Xây dựng thương hiệu Trường tiểu học "Võ Thị Sáu"- tại sao không?

Thứ hai, 28/10/2013 14:27

(Cadn.com.vn) - Xu thế xã hội đua nhau đưa con vào học trường điểm, lớp chọn ngày một nhiều, dẫn đến nghịch lý: sự quá tải của các trường được xem là "tốp trên" và sự èo uột của các trường được xem là "tốp dưới" trong công tác tuyển sinh đầu cấp. Để thu hút HS vào học, các trường "tốp dưới" không còn cách nào khác hơn là tự tìm hướng đi cho mình. Trường tiểu học (TH) Võ Thị Sáu (Q.Hải Châu, Đà Nẵng) cũng là một trong số những trường như thế...

Từ chuyện cô giáo Thủy

Là GV dạy Văn Trường THCS Chu Văn An, năm 1990, vì hoàn cảnh gia đình, cô Trương Thị Thu Thủy (1960), xin về dạy tại Trường TH Võ Thị Sáu gần nhà để tiện việc chăm sóc các con. Quen cách dạy HS bậc THCS, nên khi tiếp nhận việc dạy HS bậc TH, những tháng đầu đứng lớp, cô Thủy gặp không ít khó khăn. Bởi, với HS TH, dạy các em đâu chỉ có kiến thức mà phải uốn nắn, dạy cho các em từng tí một về các kỹ năng... Đặc biệt, việc quản lý các em nhỏ vốn hiếu động là một công việc vô cùng nan giải và áp lực đối với một cô giáo dạy Văn THCS...

Nhưng cũng từ tình yêu trẻ, nhiệt huyết với nghề, được sự động viên, giúp đỡ thường xuyên của các đồng nghiệp, cô Thủy như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục dấn thân với nghề. Theo cô, dạy học trò TH đòi hỏi GV phải... đa hệ. So với bậc THCS hay THPT, việc chấn chỉnh, uốn nắn HS vào nền nếp trường học tuy phức tạp nhưng không nhọc nhằn như dạy TH. Theo đó, GV dạy TH phải có một phương pháp dạy học phù hợp với tâm lý HS TH. Phải vừa là cô, vừa là mẹ, vừa là... người bạn lớn đối với chúng.

Bằng tình yêu ấy, không lâu sau, cô Thủy được xếp vào một trong số GV có phương pháp sư phạm tốt của trường. Dạy HS bình thường đã khó, dạy học trò khuyết tật lại càng khó hơn. Cô Thủy là một trong số những GV được BGH nhà trường tin tưởng giao trọng trách dạy cho HS khuyết tật hòa nhập. Đến giờ, cô vẫn không sao quên được cậu học trò khuyết tật tên V. Tính theo tuổi, V.phải học lớp 7 chứ không phải học lớp 3. Em thuộc dạng HS khuyết tật tăng động, thích chơi hơn học và hay đánh bạn.

Đầu năm học, khi bước vào lớp học, cô Thủy nhìn thấy V. đang chui xuống gầm bàn chơi trò con quay. Giả vờ như chưa nhìn thấy em, cô lên tiếng hỏi lớp: "Bạn V. đi đâu rồi? Hôm nay bạn V.nghỉ học à?". Các bạn chỉ tay xuống dưới gầm bàn, cô đi xuống, cúi xuống gầm bàn ân cần hỏi: "V.hôm nay vì sao ngồi dưới gầm bàn vậy?". Rồi cô nhẹ nhàng lấy con quay đem lên bàn GV. V.khóc rống. Cô Thủy dỗ dành: "Cô để con quay trên bàn nghe. Nếu tiết này V.học tốt, cô sẽ đưa lại cho V.". Cậu bé vẫn khóc, cô Thủy nói thêm: "Nếu V.ngoan, giờ ra chơi cô sẽ cùng chơi với V. được không?". Lạ thay, nghe xong câu đó, V.nín khóc luôn. Trong giờ, em chăm chú nghe cô giảng. Giữ lời hứa, giờ ra chơi, cô Thủy ở lại chơi với V. Biết tính V.hiếu động thích chơi trò có cảm giác mạnh như bắn súng, cô khéo léo chuyển sang chơi xếp hình... Cứ thế, giữa hai cô trò mặc nhiên có quy định, khi nào V.ngoan, chăm học thì sẽ được cô cùng chơi các trò chơi. V.thích lắm. Em bắt đầu chuyên tâm học hành, không còn đánh bạn nữa mà còn biết giúp đỡ bạn. Mỗi lần làm việc tốt, em đều tìm gặp cô Thủy để khoe.

Bây giờ V. đã lên lớp 7, nhưng mỗi lần gặp lại cô giáo cũ vẫn đứng lại khoanh tay chào cô. Nghe cô giáo bệnh, em đến thăm...Theo cô Thủy, dạy HS yếu đã khó, dạy HS khuyết tật càng khó hơn. Bên cạnh phương pháp dạy khoa học, hợp với tâm lý trẻ, khi dạy trẻ khuyết tật, đòi hỏi GV phải kiên trì, nhẫn nại cao. Phải đến với các em bằng tình thương và sự quan tâm, chăm sóc tỉ mỉ, đặc biệt...

Cô giáo Trương Thị Thu Thủy đang hướng dẫn HS cầm bút viết đúng tư thế. Ảnh: P.T

Dang rộng vòng tay yêu thương

Qua tìm hiểu, được biết, ở  Trường TH Võ Thị Sáu, có rất nhiều GV như cô Thủy: giỏi chuyên môn, yêu trẻ và rất nhiệt huyết với nghề. Nằm ở địa bàn Q. Hải Châu, nhưng đa phần người dân ở khu vực P.Thuận Phước- nơi trường đóng chân-là dân lao động nghèo, có đời sống thu nhập cũng như mặt bằng dân trí thấp. Phụ huynh phần lớn làm nghề biển, đầu tắt mặt tối lo mưu sinh nên ít quan tâm đến việc học của con cái. Theo đó, phần lớn PH giao phó việc chăm sóc, dạy dỗ, quản lý con cái cho nhà trường. Xuất phát từ tình yêu thương học trò, nhằm chia sẻ với PHHS, nhiều năm qua, ngoài việc không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nhà trường còn phát động nhiều phong trào hỗ trợ quà, học bổng  cho HS nghèo từ tiền lương của CB, GV, CNV, kêu gọi sự đóng góp của các Mạnh Thường Quân...

Để chuyên tâm dạy dỗ HS, hầu hết giáo viên trong trường không tổ chức dạy thêm ở nhà hay tham gia việc dạy thêm ở cơ sở khác. Phó Hiệu trưởng Huỳnh Thị Thanh Hòe khẳng định: "Riêng chuyện dạy thêm, tôi khẳng định chắc chắn không có GV nào trường tôi tổ chức dạy thêm. Đội ngũ GV của trường là những GV giàu nhiệt huyết yêu nghề và yêu trẻ. Nhiều cô, tuần theo quy định dạy 23 tiết nhưng vẫn tự nguyện dạy 26 tiết để phụ đạo ngoài giờ cho những HS yếu, kém.  Việc dạy  phụ đạo này không thu tiền  và có trao đổi với PH. PH rất vui vì nhà trường quan tâm đến con em mình...".

Được biết, phần lớn GV Trường TH Võ Thị Sáu đều là những GV có kinh nghiệm và có phương pháp dạy học rất tốt. 100% GV đạt chuẩn, trong đó có hơn 92% GV đạt trên chuẩn. Trong năm 2012-2013 vừa qua, nhà trường có 1 GV giỏi cấp TP, 2 CSTĐ. Nhiều năm liền nhà trường đạt danh hiệu Trường Tiên tiến, Chi bộ Trong sạch vững mạnh, 3 năm liền trường đạt Liên đội Vững mạnh tiêu biểu. Luôn trăn trở với nghề, với ngành, điều mà tập thể sư phạm Trường TH Võ Thị Sáu đang tìm cách hướng tới đó là: Xây dựng thương hiệu Trường TH Võ Thị Sáu xứng đáng là địa chỉ đáng tin cậy để PH tin tưởng gửi con em vào học. Để làm được điều này, BGH mong rằng, ngoài sự nỗ lực của bản thân, của ngành, còn có sự giúp sức của xã hội, của các bậc PHHS...

P.Thủy