Xây dựng văn hóa, văn minh thương mại tại chợ hải sản
(Cadn.com.vn) - Ngày cuối tuần, trong vai một người nội trợ, tôi tìm đến chợ hải sản, trên đường Yên Khê 2, thuộc P.Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Chợ chỉ nằm cách tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành chưa đến 300 mét ngay ở trục đường ven sông Phú Lộc. Dù đã biết tiếng của chợ hải sản này khá lâu nhưng thật ra lần này là dịp thứ hai người viết mới lại đặt chân đến. Nhớ khi đưa vào khai thác hồi tháng 5-2011 bằng nguồn vốn ngân sách của UBND Q.Thanh Khê khoảng 1 tỷ đồng, chợ hồi ấy không như bây giờ, hoang vắng, thưa thớt, người mua, kẻ bán trông có vẻ đìu hiu, không có sự nhộn nhịp của không khí chợ búa.
Còn bây giờ, trở lại đã thấy khác nhiều. Những mặt hàng hải sản tươi sống được bày bán rất bắt mắt như Tôm, Cá, Mực, Nghêu, Sò, Cua, Ghẹ ... lại được niêm yết giá và bán theo đúng giá niêm yết. Chưa hết, ngoài cân của các tiểu thương trong chợ dùng để cân hàng cho khách, Ban quản lý còn bố trí cả cân đối chứng để khách hàng yên tâm và có thể kiểm tra bất kể lúc nào. Tiểu thương Mai Thị Cúc, Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Thị Mười, Nguyễn Thị Chim, Nguyễn Thị Tám…khi được hỏi đều cười rất tươi. Họ nói rằng, phải làm cho khách hàng tin thì người ta mới đến với mình và hoàn toàn yên tâm về giá cả, chất lượng, số lượng, không sợ bị nói thách, không sợ bị chặt chém, cân gian giảm trọng lượng.
Trưởng BQL chợ hải sản Văn Quý Phú cho biết, mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng bước đầu đã là địa chỉ khá quen thuộc cho người có nhu cầu mua hàng hải sản. Hàng hải sản tại chợ luôn tươi, ngon, giá thành vừa phải, đa chủng loại và số lượng dồi dào. Thời gian qua, ngoài khách hàng tại địa phương đi chợ mua thức ăn hàng ngày, đã có nhiều khách hàng đến mua hàng với số lượng lớn từ các quận, huyện lân cận; nhiều khách hàng mua đóng thùng đưa về các tỉnh, thành phố khác.
Khách hàng chọn mua hải sản tươi sống tại chợ. |
Theo chủ trương của quận và P. Thanh Khê Đông, việc xây dựng chợ hải sản không chỉ đáp ứng nhu cầu mua hàng của nhân dân mà còn nhằm chấm dứt tình trạng buôn bán hải sản trên đường Nguyễn Tất Thành, góp phần xây dựng môi trường và cảnh quan du lịch. Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn còn một số hộ tiểu thương vì ham lợi trước mắt, nên vẫn còn tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường Nguyễn Tất Thành, cũng như sử dụng cân không đúng quy chuẩn.
Vì vậy, UBND phường đã chỉ đạo bộ phận quản lý chợ trang bị cân đối chứng để khách hàng kiểm tra trọng lượng nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và tăng cường lực lượng Kiểm tra Quy tắc đô thị làm trật tự tại chợ và trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành. Từ đó, chợ đi vào hoạt động ổn định hơn và việc mua bán có phần trật tự và sầm uất hẳn lên.
Thời gian đầu đưa vào khai thác, chợ hải sản đã bộc lộ và phát sinh nhiều bất cập như: hệ thống thoát nước chưa đảm bảo, quy hoạch bố trí ngành hàng, lô quầy chưa phù hợp,... ảnh hưởng đến hoạt động mua bán của các hộ kinh doanh. Năm 2013, bằng nguồn vốn kiến thiết thị chính, UBND quận đã cho phép P. Thanh Khê Đông đầu tư, sửa chữa một số hạng mục như cấp thoát nước, mái che nhà lồng, đảm bảo vệ sinh môi trường và công tác PCCC, đáp ứng cho các hoạt động kinh doanh phù hợp với công năng của chợ kinh doanh hải sản với tổng giá trị đầu tư hơn 220 triệu đồng.
Tuy chợ hải sản có quy mô không lớn, nhưng với sự quan tâm đầu tư nâng cấp của Q. Thanh Khê và P. Thanh Khê Đông, sự quyết tâm của Ban quản lý các chợ thuộc phường, sự bố trí phù hợp các ngành hàng và đồng thuận cao trong các hộ tiểu thương, chợ Hải sản này sẽ trở thành địa chỉ quen thuộc, đáng tin cậy và hấp dẫn với khách hàng có nhu cầu cần mua hàng hải sản.
Ông Văn Quý Phú khẳng định: "Đến nay, hầu hết các hộ kinh doanh đều được tham gia các lớp tập huấn về kinh doanh văn minh thương mại chợ, các kỹ năng giao tiếp khách hàng văn minh, lịch sự, giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, đảm bảo ANTT tại chợ; đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh tại chợ như niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, cân đúng, cân đủ, hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm".
Hôm đến chợ hải sản P.Thanh Khê Đông, người viết gặp Giám đốc Ngân hàng Hàng Hải CN Đà Nẵng Trương Văn Vinh. Hóa ra, ngân hàng đang triển khai gói vay trả góp cho 10 khách hàng là tiểu thương trong chợ thông qua tín chấp từ BQL chợ với mức vay 20 triệu đồng/tiểu thương và sẽ được trả cả gốc lẫn lãi sau 1 năm. Anh Vinh cho biết, chương trình này hiện đã được triển khai ở nhiều chợ như Cẩm Lệ, Hòa An, Hòa Khánh, Nam Ô, Hòa Mỹ…với tổng dư nợ khoảng 40 tỷ đồng.
"Hiện tại vẫn còn một số hộ kinh doanh buôn bán lén lút tại trục đường Nguyễn Tất Thành làm kế mưu sinh, chưa thể vào chợ, do nguyên nhân chính là diện tích mặt bằng chợ còn nhỏ hẹp, không đủ công năng bố trí mặt bằng. Một bất cập khác là chợ nằm sâu trong khu dân cư nên việc buôn bán kinh doanh không được thuận lợi. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị UBND TP Đà Nẵng và UBND Q.Thanh Khê xem xét bố trí chợ tại các lô đất còn trống trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành để tạo điều kiện cho chợ hải sản phát triển, thu hút được đông đảo khách hàng đến giao dịch mua bán…", ông Văn Quý Phú đề nghị.
Phương Kiếm