Xây dựng Tây Giang thành vùng biên giới giàu đẹp

Thứ sáu, 09/08/2013 11:00

(Cadn.com.vn) - Đã tròn 10 năm Tây Giang tái lập (17-7-2003, 17-7-2013). Là một huyện biên giới  nằm trong diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam và cả nước, nhưng Tây Giang đã vuợt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội địa phương. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày tái lập H. Tây Giang và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba vào hôm nay 9-8, đồng chí Bh'riu Liếc, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang đã dành cho P.V Báo Công an TP Đà Nẵng cuộc trao đổi xung quanh sự kiện trọng đại của Tây Giang này.

Đồng chí Bh'riu Liếc-Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, Quảng Nam.

P.V-Xin đồng chí cho biết những kết quả, thành tựu mà Tây Giang đã đạt được sau 10 năm tái lập trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội?

Đồng chí Bh'riu Liếc: Là huyện miền núi nghèo và khó khăn nhất của tỉnh Quảng Nam, để thúc đẩy phát triển KT-XH và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh Quảng Nam, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong huyện đã đề ra nhiều chủ trương đúng và có những quyết sách hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Cụ thể, Huyện ủy, HĐND huyện đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển KT-XH như: Nghị quyết về phát triển chăn nuôi, trồng trọt; nghị quyết về phát triển giáo dục, đào tạo; y tế và xóa đói, giảm nghèo,... Đặc biệt là năm 2008, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là một nghị quyết rất quan trọng, sau 5 năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần xây dựng nông thôn mới và cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong huyện.

Đến nay, tổng giá trị sản xuất năm sau cao hơn năm trước, tốc độ phát triển bình quân hằng năm tăng 17,25%. So với khi mới tái lập, giá trị sản xuất tăng gấp 8 lần. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Nếu năm 2003, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 54,65%; công nghiệp, xây dựng 2,53%; dịch vụ 36,24% thì đến năm 2013, nông, lâm nghiệp và thủy sản 27,58%; công nghiệp, xây dựng 32,02%; dịch vụ 40,39%.

 Nếu như trước năm 2003, đường giao thông chính của huyện chỉ nhờ 15,3km đường nhựa thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh và 18 km đường đất, hẹp, nhiều xã chưa có đường ô-tô thì đến nay có 6/10 xã đường nhựa và 100% xã có đường ô-tô, 67/70 thôn ô-tô vào được tận làng trong mùa nắng; hoàn thành mở được cặp cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm (biên giới Việt -Lào), 8/10 xã có điện lưới sử dụng, 9/10 xã có sóng điện thoại. Lĩnh vực văn hóa-xã hội đạt được nhiều kết quả; năm 2006, huyện hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, đúng độ tuổi, năm 2008, hoàn thành phổ cập giáo dục THCS và hiện nay, có 1 trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, tỷ lệ trường lớp kiên cố đạt hơn 70%. Mạng lưới giáo dục tiếp tục được mở rộng, nâng cấp, đến nay đã có 18 đơn vị trường học với các cấp học từ bậc mầm non đến bậc Trung học phổ thông. 10/10 xã có trạm xá xã (trong đó 7/10 xã có bác sĩ), 29/70 thôn công nhận thôn văn hóa; 62/70 thôn có Gươl (nhà sinh hoạt truyền thống của thôn); 4/10 xã có Gươl xã. 9/10 trụ sở làm việc của xã được tầng hóa, hơn 90% trụ sở các ban, ngành huyện đã hoàn thành đảm bảo phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 10 năm qua hơn 2.200 tỷ đồng. Từ đó tăng thu nhập người dân từ 1,4 triệu đồng năm 2003 nay lên gấp 7,2 lần, tức bình quân đầu người 10,2 triệu đồng/năm. Đặc biệt, thành công lớn nhất của 10 năm qua là đã và đang triển khai tích cực xây dựng Nông thôn mới, được nhân dân đồng tình ủng hộ, chỉ tính riêng phần đóng góp của người dân trong lĩnh vực này có 13.890 ngày công, hiến 484.500m2 đất; hoa màu, nhà cửa tháo dỡ không đòi đền bù tính giá trị bằng tiền trên 50 tỷ đồng.

Đáng kể nhất là lần đầu tiên trên địa bàn miền núi Tây Giang từ những nông dân chỉ quen phát rừng làm rẫy nay trở thành công nhân lâm nghiệp trồng cây cao su tạo thu nhập cao hơn gấp bội lần so với trước. Đến nay, tổng diện tích cao su đã trồng là 1.493,13 ha. Ngoài ra, nhiều nơi còn khoanh nuôi làm trang trại, di thực sâm Ngọc Linh thành công; nhiều làng trồng đẳng sâm, ba kích, tr'đin, thảo quả, táo mèo, bắp; chăn nuôi tập trung bò, heo, cá nước ngọt, cá tầm xứ lạnh..., bước đầu đem lại kết quả khả quan, triển vọng không xa sẽ trở thành hàng hóa có giá trị; chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng Tây Giang thành một huyện biên giới giàu đẹp.

P.V: Là vùng biên giới, Tây Giang đã làm gì để xây dựng và phát triển phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới?

Đồng chí Bh'riu Liếc: Tây Giang  với hơn 95% dân số là đồng bào Cơ Tu có truyền thống cách mạng nên trong những năm qua; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các địa phương trong huyện, tình hình ANCT, an ninh biên giới và TTATXH trên địa bàn huyện luôn đảm bảo ổn định, không xảy ra vụ việc gì nổi cộm. Có được những kết quả trên, là nhờ các ngành chức năng triển khai thực hiện tốt các chỉ thị của Huyện ủy về đảm bảo quốc phòng-an ninh và các chương trình, mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, các ngành chức năng như Công an, Quân sự và Biên phòng thường xuyên tổ chức giao ban nắm tình hình theo Nghị định 77/NĐ-CP của Chính phủ. Định kỳ hằng năm, huyện giao cho ngành Công an tham mưu tổ chức Hội nghị gặp mặt già làng, người có uy tín của huyện để triển khai các chủ trương lớn và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Ngoài ra, công an huyện còn tổ chức diễn đàn "Công an lắng nghe ý kiến của nhân dân" và phát động phong trào TDBVANTQ. Có thể nói, tình hình ANCT-TTATXH ổn định đã góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH địa phương trong thập kỷ qua.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí Bí thư về cuộc trao đổi này.

Hồng Thanh
 (thực hiện)