Xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án tại Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Từ nay, người dân khu vực miền Trung- Tây Nguyên không phải vất vả "vác" đơn đi Hà Nội mới đề nghị được giám đốc thẩm, tái thẩm, đây là khẳng định của ông Phan Văn Sơn, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng.
Ông Phan Văn Sơn, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng. |
P.V: Xin ông cho biết, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng có gì khác so với Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng (Viện phúc thẩm 2) trước đây?
Viện trưởng Phan Văn Sơn: Theo Luật tổ chức VKSND năm 2014, từ ngày 1-6, Ngành kiểm sát có 4 cấp: VKSND tối cao; VKSND cấp cao; VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (VKSND cấp tỉnh); VKSND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Tòa án nhân dân (TAND) cũng được phân làm 4 cấp như VKSND. Trong đó, TAND cấp cao, VKSND cấp cao là một cấp mới được thành lập. Ngoài việc xét xử phúc thẩm như trước đây, TAND cấp cao, VKSND cấp cao còn phải thực hiện thêm nhiệm vụ: giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện, cấp tỉnh.
Nhiệm vụ và quyền hạn của VKSND cấp cao sẽ gắn liền với thẩm quyền xét xử của TAND cấp cao, trước mắt sẽ có 3 VKSND cấp cao thành lập tại 3 khu vực, đặt trụ sở tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. TAND cấp cao, VKSND cấp cao Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có trụ sở tại Đà Nẵng. Trong đó, TAND cấp cao và VKSND cấp cao không phụ thuộc vào bất kỳ đơn vị hành chính nào, không chịu sự lãnh đạo của cơ quan Đảng tại địa phương.
Căn cứ Luật Tổ chức VKSND năm 2014, ngày 28-5-2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 953/NQ-UBTVQH13 về thành lập VKSND cấp cao. Theo đó, thành lập 3 VKSND cấp cao, gồm: VKSND cấp cao tại Hà Nội; VKSND cấp cao tại Đà Nẵng; VKSND cấp cao tại TPHCM. Về cơ cấu, tổ chức, VKSND cấp cao có Viện trưởng và các Phó Viện trưởng. Bộ máy làm việc của VKSND cấp cao gồm có Ủy ban kiểm sát, Văn phòng, các Viện và tương đương. VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp cao tại Đà Nẵng. P.V |
VKSND cấp cao sẽ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp cao. Viện trưởng VKSND cấp cao sẽ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với các bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc trung ương và tương đương, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi lãnh thổ thuộc thẩm quyền.
VKSND cấp cao sẽ là đơn vị nhận đơn và giải quyết kiến nghị, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện, cấp tỉnh, đồng thời, sẽ thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các đơn vị cấp dưới và thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm đối với các bản án chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kháng cáo, kháng nghị.
P.V: Đến nay, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã triển khai tới đâu, khi nào thì có thể tiếp nhận đơn thư, kiến nghị, phản ánh của người dân, thưa Viện trưởng?
Viện trưởng Phan Văn Sơn: Kể từ ngày 1-6, người dân cần kiến nghị, phản ánh về bản án, quyết định của TAND cấp dưới (tức là cấp tỉnh, quận, huyện) đã có hiệu lực pháp luật cần đề nghị xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì trực tiếp gửi đơn về VKSND cấp cao đóng tại số 04-Lý Tự Trọng, TP Đà Nẵng, để được xem xét, xử lý theo đúng trình tự pháp luật, nếu có căn cứ sẽ kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm. Đối với những bản án, quyết định chưa có hiệu lực thì VKSND cấp cao sẽ căn cứ theo quy định pháp luật để kháng nghị phúc thẩm.
TAND cấp cao sẽ là đơn vị xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh khi có kháng cáo, kháng nghị và giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của tòa án cấp dưới đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị. VKSND cấp cao, TAND cấp cao đóng tại các khu vực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc gửi đơn thư cũng như tham gia vào phiên tòa nhằm giảm thiểu về thời gian lẫn kinh phí cho người dân nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không làm oan người vô tội, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
P.V: Xin cảm ơn Viện trưởng!
Lan Anh
(thực hiện)