Xây dựng huyện Bắc Trà My trở thành đô thị động lực của vùng
Đánh thức vùng đất “Cao sơn ngọc quế”
Bắc Trà My - vùng đất “Cao sơn ngọc quế”, nơi có đỉnh Hòn Bà cao vút, có dòng sông Tranh trong xanh, hiền hòa, có quần thể Khu di tích lịch sử Trung Trung bộ Nước Oa - căn cứ địa cách mạng vang bóng một thời của Khu V; có nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Kinh, Cadong, Cor, Mơ nông, Xê đăng… Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh chống thực dân và đế quốc xâm lược, đồng bào các dân tộc huyện Bắc Trà My không chịu khuất phục trước kẻ thù nên đã đoàn kết, đứng lên chống kẻ thù xâm lược, một lòng hướng theo Đảng và Bác Hồ, ra sức bảo vệ quê hương và mảnh đất, con người Trà My.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh – Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My cho biết, theo Nghị định số 72/2003/NĐ-CP, ngày 20-6-2003 của Thủ tướng Chính phủ đã chia huyện Trà My thành hai đơn vị hành chính mới là huyện Nam Trà My và huyện Bắc Trà My. Từ khi tái lập cho đến nay, tiếp nối truyền thống đoàn kết, cần cù lao động, sáng tạo vốn có đã được tôi luyện qua hai cuộc kháng chiến, Đảng bộ và Nhân dân Bắc Trà My tiếp tục khắc phục khó khăn, phát huy những thành quả đã đạt được để xây dựng huyện Bắc Trà My ngày càng phát triển.
“Xác định địa phương có điểm xuất phát thấp, thời gian qua Đảng bộ, chính quyền huyện Bắc Trà My đã từng bước giải quyết những khó khăn mấu chốt, tập trung vào khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện đã có nhiều quyết sách phát triển kinh tế - xã hội quan trọng gắn với bảo tồn và phát huy truyền thống cách mạng, những giá trị văn hóa của địa phương. Vì vậy, nền kinh tế của huyện phát triển tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; so với năm 2003, cơ cấu kinh tế định hướng đúng mục tiêu, giảm dần cơ cấu về nông, lâm nghiệp, tăng dần về công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm ước đạt trên 14,96%. Thu nhập bình quân đầu người trên 24 triệu đồng/năm; văn hóa-xã hội có bước phát triển vượt bậc; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững”- bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh chia sẻ.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội huyện Bắc Trà My, đến nay có 3/12 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại bình quân đạt 14 tiêu chí; Bắc Trà My tự hào là địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam tiên phong trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo thông qua phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, ra mắt Câu lạc bộ “Khởi nghiệp sáng tạo”. Toàn huyện có 71 doanh nghiệp, Hợp tác xã đang hoạt động. Đến cuối năm 2022, toàn huyện có 14 sản phẩm OCOP của 14 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt hạng 3-4 sao. Hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi, giá trị thương hiệu Quế Trà My được quảng bá, nâng tầm với hơn 50 sản phẩm từ quế và phát triển ra thị trường thế giới như Singapore, Nhật Bản, Thái Lan. Đây là bước phát triển mới, mở ra sự kỳ vọng nền kinh tế huyện Bắc Trà My sẽ tiếp tục vươn lên tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.
Xứng đáng là vùng căn cứ địa cách mạng Khu V
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tham dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự vui mừng và phấn khởi khi đến dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Bắc Trà My. Theo ông Lê Trí Thanh, trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập và thay đổi tên gọi, nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Bắc Trà My vẫn một lòng đoàn kết, thống nhất để thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên tất cả các lĩnh vực theo từng thời kỳ lịch sử cách mạng.
Trong 20 năm sau ngày tái lập, huyện Bắc Trà My đã không ngừng nỗ lực vươn lên, đổi mới, sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhiều công trình được xây dựng và mở rộng, như: tuyến đường Bắc Trà My - Trà Bồng, đường Đông Trường Sơn qua địa phận huyện Bắc Trà My, đường Nam Quảng Nam, Quảng trường Văn hóa, Sân vận động, Trung tâm hành chính huyện, chợ, khu phố đi bộ, ẩm thực; Trung tâm trưng bày sản phẩm OCOP...
“Các công trình đó đã tạo nên một diện mạo nông thôn miền núi ngày càng khang trang, hiện đại. Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc của huyện Bắc Trà My luôn được Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân quan tâm, chú trọng. Năm 2022, Bắc Trà My là huyện đứng đầu cả tỉnh về cải cách hành chính; chyển đổi số và nhiều chỉ tiêu nằm trong nhóm đầu các huyện miền núi. Đây là những thành tích rất đáng tự hào, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh”- ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trong thời gian tới, toàn tỉnh nói chung và huyện Bắc Trà My nói riêng vừa có nhiều cơ hội phát triển nhưng đồng thời cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân huyện Bắc Trà My. Để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, ông Lê Trí Thanh đề nghị Đảng bộ, chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Bắc Trà My cần quan tâm thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể: tiếp tục đầu tư phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng của huyện theo hướng đồng bộ, kiên cố hóa để xây dựng huyện Bắc Trà My trở thành đô thị động lực của vùng Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My.
Tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp Nhân dân; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Quan tâm phát triển dược liệu gắn với bảo vệ rừng. Hướng đến năm 2025, trở thành huyện thoát nghèo bền vững. Cùng với phát triển kinh tế, cần quan tâm làm tốt hơn lĩnh vực giáo dục, y tế, công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách đối với người có công với mạng. Xứng đáng là vùng căn cứ địa cách mạng Khu V…
TRẦN TÂN
Hơn 80 gian hàng quảng bá các sản phẩm miền núi
Nhân Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập huyện Bắc Trà My, ngày 5-7 Sở Công thương Quảng Nam tổ chức Ngày hội quảng bá các sản phẩm miền núi tỉnh Quảng Nam 2023 tại trị trấn Trà My. Ngày hội đã thu hút trên 80 gian hàng của hơn 30 doanh nghiệp, cơ sở làng nghề, chủ thể OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm khởi nghiệp. Đặc biệt là các sản phẩm sản xuất chế biến của vùng “Cao sơn ngọc quế”, như: quế vỏ, quế kẹp, tinh dầu quế, bột quế gia vị, trà quế thảo dược... Ngày hội nhằm giới thiệu những thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội của các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh đến với nhân dân và du khách trong, ngoài nước. Qua đó quảng bá thương hiệu, hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm miền núi của tỉnh Quảng Nam.