TƯ VẤN PHÁP LUẬT:

Xe chưa làm biển số có bán được không?

Thứ bảy, 20/07/2024 16:08

*Bạn đọc hỏi: chị Bích Trân, trú tại Q.Sơn Trà (TP Đà Nẵng) hỏi: Tôi đã đặt cọc 100 triệu đồng để mua 1 chiếc ô tô của hãng F. từ Đại lý ô-tô TT. Nhưng sau đó, tôi gặp khó khăn về tài chính nên không muốn mua nữa. Tuy nhiên, nếu không mua thì tôi sẽ mất số tiền đã đặt cọc cho đại lý này. Anh họ tôi đã bày tỏ mong muốn mua chiếc xe mà tôi đã đặt cọc vì nó hợp màu phong thủy với anh ấy và đỡ mất thời gian đợi xe. Cho tôi hỏi trong trường hợp này, tôi có thể mua chiếc xe từ Đại lý TT nhưng không làm thủ tục đăng ký xe mà bán lại xe này cho anh họ tôi để anh ấy đi đăng ký được không?

Luật sư Phan Thụy Khanh.
Luật sư Phan Thụy Khanh.

* Luật sư Phan Thụy Khanh – Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners – Trưởng Chi nhánh Sơn Trà, trả lời:

Ô-tô là một tài sản có giá trị lớn, vì vậy khi thực hiện giao dịch mua bán, người tham gia cần nắm rõ các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi của mình. Thông thường, việc chuyển nhượng ô-tô đã được đăng ký và có biển số xe sẽ thông qua các bước như: ký hợp đồng mua bán; thu hồi đăng ký, thu hồi biển số xe; sang tên đổi chủ. Tuy nhiên, trong trường hợp xe chưa đăng ký, chưa có biển số, người bán có thể thực hiện ngay giao dịch mua bán ô-tô để giản lược một số thủ tục hay không?

Hợp đồng mua bán xe ô-tô chưa đăng ký, chưa có biển số có được công chứng, chứng thực không?

Điều 40, Điều 41 Luật Công chứng 2014 quy định về hồ sơ yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán như sau:

Điều 40. Công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn

1. Hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau đây:

a) Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

b) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

c) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;

d) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;

đ) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

8. Người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng, giao dịch thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch. Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.

Điều 41. Công chứng hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng

Người yêu cầu công chứng nộp một bộ hồ sơ theo quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 1 và khoản 2 Điều 40 của Luật này và nêu nội dung, ý định giao kết hợp đồng, giao dịch.

Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định về hồ sơ yêu cầu chứng thực hợp đồng như sau:

Điều 36. Thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch

1. Người yêu cầu chứng thực nộp 01 (một) bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực, gồm các giấy tờ sau đây:

a) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

b) Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người yêu cầu chứng thực;

c) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó; trừ trường hợp người lập di chúc đang bị cái chết đe dọa đến tính mạng.

Bản sao giấy tờ quy định tại Điểm b và Điểm c của Khoản này được xuất trình kèm bản chính để đối chiếu.

Từ các quy định trên có thể thấy rằng, đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, như ô-tô, thì phải có bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu mới có thể công chứng hoặc chứng thực hợp đồng. Đồng thời tại khoản 8 Điều 40 Luật Công chứng 2014 và khoản 1 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP cũng yêu cầu cần có bản chính giấy tờ trên mới có thể thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng.

Đối với xe ô-tô, giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đối với chiếc xe là Giấy đăng ký xe do cơ quan đăng ký xe cấp. Do đó, không thể thực hiện việc công chứng hoặc chứng thực hợp đồng mua bán xe ô-tô khi chưa có Giấy đăng ký xe. Việc tiến hành giao dịch mua bán mà không thông qua công chứng hoặc chứng thực hợp đồng trong trường hợp này có thể dẫn đến giao dịch mua bán xe giữa bạn và anh trai bạn vô hiệu.

Quy định về đăng ký xe lần đầu

Điều 8, Điều 10 Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định một trong những giấy tờ quan trọng của hồ sơ đăng ký xe lần đầu là chứng từ về quyền sở hữu xe. Cụ thể quy định như sau:

Điều 8. Hồ sơ đăng ký xe lần đầu

Hồ sơ đăng ký xe lần đầu gồm:

1. Giấy khai đăng ký xe

2. Giấy tờ của chủ xe

3. Giấy tờ của xe

Điều 11. Giấy tờ của xe

2. Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, gồm một trong các giấy tờ sau đây:

a) Dữ liệu hóa đơn điện tử được hệ thống đăng ký, quản lý xe tiếp nhận từ cổng dịch vụ công hoặc cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế. Trường hợp xe chưa có dữ liệu hóa đơn điện tử thì phải có hóa đơn giấy hoặc hóa đơn được chuyển đổi từ hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy theo quy định của pháp luật;

b) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc văn bản về việc bán, tặng cho, thừa kế xe, chứng từ tài chính của xe theo quy định của pháp luật. Văn bản về việc bán, tặng cho, thừa kế xe của cá nhân phải có xác nhận công chứng hoặc chứng thực hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị đang công tác (đối với lực lượng vũ trang và người nước ngoài làm việc trong cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà đăng ký xe theo địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác);

c) Đối với xe của cơ quan Công an thanh lý: Quyết định thanh lý xe của cấp có thẩm quyền và hóa đơn bán tài sản công hoặc hóa đơn bán tài sản Nhà nước;

d) Đối với xe của cơ quan Quân đội thanh lý: Công văn xác nhận xe đã được loại khỏi trang bị quân sự của Cục Xe - Máy, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng và hóa đơn theo quy định.

Thông thường, người bán xe sẽ hoàn thành thủ tục đăng ký xe lần đầu và được cấp biển số xe trước khi bán cho người khác. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bạn muốn bán chiếc xe ô-tô mới chưa đăng ký, chưa có biển số cho anh họ của mình. Điều này có nghĩa là sau khi bạn bán xe cho anh họ của mình, anh ấy sẽ là người tiến hành đăng ký xe lần đầu để được cấp biển số.

Theo quy định tại Điều 8, Điều 10 Thông tư 24/2023/TT-BCA, hồ sơ đăng ký xe lần đầu mà anh trai bạn cần chuẩn bị phải có văn bản về việc bán xe (tức là hợp đồng mua bán xe) và văn bản này phải được công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, theo phân tích tại Mục 1 nêu trên, hợp đồng mua bán xe giữa bạn và anh trai bạn không thể thực hiện thủ tục công chứng hoặc chứng thực vì chưa có Giấy chứng nhận đăng ký xe.

Như vậy, việc bạn bán lại xe trực tiếp cho anh bạn khi chưa đăng ký xe, chưa có biển số xe là không phù hợp với quy định pháp luật. Để có thể ký hợp đồng bán lại xe cho người khác, bạn cần thực hiện thủ tục đăng ký xe lần đầu để có Giấy chứng nhận đăng ký xe. Sau đó mới đến Văn phòng công chứng ký kết hợp đồng mua bán xe và thực hiện các bước tiếp để đăng ký sang tên xe.

Ngoài ra, bạn có thể thử thương lượng với Đại lý TT về việc chuyển giao việc mua bán này từ bạn sang cho anh họ của bạn. Nếu đại lý này đồng ý thì lúc này, người đứng tên mua và ký Hợp đồng mua bán ô-tô là anh họ của bạn, sau đó các thủ tục đăng ký lần đầu sẽ tiến hành bình thường như phân tích ở trên.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425