“Xẻ thịt” rừng Cà Nhông - những điều chưa kể (2)
* KỲ CUỐI: RỪNG KHÔNG BỊ "XẺ THỊT" MỚI LẠ!
(Cadn.com.vn) - Không những được “nội ứng” từ ê-kíp cán bộ, nhân viên Trạm Quản lý và bảo vệ rừng (QLBVR) Cà Nhông mà đứng đầu là ông Phạm Phú Cường, ngay cả khi hành vi triệt hạ rừng già của Vũ Văn Tam bị phát hiện, đích thân ông Lê Hoàng Sơn - nguyên Hạt trưởng Hạt KL H. Đông Giang đã làm ngơ để Tam tẩu tán phần lớn tang, vật chứng. Số giữ lại, ông Sơn chỉ đạo “chẻ” thành 2 vụ nhỏ để vừa được quyền xử lý vừa giảm nhẹ cho Tam.
Mỗi xe gỗ gửi 5 triệu đồng “cải thiện”
Được giao phụ trách 4.634ha rừng thuộc 5 tiểu khu 31, 33, 34, 37 và 39 của rừng Bà Nà - Núi Chúa nhưng ê-kíp 7 người của Trạm QLBVR Cà Nhông đã làm ngơ để Vũ Văn Tam và đồng bọn “xẻ thịt” rừng già trong một thời gian dài. Theo tài liệu của CQĐT, cứ mỗi xe gỗ về xuôi, Tam gửi lại cho Trạm này 5 triệu đồng để “cải thiện”.
Cơ quan CA đọc lệnh bắt 2 trong số các đối tượng tham gia khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trong vụ phá rừng lớn nhất từ trước tới nay tại Đà Nẵng. Ảnh: C.K |
Vào thời điểm xảy ra vụ án, Trạm QLBVR Cà Nhông có 7 người phụ trách gồm Phạm Phú Cường (1967, trú xã Đại Hiệp, H. Đại Lộc, Quảng Nam - Trạm trưởng), Hồ Tấn Hai (1962, trú xã Hòa Phước, H. Hòa Vang, Đà Nẵng - Trạm phó), Thủy Ngọc Trọng (1982, trú xã Bình Phục, H. Thăng Bình, Quảng Nam - nhân viên), Nguyễn Văn Ấn (1985, trú xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang, Đà Nẵng - nhân viên), Lý Thanh Tùng (1984, trú xã Quế Long, H. Quế Sơn, Quảng Nam - kỹ sư lâm nghiệp), Nguyễn Văn Nhung (1963, trú xã Hòa Phong, H. Hòa Vang) và Đinh Ngọc Bán (1966, trú P. Hòa Thọ Tây, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đều là công chức kiểm lâm.
Theo lời khai của các nhân viên Trạm, tháng 10-2013, đích thân Phạm Phú Cường đã thông báo đến toàn thể cán bộ, nhân viên “chủ trương” 5 triệu đồng/chuyến qua trạm do Vũ Văn Tam đặt vấn đề. Khi được thông báo, “tất cả đều hưởng ứng, không ai có ý kiến gì”. Điều đáng nói là dù được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng nhưng sau khi chia chác, một phần của khoản tiền “cải thiện” lại được dùng để... thuê người trực Tết tại trạm và liên hoan. Ngoài việc lót tay cho Trạm QLBVR Cà Nhông để ra khỏi rừng, trong quá trình điều tra, Phạm Đình Lợi còn khai nhận phải “bôi trơn” cho nhân viên các Trạm Kiểm soát lâm sản Dốc Kiền và Hòa Phú để dễ bề xuôi về Đà Nẵng.
Theo kết luận điều tra của cơ quan CA, qua kiểm tra hiện trường, ngoài 104 cây gỗ đã đốn hạ nhưng chưa được đưa ra khỏi rừng thì đã có tổng cộng gần 100m3 gỗ quý, chủ yếu là kiền kiền được Vũ Văn Tam cùng đồng bọn đưa về xuôi dưới sự bảo kê sau khi “cải thiện” cho Trạm QLBVR Cà Nhông. Thiệt hại tính được thực tế là gần 4,2 tỷ đồng, chưa tính đến 290 thanh gỗ trị giá gần 1 tỷ đồng khác đã khai thác trước, được phát hiện nhưng chưa chứng minh được có liên quan đến hành vi nhận hối lộ của các đối tượng gây ra hay không.
Thủy Ngọc Trọng và Hồ Tấn Hai - 2 nhân viên Trạm QLBVR Cà Nhông tham gia |
Kiểm lâm “ngâm” gỗ, “chẻ” án
Quá trình điều tra, cơ quan CA xác định, ông Lê Hoàng Sơn - nguyên Hạt trưởng Hạt KL Đông Giang (Quảng Nam) đã có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc thu giữ khối lượng gỗ lớn do Vũ Văn Tam để lại hiện trường sau khi bị phát hiện. Cụ thể, ngày 8-2-2013, cơ quan KL phát hiện ra 120 thanh gỗ tại hiện trường vụ phá rừng. Thay vì tiến hành thu giữ để xử lý theo quy định của pháp luật, Sơn đã để lại nên hôm sau Tam cho đồng bọn vận chuyển ra khỏi rừng một cách dễ dàng. Không những thế, đối với 60 thanh gỗ khác thu giữ được, Sơn đã chỉ đạo cấp dưới cho tách thành 2 vụ vi phạm khác nhau để có thẩm quyền ra quyết định xử lý. Hành vi này đã vi phạm quy trình, quy định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Đến nay, theo khai nhận, số gỗ này đã được đưa vào sử dụng nên không có khả năng thu hồi.
Quá trình điều tra, hầu hết các đối tượng khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ trái phép cũng như cán bộ, nhân viên Trạm QLBVR Cà Nhông đều thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình, tạo điều kiện giúp CQĐT nhanh chóng làm rõ toàn bộ vụ án. Riêng đầu nậu Vũ Văn Tam với nhân thân xấu, giữ vai trò chủ mưu, vừa tổ chức khai thác rừng trái phép, vừa đưa hối lộ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng lại hết sức cứng dầu, quanh co chối tội. Theo bản kết luận điều tra, Tam bị truy tố hai tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. 11 đối tượng còn lại trong đường dây này bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. 2 cán bộ KL khu vực và 5 cán bộ Trạm QLBVR Cà Nhông bị đề nghị truy tố về tội danh “Nhận hối lộ” để làm ngơ cho lâm tặc phá rừng.
Người dân đang hết sức quan tâm đến vụ án phá rừng lớn nhất từ trước tới nay tại Đà Nẵng và mong muốn sẽ có những bản án đích đáng, đủ sức răn đe dành cho các đối tượng câu kết tàn phá rừng già.
Công Khanh