Xếp lộn chỗ(!)

Thứ năm, 21/08/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - - Đi đâu về mà mồ hôi nhễ nhại thế? Thấy anh Hai Nhà giáo mặt mũi bơ phờ tấp vào quán cóc, NXD ngạc nhiên hỏi.

- Đi chứng thực cái chữ ký, mà phải đến “3 cửa” mới xong. Lại còn phải tranh luận với mấy vị nữa chứ. Thật là mệt.

- Anh có nói quá không, quy trình công chứng bây giờ nhanh gọn lắm. Chớ anh chứng thực ở cơ quan nào mà phải qua “3 cửa”.

Đánh cái ực hết ly nước mía, anh Hai Nhà giáo thủng thẳng kể chuyện: “3 cửa là 3 cơ quan. Vừa rồi tôi muốn chứng thực chữ ký trên văn bản tiếng Anh. Đầu tiên tôi đến Phòng Công chứng số 1 thì người ta bảo tôi đến Phòng Tư pháp các quận, huyện...”.

- Đúng rồi. Phạm vi công chứng, chứng thực đã được phân cấp rõ ràng. Anh chứng thực chữ ký mà đến Phòng Công chứng số 1 là đi lộn “cửa”...

- Vì mình không biết, nên “cửa” này tôi có tính đâu. “Cửa” đầu tiên tôi muốn nói tới là Phòng Tư pháp Q. Sơn Trà. Sau khi xem qua bộ hồ sơ bằng tiếng Anh của tôi, một cô nhân viên ở bộ phận chứng thực bằng tiếng nước ngoài đưa qua cho đồng sự. Cô này bảo cần dịch văn bản ra tiếng Việt mới chứng thực chữ ký. Tôi bảo đã hỏi ở Phòng Công chứng số 1, nơi này cho biết không cần dịch ra tiếng Việt. Cô nhân viên lại hỏi tôi biết nội dung văn bản kia là gì không (?!). Tôi trả lời đây là bản cam kết của tôi bảo lãnh cho đứa em vay học phí của chính phủ Singapore thì cô ấy bảo... đúng nhưng do mẫu văn bản chừa chỗ để ghi tên “Cơ quan công chứng”, trong khi Phòng Tư pháp không phải cơ quan “công chứng” mà là cơ quan “chứng thực” nên cô không thể xác nhận chữ ký của tôi. Thuyết phục cô nhân viên có cách hiểu tiếng Anh khá “máy móc” này không được, tôi đành mang hồ sơ đến Phòng Tư pháp Q. Hải Châu...

- Ở cửa này thì sao?

- Cũng vậy. Thậm chí ở đây các cô còn thừa nhận chỉ biết vài chữ tiếng Anh mập mờ nên không thể chứng thực vì sợ mẫu văn bản của tôi có nội dung... sai trái. Tôi bảo nếu nhờ người khác dịch sai chị cũng làm sao biết được thì họ trả lời nếu sai, người dịch phải chịu trách nhiệm(?)... Buồn cười với nỗi lo lắng và cách giải thích của những nhân viên này, tôi rời Q. Hải Châu, đến Phòng Tư pháp Q. Thanh Khê. Tại “cửa” thứ 3 này, tôi chỉ mất hơn 5 phút và 10.000 đồng để được chứng thực chữ ký...

NXD mang chuyện này kể cho ông anh cũng có con vừa du học, ông anh lắc đầu ngao ngán. Thì ra anh cũng vừa đến Phòng Tư pháp Q. Hải Châu để chứng thực chữ ký vào giấy bảo lãnh vay học phí cho con như anh Hai Nhà giáo. Ban đầu, các nhân viên chứng thực cũng không chịu xác nhận chữ ký vì những lý do tương tự. Chỉ đến khi anh gọi vợ là một cán bộ quân đội tới và cùng “lấy uy tín” của hai cán bộ Nhà nước ra “đảm bảo” thì nơi này mới miễn cưỡng chứng thực chữ ký của anh.

NXD thấy rằng, nếu nhân viên phụ trách chứng thực văn bản tiếng nước ngoài ở các phòng Tư pháp có trình độ ngoại ngữ giỏi thì đã chẳng để xảy ra câu chuyện lạ kỳ như thế.

N.X.D