Xây dựng Hội An phát triển bền vững trong giai đoạn mới

Thứ tư, 07/09/2022 11:28
Ngày 6-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị chuyên đề để bàn một số nội dung theo Chương trình công tác năm 2022 của Tỉnh ủy, trong đó nổi bật là dự thảo Nghị quyết về xây dựng và phát triển TP Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch. Ông Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ông Lê Trí Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đồng chủ trì hội nghị.
Phố cổ Hội An có nét đẹp độc đáo, riêng biệt mà không nơi nào trên thế giới có được.
Ông Phan Việt Cường – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam phát biểu tại hội nghị.

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Báo cáo dự thảo Nghị quyết về xây dựng và phát triển TP Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch cho thấy, hiện nay TP Hội An có 9 phường (gồm 55 khối phố) và 4 xã (gồm 22 thôn). Theo kết quả thống kê năm 2020, dân số toàn thành phố có 99.531 người, trong đó nữ chiếm tỉ lệ 51,03%, nam chiếm tỉ lệ 48,97%; dân số thành thị 74.270 người, dân số nông thôn 25.261 người. Bên cạnh người Kinh chiếm đa số, có cộng đồng người Hoa định cư làm ăn sinh sống từ bao đời nay, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Hội An. Ngoài dân số tăng tự nhiên tại chỗ, hằng năm ở Hội An tốc độ gia tăng dân số cơ học khá cao.

Trong diễn trình lịch sử hình thành và phát triển của đô thị - thương cảng Hội An đã hình thành diện mạo di sản văn hóa Hội An khá đa dạng, phong phú và đậm bản sắc đặc trưng. Khu phố cổ Hội An là Di tích đặc biệt của quốc gia, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới vào ngày 4-12-1999 với các tiêu chí: là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế; là điển hình tiêu biểu về một cảng thị Châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.

Hiện tại không gian Hội An quá chật hẹp nên có ý kiến cho rằng cần mở rộng để phát triển hơn.

Theo đó, Đại hội Đảng bộ TP Hội An lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2010 - 2015, đã đề ra phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ xây dựng Hội An phát triển bền vững theo định hướng Thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch. Trong đó nhấn mạnh: “Văn hóa và sinh thái là hai nền tảng cơ bản trong tiến trình phát triển kinh tế của thành phố; phát triển kinh tế trên nền tảng và động lực của văn hóa, đồng thời nhằm mục tiêu phát triển văn hóa và bồi đắp sinh thái. Đó là sự phát triển biện chứng và là con đường phát triển bền vững của Hội An...”.
Do đó, dự thảo nghị quyết cho rằng việc xây dựng và phát triển Hội An thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch bền vững trên nền tảng sự tổng hòa các yếu tố: kinh tế bền vững, môi trường bền vững, xã hội bền vững; hạt nhân là văn hóa, con người và những giá trị nhân văn, đề cao tính gắn kết cộng đồng, vai trò và trách nhiệm chủ thể của người dân trong các hoạt động văn hóa, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đồng thời giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển bản sắc chung và tính đặc thù, văn hóa và văn minh; lấy yếu tố văn hóa tĩnh (bao gồm các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các thiết chế văn hóa xã hội, giá trị sinh thái nhân văn…) làm nền tảng, bệ đỡ và trục đồng tâm cho yếu tố văn hóa động (bao gồm cách thức sản xuất - kinh doanh, phong tục tập quán, lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, các hoạt động khoa học, giáo dục, văn hóa, thể thao,…). Bên cạnh đó huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, mở rộng và đẩy mạnh giao lưu, hợp tác, chủ động hội nhập để tạo động lực phát triển; chú trọng tính liên kết, tương hỗ với các địa phương lân cận, liên vùng phát triển theo quy hoạch của Trung ương và tỉnh.

Mục tiêu dự thảo nghị quyết đặt ra đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hội An có tính chất là đô thị chuyên ngành cấp quốc gia, mang tính đặc thù về di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan và môi trường, hiện đại và có bản sắc riêng. Trong đó Di sản văn hóa Thế giới Khu phố cổ Hội An và Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm - Hội An là hạt nhân lan tỏa để kiên trì thực hiện định hướng xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch; Xây dựng Hội An giữ vai trò là một trong những vùng động lực phát triển về du lịch của tỉnh, trung tâm du lịch của cả nước và mang tầm quốc tế.

Du khách đến với Hội An ngày càng đông sau 2 năm vắng bóng do ảnh hưởng bởi dịch.

Có nên mở rộng đô thị Hội An?

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đều thống nhất cho rằng cần thiết phải ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển TP Hội An với định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị về văn hóa, con người địa phương. Hội An phải giữ cho được hồn cốt “nhân tình – thuần hậu” của mình, đó là quan điểm xuyên suốt đặt ra, và phải thực hiện cho được chứ không chỉ đơn thuần nằm ở mục tiêu. Trong đó, yếu tố văn hóa phải được nhấn mạnh, bảo tồn tốt rồi mới đề cập đến khai thác phát triển du lịch. Cách làm của Hội An phải khác, tạo ra nét riêng, nhưng không được mất bản sắc, có giải pháp giải quyết tốt các thách thức, thích ứng với các biến động đặt ra. Người dân bản địa phải được thụ hưởng thành tựu phát triển của Hội An.

Bà Nguyễn Thị Thu Lan – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, cần xem lại tên gọi của dự thảo nghị quyết cho phù hợp, tương xứng hơn. “Tên gọi thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch còn mang tính chung chung, trong khi giá trị cốt lõi, hồn cốt của Hội An là đô thị cổ - là Di sản văn hóa thế giới. Do đó cần nghiên cứu tên gọi có nét riêng cho Hội An. Bởi Hội An có những giá trị đặc biệt mà khó nơi nào có được”- bà Thu Lan nhấn mạnh.

Phố cổ Hội An có nét đẹp độc đáo, riêng biệt mà không nơi nào trên thế giới có được.

Thống nhất với các ý kiến trên, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói thêm rằng, ông rất băn khoăn có nên mở rộng đô thị Hội An hay không vì hiện tại không gian Hội An quá chật hẹp trong khi kỳ vọng thì quá lớn. “Chúng ta tích hợp rất nhiều yếu tố trong một không gian như vậy có những thuận lợi nhưng đặt ra rất nhiều thách thức, khó khăn. Nhiều cái Hội An đưa ra rất hay nhưng triển khai nó trên thực tế trong một phạm vi không gian như vậy là vô cùng phức tạp, có thể dẫn tới xung đột, mâu thuẫn nhau trong quá trình phát triển… Hiện tại không gian phố cổ đã khá bức bối, Hội An lại nằm bên sông Thu Bồn trũng thấp, đối diện với nhiều mối đe dọa của quá trình biến đổi khí hậu. Sắp tới đây lượng khách bùng nổ thì những vấn đề đặt ra có phù hợp với thực tế nữa không. Nên chăng cần nghiên cứu mở rộng không gian, để Hội An có thêm dư địa phát triển?”- ông Lê Trí Thanh nêu vấn đề.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý tại hội nghị và trao đổi với các vị đồng chủ trì, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng, trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét ban hành nghị quyết trong năm 2023. “Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến góp ý tại hội nghị, sớm hoàn thiện đề án, dự thảo nghị quyết, đánh giá mặt được, hạn chế, có nên mở rộng không gian Hội An hay không, đồng thời nghiên cứu nguồn lực tài chính, nguồn thực con người để thực hiện nghị quyết hiệu quả. Trong quá trình xây dựng dự thảo cần tiếp tục tham khảo ý kiến của cộng đồng, tổ chức hội thảo chuyên đề để phân tích, đánh giá một cách toàn diện...”- ông Phan Việt Cường yêu cầu.

TRẦN TÂN