Xét xử vụ án lừa đảo nhà chung cư: 16 năm tù cho “trùm” lừa đảo Trần Quang Hai
(Cadn.com.vn) - Trong hai ngày 8 và 9-6, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử đối với các bị cáo: Trần Quang Hai (1981, trú P.Thuận Phước, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) và Hồ Văn Thương (1977, trú P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”...
52 NẠN NHÂN SẬP BẪY LỪA
Từ tháng 4-2014 đến 4-2015, Trần Quang Hai mạo nhận làm ở UBND TP Đà Nẵng hoặc làm ở Cty Quản lý nhà chung cư TP Đà Nẵng và có người nhà là lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng nên có khả năng làm thủ tục thuê, mua nhà chung cư tại các khu chung cư do Nhà nước quản lý trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ngoài việc “nổ” như trên, Hai còn hướng dẫn những người có nhu cầu thuê, mua căn hộ chung cư nếu mua thì nộp hồ sơ cho Hai gồm: sổ hộ khẩu (đối với người có hộ khẩu TP Đà Nẵng) hoặc sổ tạm trú (đối với người tạm trú tại Đà Nẵng 1 năm), CMND photocopy và 175 triệu đồng đến 255 triệu đồng tùy theo vị trí khu chung cư tầng cao hay thấp. Trường hợp thuê nhà thì phải có hộ khẩu tại TP Đà Nẵng; hồ sơ nộp cho Hai gồm đơn xin thuê nhà chung cư có xác nhận của chính quyền địa phương, sổ hộ khẩu gia đình, CMND… Giá thuê một căn hộ chung cư từ 20 triệu đồng trở lên, muốn “chạy” tầng thì nộp thêm 10 triệu đồng đến 90 triệu đồng tùy theo tầng cao thấp. Những người đồng ý với những gì Hai nêu ra thì nộp tiền cọc cho Hai và Hai có viết giấy biên nhận và hẹn trong vòng 1 tháng sẽ giao căn hộ.
Sau khi người có nhu cầu xin thuê, mua căn hộ nộp đủ số tiền thỏa thuận, Hai giao cho họ Biên bản cam kết giao nhận nhà và có chữ ký tên Nguyễn Bá Bình và đóng dấu tròn của Cty Quản lý nhà chung cư TP Đà Nẵng. Trong số 52 bị hại, có 21 người sử dụng các Biên bản nói trên để dọn vào sinh sống tại các Khu chung cư. Tổng số tiền Hai chiếm đoạt của các nạn nhân là hơn 2,1 tỷ đồng.
Trong vụ án này, Hồ Văn Thương mặc dù biết 2 căn hộ 105 và 106, nhà E, Khu chung cư A2 Nam Cầu Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng thuộc diện Nhà nước quản lý nhưng vẫn lập giấy nhận cọc bán cho Trần Quang Hai để Hai bán cho người khác, qua đó Thương chiếm đoạt số tiền 20 triệu đồng. Cụ thể, thông qua chị Nguyễn Thị Phương Tâm (1981, trú căn hộ 511, nhà F, Khu chung cư A2 Nam Cầu Cẩm Lệ) Hai biết Thương là người chuyên lo giấy tờ bán và thuê căn hộ chung cư. Sau khi Hai và Thương gặp nhau, Hai đặt vấn đề mua căn hộ chung cư và được Thương đồng ý để Hai làm thủ tục bán 2 căn hộ trên với giá 560 triệu đồng và Hai đã đặt cọc cho Thương số tiền 20 triệu đồng. Đây là tài sản của Nhà nước không phải thuộc sở hữu của Thương nhưng Thương vẫn nhận cọc bán cho Hai để Hai bán cho người khác.
Bị cáo Hai và Thương. |
BỊ CÁO KHÔNG CHẤP NHẬN SỐ TIỀN HƠN 2,1 TỶ ĐỒNG
Nhiều nội dung thể hiện ở lời khai tại các bút lục có trong hồ sơ vụ án thể hiện hành vi phạm tội của Hai, tuy nhiên tại Tòa, Hai đã một mực phủ nhận. Bị cáo cho rằng bị cáo không có ý định lừa đảo một ai trong số 52 người này. Cụ thể, được sự “chỉ dạy” của Thương, Hai chỉ là người tiếp nhận hồ sơ từ những người có nhu cầu, sau đó nhận tiền và đưa cho Thương. Trong số tiền đưa về cho Thương, Hai được nhận 5 triệu đồng tiền môi giới/ 1 hồ sơ. Có nghĩa là trong 2,1 tỷ đồng nói trên, thực chất bị cáo chỉ nhận khoảng 200 triệu đồng mà thôi. Chính vì vậy, bị cáo cho rằng VKS truy tố bị cáo theo khoản 4 Điều 193 BLHS là không đúng. Không chỉ vậy, bị cáo còn khăng khăng, Thương là người đứng đầu đường dây nhưng chỉ bị truy tố theo khoản 1 Điều 193 BLHS là không thể chấp nhận được.
Lý giải cho lời mình nói, Hai cho rằng một mình bị cáo không có mối quan hệ quen biết nào làm sao có thể biết được chung cư nào còn chỗ, vị trí ở đâu… chỉ có Thương biết rõ và chỉ cho bị cáo biết để bị cáo nói lại với những người có nhu cầu mua mà thôi. Bị cáo khẳng định số tiền gần 1,8 tỷ đồng bị cáo đã đưa hết cho Thương, tuy nhiên quá trình giao nhận không có giấy tờ và không có ai chứng kiến. Bị cáo cũng khẳng định, bị cáo không hề lừa ai hết, kể cả việc giới thiệu mình làm ở đâu quen biết như thế nào mà tất cả là do những người môi giới sau này tự giới thiệu. Trong vụ án này, cũng vì tin tưởng vào Hai nhiều người sau khi nộp hồ sơ cho Hai lại tiếp tục đi giới thiệu cho những người khác cùng đến nhờ Hai giúp đỡ. Và, mỗi trường hợp giới thiệu thành công Hai “lại quả” cho người đó 2 đến 3 triệu đồng, cũng chính vì vậy mà nạn nhân cứ nối tiếp nhau vướng vào bể khổ như một… ổ nhện. Điều đáng nói ở đây, những người bị hại đều là những hộ nghèo, khó khăn rất bức xúc về nhà ở.
Ở phiên tòa trước đây HĐXX đã phải quyết định hoãn để trưng cầu giám định tâm thần đối với bị cáo Thương khi bị cáo một mực “không chịu nói”. Sau khi có kết quả bị cáo bị trầm cảm, hôm nay tại tòa bị cáo trả lời rành mạch những câu hỏi của HĐXX. Bị cáo chỉ thừa nhận mình sai khi để Hai bán hai căn hộ chung cư cho người khác khi nó không thuộc quyền sở hữu của mình. Số tiền 20 triệu đồng Hai đặt cọc, bị cáo đã hoàn trả cho gia đình bị cáo Hai. Ngoài ra bị cáo cho rằng những lời khai của Hai tại tòa là bịa đặt vu khống bị cáo, bị cáo không hề nhận tiền nào khác từ Hai và cũng không biết 52 người kia là ai hết.
Qua xem xét nhận thấy hành vi của Hai mặc dù biết mình không có khả năng để lo việc thuê, mua chung cư nhưng vẫn nhận tiền của nhiều người nhằm chiếm đoạt sử dụng tiêu xài, vụ án gây xôn xao dư luận, làm mất niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn nên cần phải được xử lý nghiêm minh. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Hai mức án 16 năm tù, bị cáo Thương 10 tháng 9 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Buộc bị cáo Hai bồi hoàn toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của 52 bị hại.
Trang Trần