bản sắc riêng, đáp ứng các tiêu chí về TP sinh thái của khu vực và quốc tế vào năm 2045, tôi lưu ý các cấp, các ngành, địa phương phải tăng cường vai trò của các cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, gắn với chỉ đạo kiểm tra, xử lý kịp thời các vấn đề nổi cộm về môi trường nên địa bàn, góp phần hướng đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm KTXH của miền Trung, đáp ứng được mong đợi, kỳ vọng của người dân thành phố” – Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói.

CÔNG HẠNH

HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU TP SINH THÁI

Nói về mục tiêu của đề án xây dựng Đà Nẵng TP môi trường trong tương lai, ông Tô Văn Hùng cho hay, định hướng của TP đến năm 2025 là phải kiểm soát tốt chất lượng môi trường của TP (nước, không khí, đất); năm 2030 sẽ thiết lập được hệ thống quản lý môi trường của TP theo nền tảng TP sinh thái và đến năm 2045 Đà Nẵng sẽ là TP sinh thái, có bản sắc riêng, đáp ứng các tiêu chí về TP sinh thái của khu vực và quốc tế. Trước mắt, trong giai đoạn đến năm 2025, Đà Nẵng sẽ  tập trung bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường nước các lưu vực sông cung ứng nước nguồn cấp phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội thành phố; Kiểm soát đầy đủ các nguồn thải trên các sông, biển, hồ, đầm; Xử lý các điểm nóng môi trường nước, không tái ô nhiễm ở các điểm nóng môi trường đã được xử lý giai đoạn trước. Bên cạnh đó, kiểm soát được chất lượng nước thải đô thị, công nghiệp ra môi trường, cải thiện vấn đề ngập úng trên địa bàn thành phố, nâng cao chất lượng cấp nước khu vực đô thị, vùng nông thôn, cải thiện chất lượng môi trường không khí giao thông, tăng diện tích cây xanh công cộng đạt mức trên quy chuẩn quốc gia…