Xây dựng thành phố xanh là lựa chọn tất yếu của Việt Nam

Thứ sáu, 25/10/2013 14:49

(Cadn.com.vn) - Sáng 24-10, Bộ Xây dựng và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức hội thảo “Phát triển đô thị - hướng đến thành phố xanh và thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam”.

Nhiều thách thức

Ông Đỗ Viết Chiến – Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, đến cuối năm 2012, Việt Nam đã có 765 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt 32,45%. Trong 3 năm trở lại đây, trong khi tăng trưởng kinh tế bình quân cả nước chỉ mức 7,7% thì mức tăng trưởng này tại các đô thị là 12,6% và hầu hết xuất phát từ các hoạt động của khu vực dịch vụ và phát triển công nghiệp. Những con số thống kê tăng trưởng đó phần nào cho thấy sự đóng góp quan trọng của các đô thị, tuy nhiên phát triển đô thị tại Việt Nam còn bộc lộ nhiều hạn chế. Chất lượng đô thị chưa tăng kịp với số lượng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Hệ thống quản lý nước thải và chất thải rắn còn thiếu sót dẫn tới ô nhiễm nguồn nước ngầm, sông, bờ biển, trong khi đây chính là nguồn cung cấp nước để sử dụng cho sinh hoạt của người dân. Ô nhiễm làm giảm giá trị đất đai, kìm hãm phát triển kinh tế. Đồng thời nó cũng làm tăng chi phí của thành phố, tạo ra vô số các rủi ro khác.

“Ngoài ra Việt Nam được dự báo là một trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Phần lớn đô thị và người dân đang sống ven biển thấp, đồng bằng châu thổ, những khu vực chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu. Mực nước biển dâng được dự báo vào cuối thế kỷ này sẽ ảnh hưởng đến 1- 2% dân số Việt Nam và tổn thất kinh tế có thể lên tới xấp xỉ 10% GDP cả nước. Đó là những mối lo hiện hữu trong việc phát triển đô thị ở Việt Nam” - ông Chiến nhấn mạnh.

Biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường.
Trong ảnh: Bão số 11 ảnh hưởng đến đời sống người dân Đà Nẵng.

Với nhiều hạn chế như vậy nên việc quy hoạch đô thị đang chịu nhiều áp lực. Ông Lawrie Wilson – Giám đốc dự án quốc tế Hansen Partnership nhìn nhận: “Thách thức chính yếu trong phát triển đô thị Việt Nam hiện này là nhận ra những khiếm khuyết của cơ chế, những cơ chế đang còn phản ánh thời kỳ tiền đổi mới và trước khi gia nhập WTO. Hậu quả là các thành phố chúng ta có ngày nay  đối mặt với vấn đề kẹt xe, môi trường xuống cấp, tiện nghi đô thị thấp. Nhà quy hoạch không phải là nghệ sĩ và không có sự bóng bẩy trong những đề xuất giải pháp thiết kế để tạo ra những tác phẩm đầy chất sáng tạo trên giấy mà không có cơ sở thực tiễn nào. Quy hoạch phát triển đô thị phải có căn cứ và phải được lập trong khuôn khổ chính sách rõ ràng”.

Sự cần thiết cải cách

“Phát triển đô thị Việt Nam đang ở giai đoạn đầu với nhiều khó khăn, cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phù hợp, đòi hỏi những giải pháp khoa học phù hợp với đặc điểm của đất nước. Phát triển đô thị bền vững thông qua việc xây dựng các thành phố xanh và có khả năng chống chịu là sự lựa chọn tất yếu cho Việt Nam” - ông Chiến nói.

Dẫn chứng sự thành công kế hoạch hoạt động đô thị của ADB, ông Andrew Head – Phó giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng cần phải đầu tư và thúc đẩy mạnh mẽ để đạt được mục tiêu hạ tầng xanh trong giai đoạn ngắn và trung hạn. Tuy nhiên để xây dựng các thành phố xanh và có khả năng chống chịu cần có chuyển đổi trong cơ chế chính sách. Đối với quy hoạch hạ tầng và dịch vụ đô thị cơ bản cần có quy hoạch đô thị tổng hợp cũng như sự phối hợp phát triển tốt.

“Chúng ta cần có sự lãnh đạo, cam kết mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp chính quyền, cũng như đầu tư hiệu quả trên quy mô rộng để hướng tới mô hình phát triển thành phố xanh và có khả năng chống chịu tốt. Việt Nam đã xây dựng các chiến lược và chính sách khuyến khích phát triển đô thị, giờ đã đến lúc chúng ta thực hiện chiến lược phát triển đô thị tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu” - ông Andrew Head nói.

Bài, ảnh: Hoàng Anh