“Xẻ thịt” rừng Cà Nhông - những điều chưa kể

Thứ năm, 17/03/2016 12:20

* Kỳ 1: CAI BÃI KHÉT TING “TAM LI” LÀ AI?

(Cadn.com.vn) - 11 đối tượng trong vụ án phá rừng lớn nhất từ trước tới nay tại Đà Nẵng bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”, 7 đối tượng khác bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”. Riêng “đầu nậu” khét tiếng Vũ Văn Tam (trú thôn Lấy, xã Tư, H. Đông Giang, Quảng Nam) bị đề nghị truy tố 2 tội: “Đưa hối lộ” và “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Kết luận điều tra của cơ quan CA về vụ phá rừng lớn nhất từ trước tới nay tại Đà Nẵng hé lộ nhiều tình tiết khiến nhiều người bất ngờ.

Từ “ông trùm”  bãi vàng...

Còn nhớ, năm 2012, khi thâm nhập thực tế ở thôn Lấy (xã Tư, H. Đông Giang, Quảng Nam), chúng tôi đã được nghe về “danh tiếng” của Vũ Văn Tam ở các bãi vàng trái phép khu vực thượng nguồn thủy điện An Điềm. Hồi đó, “dòng sông Vàng” chính thức bị khai tử bởi những chiếc tàu cuốc ngày đêm cày xới, phá nát để khai thác vàng núp bóng cải tạo, tận thu. Chính người dân từ thôn Điềm, thôn Vàu đến Đà Nghi, Nà Hoa, từ xã Ba đến xã Tư... nghe nói đến ông Tam Lợi đều “ngán”.

Dù là người Nam Định nhưng sau nhiều năm ăn dầm nằm dề trong rừng xã Tư, Vũ Văn Tam không những nắm rõ chốn thâm sơn cùng cốc ở đây mà còn lôi kéo được nhiều đối tượng làm tay chân để khẳng định số má. Chính quyền cũng biết Tam ngày đêm ẩn dật trong rừng vừa trồng rừng, vừa phá rừng lại vừa khai thác vàng nhưng chưa tìm cách “nhổ” ra được. Vào thời điểm đó, khoảng 1 giờ đồng hồ từ TT Trung Mang xé rừng bằng xe máy, chúng tôi vào đến khu Suối Bứa, Hang Chuột, Đá Đen của xã Tư, hỏi người đi rừng bãi vàng của ông Tam Lợi ở đâu thì ai nấy cũng dè dặt: “Từ đây, ở đâu cũng là đất của ông Tam Lợi cả. Coi chừng cái thân!”. Trong khu rừng kiểu nội bất xuất, ngoại bất nhập, lán trại khai thác vàng trái phép của Tam hầu như do các đầu gấu người phía Bắc cai quản, thân hình vạm vỡ, xăm trổ đầy mình. Người ta nói rằng, đang khai thác vang động cả núi rừng nhưng nếu có đoàn chuẩn bị đi kiểm tra thì lập tức máy móc im bặt, vàng tặc rút hết vào rừng, khi cần họ sẵn sàng phá lán, đào hố lấp máy.

Lán trại, máy móc của Vũ Văn Tam hồi còn là ông trùm các bãi vàng ở xã Tư. Ảnh: C.K

Theo tài liệu của Phòng TN-MT H. Đông Giang, năm 1990, Vũ Văn Tam vào khu vực rừng phòng hộ suối nước Trong (thôn Lấy, xã Tư) để làm vàng sa khoáng, làm gỗ, buôn bán hàng hóa. Tháng 10-1993, khi có chủ trương đóng cửa rừng, các xí nghiệp lâm trường trên địa bàn đều phải rút ra khỏi rừng nhưng Tam vẫn không chịu di dời, tiếp tục ở lại “hành nghề”. Đến năm 2004, Tam làm đơn xin xác nhận có nhà ở, vườn hợp pháp hơn 1.000m2 tại rừng phòng hộ thôn Lấy và được trưởng thôn Lấy, UBND xã Tư xác nhận. Vào tháng 5 và tháng 9-2004, Tam 2 lần làm đơn xin san lấp mặt bằng trồng rừng, với tổng diện tích lên đến 30ha, thời gian xin mượn đất là 15 năm. Vào thời điểm đó, cơ quan chức năng xã Tư chỉ phê “đơn trình bày của ông Tam là đúng, kính chuyển các ngành tạo điều kiện giúp đỡ, giải quyết”. Nhưng Tam xem đó như được cấp phép, trở vào rừng, cứ thế sử dụng phương tiện san ủi và trồng cây keo lá tràm, đến nay diện tích lấn chiếm lên đến hơn 56,4ha”. Trong quá trình lấn chiếm đất rừng, Tam còn thường xuyên phân chia ra hàng chục lô đất để bán cho các đối tượng làm vàng, khiến nơi đây thành “điểm nóng” về ANTT.

Vì sự buông lỏng quản lý của chính quyền xã khiến chỉ một mình Vũ Văn Tam “đủ cơ” lộng hành, vào năm 2013, cơ quan chức năng H. Đông Giang đã kỷ luật cảnh cáo tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã Tư, cảnh cáo Chủ tịch xã Tư, và sau đó thay đổi cán bộ chủ chốt của xã này. Nhưng ngay cả khi chính quyền huyện vào cuộc, nhiều lần xử phạt hành chính, đồng thời yêu cầu trả lại đất, ra khỏi khu vực rừng phòng hộ, Vũ Văn Tam vẫn phớt lờ. Tháng 6-2014, huyện thành lập tổ công tác liên ngành xử lý vụ việc này, dùng máy định vị và đo được số diện tích Tam chiếm là 56,4ha rừng phòng hộ, kể cả khu đất 1.880m2 có nhà ở.

...Đến đầu nậu gỗ khét tiếng

Sau khi xới tung đất rừng xã Tư để tận thu vàng, Vũ Văn Tam trở thành đầu nậu gỗ khét tiếng. Trong vỏ bọc trồng rừng, Tam biết được rừng Cà Nhông (nằm dưới sự quản lý của Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa) có nhiều gỗ quý nên lên kế hoạch, “tuyển quân” hầu hết từ các tỉnh phía Bắc vào “xẻ thịt”. Thời gian đầu Tam dẫn Đỗ Văn Lưu (1967, trú xã Lai Thành, H. Kim Sơn, Ninh Bình) và Vũ Văn Quý (1979, trú xã Nga Thái, H. Nga Sơn, Thanh Hóa) vào “nằm vùng” trong rừng thôn Lấy và chỉ chuyên chặt hạ gỗ kiền kiền rồi xẻ theo quy cách 6 x 25 x 300. Công việc còn lại là vận chuyển ra khỏi rừng đều do Tam lo liệu.

Các cây gỗ kiền kiền cổ thụ ở rừng giáp ranh Quảng Nam - Đà Nẵng cơ bản bị xóa sổ. Ảnh: H.T

Theo thỏa thuận, sau khi đốn hạ, Lưu và Quý nhận tiền công 70 ngàn đồng/thanh gỗ, nếu vận chuyển đến nơi tập kết sẽ nhận thêm 150 ngàn đồng. Mỗi lần đủ số lượng 180 thanh gỗ, Vũ Văn Tam thuê Kiều Ngọc Trung (1980, trú xã Ba, H. Đông Giang) dùng xe tải chở gỗ ra khỏi rừng rồi bán đứt cho Phạm Đình Lợi (1965, trú xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) với giá mỗi thanh 550 ngàn đồng. Từ vùng giáp ranh giữa xã Ba và xã Tư, Lợi chia nhỏ gỗ kiền kiền ngụy trang phía dưới một lớp gỗ keo, sau đó ung dung chở về Đà Nẵng tiêu thụ với giá mỗi thanh 750 ngàn đồng.

Sau khi bán đứt gỗ cho Lợi, cứ khoảng nửa tháng, đích thân Vũ Văn Tam hoặc Đặng Thị Lợi (vợ không có đăng ký kết hôn) hoặc em vợ là Đặng Công Chung sẽ đến nhà Lợi để “quyết toán”. Sau đó trích một phần để gửi về cho vợ của Đỗ Văn Lưu và Vũ Văn Quý cùng một số đối tượng tay chân khác ở quê. Theo tài liệu điều tra của cơ quan CA, chỉ tính riêng tiền đốn hạ và vận chuyển trong rừng, Tam đã chuyển khoản cho vợ của các đối tượng hơn 300 triệu đồng.

Sau khi làm “lãnh chúa” trên 56ha đất rừng, tính đến ngày bị bắt, Vũ Văn Tam đã triệt hạ gần hết gỗ kiền kiền tại rừng phòng hộ giáp ranh giữa Quảng Nam và Đà Nẵng. Nhưng vì sao số lượng gỗ tương đương hơn 4 tỷ đồng lại có thể rời rừng một cách êm xuôi như vậy? Trạm Quản lý và bảo vệ rừng Cà Nhông đã bảo kê cho cai bãi Vũ Văn Tam với cái giá rẻ mạt như thế nào?

Công Khanh
 (còn nữa)