Xây dựng xã thân thiện với môi trường

Thứ hai, 18/03/2019 16:44

Để thực hiện hiệu quả chủ đề “Năm môi trường 2019” của H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng), trong đó, việc phân loại rác thải tại nguồn là một cách làm hay đang được các địa phương trên địa bàn huyện tích cực triển khai thực hiện, hướng đến xây dựng xã thân thiện với môi trường.

Chi hội PN thôn Lệ Sơn Bắc (xã Hòa Tiến) gây quỹ tiết kiệm từ việc thu gom phế phẩm.

Một trong những cách làm điển hình của chi hội Phụ nữ (PN) thôn 5 (xã Hòa Khương) là tiếp tục vận động hội viên không chỉ ra quân trồng hoa tuyến đường kiểu mẫu mà còn đóng góp mua thùng nhựa cũ, sau đó phủ sơn mới thành “Thùng rác văn minh” để trang bị cho các hộ dân. Theo chị Trần Thị Thập - Chi hội trưởng PN thôn, xuất phát từ tình hình thực tế, đường ĐH8 qua thôn tập trung đông dân cư sinh sống và buôn bán nên chi hội đã chọn tuyến đường này để tặng 250 thùng rác cho 125 hộ dân ven đường để phân các loại rác vô cơ, hữu cơ nhằm tuyên truyền vận động người dân cùng xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị. Đặc biệt, trước khi trao tặng thùng rác, chi hội còn tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân cùng chung tay bảo vệ môi trường cũng như không lấn chiếm vỉa hè, lề đường để kinh doanh, buôn bán. Việc làm này đã thu hút đông đảo hội viên tham gia vì có ích cho xã hội... Có thể nói, việc xử lý rác thải ở các vùng nông thôn hiện nay là việc cần phải làm để góp phần xây dựng thôn, xã thân thiện với môi trường. Từ những cách làm ý nghĩa đó, chi hội PN thôn 5 đã thể hiện vai trò, huy động sự tham gia tích cực của các tầng lớp PN và cộng đồng dân cư. “Thời gian đến, chi hội sẽ cố gắng thực hiện nhiều chương trình, hành động có ý nghĩa hơn nữa trong việc chung tay xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường. Chi hội sẽ cố gắng nhân rộng chương trình tặng thùng rác cho các hộ gia đình trên tất cả các tuyến đường của thôn”, chị Thập cho biết thêm.

Chi hội PN thôn 5 (xã Hòa Khương) tặng “Thùng rác văn minh” cho các hộ dân ven tuyến ĐH8.

Còn tại thôn Lệ Sơn Bắc (xã Hòa Tiến), chi hội PN thôn tích cực tìm đến các nơi tổ chức tiệc cưới, họp mặt đông người để xin thu gom phế phẩm. Sau đó, trích kinh phí mua thùng nhựa về trang bị cho các hộ dân ven tuyến ĐT605 (đoạn qua thôn). Với vai trò tiên phong, các hội viên PN đã gương mẫu thực hiện mô hình và đã lan tỏa không chỉ trong chi hội mà cả đông đảo người dân trong thôn thực hiện. Bà Đặng Thị Chúc (62 tuổi) xác nhận, từ khi tham gia mô hình “Thùng rác văn minh” do chi hội PN thôn phát động, lúc nào, gia đình bà cũng có thùng rác ở góc nhà để đựng rác thải tái chế. Thấy cách làm này ý nghĩa, bà vận động con cháu và hàng xóm cùng thực hiện để góp phần bảo vệ môi trường. Điều đáng nói là thông qua mô hình này, những loại phế thải, như: chai, lọ nhựa, giấy, vật dụng gia đình bằng nhôm, sắt bị hư hỏng, trước đây bà đều bỏ chung vào thùng rác thì bây giờ đã để riêng để chi hội thu gom. Số tiền bán được tuy không nhiều nhưng các chị đều bỏ vào heo đất tiết kiệm, từ số tiền tiết kiệm này, chi hội PN sẽ tổ chức các hoạt động ý nghĩa và thiết thực... Chị Hồ Thị Lai - Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Tiến chia sẻ, công tác bảo vệ môi trường xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu. Việc phân loại rác, tái chế chất thải không chỉ gìn giữ vệ sinh môi trường mà còn giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên. Đến nay, địa phương đã triển khai mô hình “Thùng rác văn minh” và trang bị 770 thùng rác cho các hộ dân ở 3 thôn Lệ Sơn Bắc, Bắc An, Cẩm Nê với số tiền hơn 30,8 triệu đồng, trong đó Hội LHPN xã hỗ trợ 170 thùng (6,8 triệu đồng), còn lại vận động nhân dân đóng góp...

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí, thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn là một định hướng đúng, lâu dài, nhằm nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt sẽ góp phần làm giảm chi phí trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác, giảm diện tích đất chôn lấp; giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm được các nguồn ngân sách. Hiện nay, do làm tốt công tác tuyên truyền nên việc phân loại rác thải tại nguồn ở địa phương đã nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của người dân... “Hiệu quả việc phân loại rác thải đã rõ, nhưng để các chương trình phân loại rác tại nguồn được nhân rộng hơn thì cần một quy trình vận hành đồng bộ từ nhiều khâu. Cùng với việc mỗi người dân có ý thức tự giác phân loại rác sinh hoạt gia đình, các khâu còn lại như thu gom, vận chuyển, xử lý cũng phải được đầu tư thiết bị và vận hành tốt thì mới mang lại nhiều hiệu quả”, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương mong muốn.

VY HẬU