Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp

Thứ năm, 03/07/2014 10:34

(Cadn.com.vn) - Ngày 2-7, Ban Bí thư TƯ Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/T.Ư ngày 5-6-2008 và triển khai Kết luận số 96-KL/T.Ư ngày 7-4-2014 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 22-CT/T.Ư của Ban Bí thư khóa X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Đồng chí Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đồng chủ trì hội nghị.

Trong những năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng chất lượng cuộc sống
của công nhân đã từng bước được cải thiện. (Trong ảnh: Giờ làm việc của công nhân Nhà máy điện tử Foster tại Đà Nẵng).

Đời sống công nhân từng bước được cải thiện

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, về cơ bản, trong 5 năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động từng bước được cải thiện. Mức tiền lương tối thiểu được điều chỉnh từng bước đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, cơ chế quản lý tiền lương được đổi mới, gắn tiền lương với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ năm 2008 - 2012, tiền lương thực tế của công chức, viên chức bình quân tăng mỗi năm 12,5%, tiền lương của người lao động tăng bình quân hàng năm từ 15-17%. Năm 2013, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn nhưng DN vẫn luôn chú trọng quan tâm đến đời sống của người lao động nên tiền lương tăng xấp xỉ 19% so với năm 2012.

Hướng đến nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 12-10-2011 phê duyệt "Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp (KCN) đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020". Việc quy hoạch các KCN, khu chế xuất gắn liền với quy hoạch phát triển các khu dân cư, xây dựng và phát triển nhà ở cho công nhân các KCN từng bước được chú trọng, hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi phục vụ công nhân lao động được cải thiện. Đến nay, các bộ ngành và địa phương đã và đang triển khai 101 dự án với 40 nghìn căn hộ, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho khoảng hơn 200 nghìn công nhân. Ngoài ra có 66 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp đang được triển khai thực hiện.

Quan hệ lao động đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, tranh chấp lao động và đình công có xu hướng giảm dần và ôn hòa hơn, không kéo dài như những năm trước. Việc chấp hành pháp luật lao động của người sử dụng lao động và người lao động có chuyển biến rõ nét, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN. Theo thống kê của 45 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, tỉ lệ DN ký thỏa ước lao động tập thể đến năm 2012 là 64,05%, tăng 20% so với năm 2008. Tỉ lệ DN đăng ký nội quy lao động đạt 35,27% (tăng 13,5%); tỉ lệ DN đăng ký thang bảng lương đạt 26,3% (tăng 18,5%); tỉ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội là 85,24%.

Còn nhiều điều đáng lo ngại

Trưởng ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ cho rằng, dù đã có nhiều bước cải thiện nhưng cho đến nay, quan hệ lao động trong DN vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, tiềm ẩn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Đời sống của một bộ phận người lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, điều kiện ăn ở, đi lại, học tập, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa tinh thần chưa đáp ứng được nhu cầu. Cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động vẫn còn diễn ra, trình độ tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận người lao động vẫn còn thấp.

Ở một số nơi, tổ chức Đảng và đảng viên, tổ chức công đoàn và đoàn viên trong DN phát triển chậm, chưa thực hiện hết vai trò của mình. Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN của một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa được quan quan tâm đúng mức, thiếu thường xuyên, thậm chí còn bị xem nhẹ. Một số chủ trương, chính sách chậm được triển khai thực hiện; sự phối hợp của các tổ chức Đảng, công đoàn, thanh niên, phụ nữ còn thiếu chặt chẽ, chưa phát huy được vai trò của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ trong DN.

Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và đại diện cho người lao động

Để hướng tới việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN, sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, Ban Bí thư T.Ư Đảng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, các DN, tổ chức đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện tốt các yêu cầu của Chỉ thị số 22-CT/T.Ư. Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lao động; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách pháp luật về việc làm, bảo hiểm xã hội, dạy nghề, tiền lương tối thiểu, an toàn vệ sinh lao động phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Tiếp đó, Ban Bí thư cũng lưu ý đến việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quan hệ lao động quốc gia nhằm thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa Nhà nước với tổ chức đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động trong việc giải quyết các vấn đề về quan hệ lao động; tăng cường các thiết chế hòa giải và trọng tài theo quy định của pháp luật về lao động, tiến tới xây dựng đội ngũ hòa giải viên chuyên nghiệp. Ban Bí thư cũng yêu cầu các cơ quan liên quan đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức công đoàn, chú trọng thành lập công đoàn cơ sở và phát triển đoàn viên trong DN, đặc biệt là DN ngoài Nhà nước. Song song với đó là tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn để họ hoàn thành tốt vai trò là người đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong DN.

Đông A