Xe Tết “hạ nhiệt”

Thứ năm, 19/01/2017 09:01

* Tuyến Đà Nẵng - Huế khổ sở vì "xe dù"

(Cadn.com.vn) - Cho đến sáng 18-1, ngoài một số “ngày vàng” (từ 25 đến 28 Tết) cơ bản đã chốt vé, nhiều nhà xe vẫn còn chỗ dự phòng, riêng các ngày trước 24 Tết vẫn còn để bán ra cho khách mua trễ.

Do có nhiều đơn vị vận tải ra đời, lượng lớn công nhân, sinh viên được hỗ trợ vé xe, chủ động về lịch trình các phòng vé của Bến xe Đà Nẵng không có cảnh chen chúc, thậm chí không khác gì ngày thường. Trong khi các tuyến đường dài hoạt động vận chuyển khách rất ổn định thì thời điểm này tại bến xe, rất nhiều nhà xe tuyến đường ngắn đang “ồn ào” bởi sự lộng hành của dàn “xe dù” ngay giữa trung tâm TP...

Không khan hiếm vé

Theo đại diện các đơn vị có lượng lớn đầu xe phục vụ các tuyến trọng điểm như Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội..., hầu hết vé của 4 ngày cao điểm đã được hành khách chủ động mua cách đây gần một tháng, các ngày còn lại từ nay đến 24 tháng Chạp và ngày áp Tết vẫn còn. Cho đến nay, lượng khách chưa nắm được lịch nghỉ của cơ quan, đơn vị vẫn không quá lo lắng vì nếu tránh “giờ vàng” vẫn có thể mua vé vì chưa có doanh nghiệp vận tải nào chốt sổ. Chị Huệ - nhân viên phòng vé Tú Tạc phục vụ tuyến Đà Nẵng – Vinh cho biết, những ngày này rất nhiều người liên hệ đổi vé sớm hoặc trễ hơn một ngày để chủ động cho thời gian trở lại đi làm, điều này chứng tỏ không hề có tình trạng căng thẳng, khan hiếm. “Bây giờ quá nhiều đầu xe nên khách hàng chủ động hơn. Mặt khác, gần đây có nhiều chương trình hỗ trợ vé cho công nhân, sinh viên được cơ quan, tổ chức hợp đồng với xe đưa đón tận nơi nên họ không phải vào bến. Mấy năm thời điểm này là đã báo cáo tình hình cho các cơ quan chức năng, nhưng năm nay chưa thể chốt sổ vì còn vé”, chị Huệ cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Tùng – Giám đốc Cty Vận tải và dịch vụ du lịch Hải Vân, cũng cho hay, vận tải hàng không phát triển mạnh, nhiều đơn vi kinh doanh trong lĩnh vực này ra đời đã khiến hành khách có nhiều lựa chọn chứ không phụ thuộc vào một vài nhà xe như trước đây. Giá thì tăng từ 40-50% theo phương án được cơ quan chức năng phê duyệt, nhưng không còn tình trạng “cháy vé” khiến người dân phải nghỉ làm để xếp hàng mua như trước đây nữa. “Để chủ động cho việc đi lại của mình, hầu hết người dân đã đăng ký mua vé cho ngày trở lại Đà Nẵng làm việc, học hành. Ngay khi xuống xe ở bến, họ đến thẳng phòng vé để lấy luôn, ăn tết không lo chuyện xe cộ cho ngày vào”, ông Tùng cho biết. Cũng theo đại diện những hãng vận tải khách đường dài có tuyến cố định tại bến xe Đà Nẵng, việc kinh doanh của các nhà xe rất sòng phẳng, khách thoải mái lựa chọn xe mình ưa thích...

Lực lượng chức năng xử lý “xe dù” HAV tại đường Hải Phòng, TP Đà Nẵng.

Khốn đốn vì “xe dù”

Nếu như những tuyến đường dài nhà xe kinh doanh trong tư tưởng thoải mái, thì trái lại, những tuyến đường ngắn như Đà Nẵng  đi Huế, Quảng Trị, hàng chục chủ xe đang khóc ròng vì tình trạng “xe dù”, “xe ma” lộng hành. Bức xúc đệ đơn kêu cứu cơ quan hữu trách suốt nhiều tháng qua nhưng chưa có thuốc đặc trị, nên những chủ xe tuyến cố định này đang phải đối mặt với mùa cao điểm thất thu. Đại diện nhà xe thuộc HTX Hải Vân, HTX du lịch, Liên Chiểu cho hay, họ đang bị hàng chục “xe dù” của HAV Travel Limited Company, xe Hạnh Café, Dahuna... chèn ép đến mức gần như phá sản. Dù không có phiên chuyến, không tốn phí bến bãi nhưng dàn “xe dù” này với hàng chục chiếc đang công khai nhận đặt chỗ qua điện thoại, vận chuyển khách rầm rộ giữa thanh thiên bạch nhật ngay giữa trung tâm TP với giá vé từ 150-180.000 đồng/khách.

Để đối phó với cơ quan chức năng, khi đến nơi khách hẹn, nhà xe hỏi tên tuổi điền vào bản hợp đồng vận chuyển khách, nhưng thực chất chỉ là “hợp đồng khống”, bởi khách đi xe chỉ là nhu cầu đi lại bình thường như khách đi xe tuyến cố định. Chị Trần Thị Kim, chủ xe của HTX Hải Vân bức xúc trao đổi với phóng viên sáng 18-1: Nếu các ngành chức năng không dẹp được những nhà xe hoạt động trá hình này, một khoảng thời gian ngắn nữa thôi tất cả nhà xe có tuyến cố định đi Huế, Quảng Trị sẽ lâm cảnh sạt nghiệp vì thua lỗ. Chị Kim cho hay, mỗi ngày xe của chị xuất bến từ Đà Nẵng đi Huế 2 lần phải mất 300.000 đồng tiền phí bến bãi (chưa kể tiền cầu đường), nhưng mỗi chuyến rời bến chỉ có từ 4-6 khách, hôm nào nhiều nhất ra đến Huế cũng chỉ đạt 20-30% ghế. Mà nguyên nhân là “xe dù” đón khách từ trung tâm TP. “Chúng tôi vay mượn ngân hàng vài trăm triệu, thậm chí tiền tỷ để mua xe đăng ký bến bãi kinh doanh. Nghĩa vụ nộp cho nhà nước luôn làm tròn trách nhiệm, đàng hoàng lại lâm cảnh chết yểu, còn những nhà xe trá hình như HAV, Hạnh Café, Dahuna lại phất lên, trong khi cơ quan chức năng cũng xử lý song chỉ ở mức cầm chừng. Không thể chấp nhận được” – chị Kim nói.

Cùng cảnh ngộ, hàng chục đầu xe khác tuyến cố định Đà Nẵng – Huế, Quảng Trị của HTX du lịch, HTX Đà Nẵng, Liên Chiểu... cũng đang khóc dở mếu dở vì sự lộng hành ngang ngược của vô số “xe dù” của HAV, Hạnh Café, Dahuna. Đại diện cho các HTX - anh Trần Mẫn cho biết nhiều tháng qua đồng loạt các nhà xe đã gửi đơn khiếu nại từ Bộ GTVT đến cấp TP, nhưng các ngành chức năng vào cuộc chỉ như ném đá ao bèo. Hàng ngày, những chuyến xe xuất bến của chúng tôi vẫn cảnh đìu hiu chợ chiều, ế ẩm đến khổ vì các “xe dù” tổ chức vận chuyển khách trái phép, cướp miếng cơm manh áo của chúng tôi.

Hành khách mua vé xe Tết ra Bắc tại Bến xe Đà Nẵng sáng 18-1. 

Cơ quan chức năng bất lực?

Trên thực tế, gần đây phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã từng nhiều lần vào vai khách, thực tế trên các “xe dù” cũng hiểu rất rõ những chiêu trò lách luật của các nhà xe này. Tất cả chỉ là những bản hợp đồng “ma” lập sẵn. Dù CSGT, Thanh tra giao thông đã phạt hàng chục lần với số tiền hàng trăm triệu đồng, các nhà xe vẫn bất chấp luật pháp, cố đấm ăn xôi, bởi hình thức kinh doanh rất có lãi, giá vé cao gấp 3 lần so với xe tuyến cố định. Với hành khách, dù vé cao, song do xe đón khách tận trung tâm, thậm chí tận cửa nhà và là xe mới, lại có dịch vụ phục vụ chu đáo nên khách vẫn đầy. 

Vấn đề này, ông Lê Viết Hoàng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty CP vận tải quản lý bến xe Đà Nẵng cũng rất bức xúc và đã nhiều lần kiến nghị với thành phố qua các cuộc họp chuyên ngành, nhưng chẳng thấm tháp gì. Theo ông, hiện tại tuyến Đà Nẵng – Huế có tới 82 xe (cả 2 đầu). Đà Nẵng – Quảng Trị cũng có hàng chục đầu xe. Trong khi đó các nhà “xe dù” hoạt động trá hình rất rõ, hiển hiện trước mặt các cơ quan ban ngành của TP, nhưng gần như các ngành chuyên trách bất lực, dẫn đến nhà xe các tuyến cố định phải kiện cáo, khiếu nại.

“Tuyến cố định họ bức xúc là đúng. Họ kinh doanh lành mạnh, đóng thuế phí đàng hoàng, trong khi đó “xe dù, xe ma” tìm mọi cách lách luật, vận chuyển khách cả ngày ngay giữa phố, khó có thể chấp nhận được. Họ đang cần một sự công bằng và các cơ quan chức năng phải trả lại sự công bằng cho các nhà xe tuyến cố định, bằng không hoạt động vận tải khách sẽ loạn ngay” – ông Hoàng nói.

C. Hạnh – C. Khanh