Xét xử vụ án tại Đồng Tâm: Thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và Luật pháp Việt Nam

Thứ sáu, 11/09/2020 08:57

Ngày 10-9, TAND TP Hà Nội tiếp tục tranh luận vụ xét xử 29 bị cáo ở xã Đồng Tâm (H. Mỹ Đức, Hà Nội) bị truy tố về tội giết người và tội chống người thi hành công vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 CBCS Công an hy sinh.

Các luật sư tranh luận tại phiên tòa.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại tiếp tục tranh luận với đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa và bản luận tội và mức hình phạt đối với các bị cáo. Luật sư Nguyễn Hồng Bách (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình ba bị hại - gia đình 3 CBCS Công an đã hy sinh) trình bày về việc một số bị cáo mượn danh nghĩa "Tổ đồng thuận" để gây mất trật tự công cộng, có ý định chiếm đất cánh đồng Sênh (xã Đồng Tâm), đồng thời tạo ra nhiều vụ việc mất an ninh trật tự tại địa phương này. Luật sư nhìn nhận, trước tình hình phức tạp về an ninh trật tự ở xã Đồng Tâm, lực lượng Công an có kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự ở nơi đây.

Việc lực lượng Công an, trong đó 3 CBCS đã hy sinh đến xã Đồng Tâm là để thực hiện nhiệm vụ được giao. Do đó, công việc của họ là thực thi pháp luật theo quy định. Luật sư Bách nêu quan điểm không đồng tình với một số luật sư đồng nghiệp khi bào chữa cho các bị cáo đã đề nghị HĐXX công bố kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn, an ninh địa phương tại xã Đồng Tâm của lực lượng Công an.

Luật sư Bách viện dẫn các quy định của pháp luật về việc bảo vệ bí mật Nhà nước để chứng minh rằng, đề nghị trên của các luật sư là không có cơ sở pháp lý, qua đó khẳng định, kế hoạch này mang mức độ tối mật nên chỉ những người liên quan mới được biết. Ai làm lộ bí mật Nhà nước thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. "Quá trình luận tội, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị HĐXX chuyển tội danh cho 19 bị cáo từ tội "Giết người" sang tội "Chống người thi hành công vụ". Điều đó cho thấy, các bị cáo được đề nghị chuyển tội danh chỉ phải nhận hình phạt thấp hơn, đồng thời thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, minh chứng rõ chính sách khoan hồng của pháp luật Việt Nam đối với các bị cáo.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị hại khẳng định, việc 3 CBCS Công an hy sinh khi đang thực thi nhiệm vụ theo kế hoạch được giao là tổn thất rất lớn không chỉ đối với lực lượng Công an mà còn đối với gia đình các đồng chí ấy và nhân dân. Do đó, việc luật sư bào chữa cho một số bị cáo nhận định, thời điểm xảy ra vụ án, 3 CBCS Công an có đang thực thi nhiệm vụ được giao hay không là sự hoài nghi không chấp nhận được. "Sau khi ba đồng chí Công an hy sinh đã được Bộ Công an thăng quân hàm vượt cấp, được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, được công nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Nếu không phải là thực hiện nhiệm vụ được giao thì có được ghi nhận công danh hay không?", luật sư Bách nhấn mạnh.

Đối với đề nghị thực nghiệm điều tra hiện trường vụ án của luật sư bào chữa cho bị cáo, luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị hại trần tình: "Tôi thực sự cảm thấy đau nhói trong tim khi nghe lời đề nghị của luật sư đồng nghiệp. Chúng ta có thể dựng lại hiện trường vụ án dã man như thế không? Ai có thể chui xuống cái hố sâu đó để người khác đổ xăng lên và thiêu sống mình? Và ai sẽ là người dám thực hiện những điều tàn độc mà một số bị cáo đang đứng trước tòa đây đã làm?...". Luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị hại trích đọc biên bản giám định tử thi của 3 CBCS Công an đã hy sinh cho thấy mức độ giết người vô cùng dã man, tàn độc của một số bị cáo.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị hại cho hay, đến nay gia đình các bị hại chưa được nhận tiền đền bù hay chia sẻ nào từ phía gia đình các bị cáo. "Một lời thăm hỏi, động viên, chia sẻ trước ngày phiên tòa diễn ra không có, cũng chưa một đồng tiền bồi thường, chưa một nén nhang thắp lên ban thờ 3 liệt sĩ Công an từ gia đình các bị cáo. Nỗi đau này đã được chia sẻ hay chưa? Chúng tôi tin rằng, HĐXX sẽ đem lại công bằng, công lý cho các gia đình bị hại, xử bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật", luật sư kết thúc phần tranh luận.

Cũng tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ba bị hại, luật sư Nguyễn Phương Anh trình bày những lời cảm động khi nhắc đến việc trước hôm ra đi mãi mãi, anh Nguyễn Huy Thịnh chỉ kịp ăn vội bát cơm với con. Anh Phạm Công Huy hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, mới kết hôn được một năm và con anh mới được 6 tháng tuổi. Anh Dương Đức Hoàng Quân hy sinh khi mới 28 tuổi, còn chưa lập gia đình. Niềm mong mỏi có con dâu của mẹ anh không bao giờ thực hiện được nữa. Theo phân tích của nữ luật sư, các bị cáo có sự câu kết chặt chẽ, phân hóa vai trò, tạo ra kế hoạch với mục đích giết nhiều người, hành vi phạm tội côn đồ, dùng hung khí có tính sát thương cao, mục đích để tước đoạt sinh mạng của nhiều người, thực hiện hành vi quyết liệt, man rợ... quyết thực hiện hành vi phạm tội đến cùng.

"Tôi không  biết các bị cáo ngồi đây có thức tỉnh không? Các luật sư đồng nghiệp nói, các bị cáo có trình độ văn hóa, hiểu biết pháp luật thấp, nhưng trong cuộc sống này, việc đấu tranh quyền lợi về đất đai không có cơ sở pháp lý nhưng các bị cáo lại có thể dùng cái đấu tranh vô lý đó để dẫm đạp lên quyền con người. Do đó đề nghị HĐXX cần xử phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo bị truy tố về tội giết người với các tình tiết tăng nặng như giết nhiều người, và buộc các bị cáo phải bồi thường dân sự cho gia đình ba bị hại theo quy định của pháp luật", luật sư Phương Anh nói.

NGUYỄN HƯNG

Viện Kiểm sát bác các luận cứ bào chữa của luật sư

Trước việc một số luật sư cho rằng cơ quan điều tra chưa thực nghiệm điều tra, chưa làm rõ nguyên nhân tử vong của 3 CBCS CA, đại diện Viện KSND Hà Nội cho rằng. khi xác định hành vi phạm tội ngoài biên bản khám nghiệm hiện trường, còn căn cứ lời khai của các bị cáo và lời khai nhiều công an tham gia làm nhiệm vụ tại thôn Hoành. Vì thế, VKS thấy "không cần thiết phải thực nghiệm hiện trường trong khi nguyên nhân đã rõ".

VKS cho rằng các bị cáo cơ bản đã thừa nhận về hành vi khiến 3 CBCS CA hy sinh. Quá trình điều tra thực hiện đúng pháp luật từ việc lấy lời khai, thu thập chứng cứ và các tài liệu liên quan. "VKS không thấy có vi phạm tố tụng nên việc luật sư đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung là không cần thiết", công tố viên đối đáp với ý kiến của luật sư.

Về thẩm quyền điều tra vụ án, nhiều luật sư cho rằng CATP Hà Nội vừa là đơn vị trấn áp vụ việc ở thôn Hoành lại vừa điều tra nên không đúng thẩm quyền. VKS trả lời CATP Hà Nội có nhiều đơn vị với các nhiệm vụ khác nhau. Đơn vị điều tra vụ án này không có thành viên nào tham gia vào nhiệm vụ ở thôn Hoành. Vụ án xảy ra trên địa bàn TP nên CATP Hà Nội điều tra là đúng pháp luật.

Đại diện Viện KSND TP Hà Nội tranh luận.

Nhiều bị cáo nhận lỗi và cầu mong tha thứ

Trong phiên tòa sáng 10-9, giơ tay xin tự bào chữa, bị cáo Lê Đình Chức, một trong 2 bị cáo bị VKS đề nghị tử hình về tội "Giết người", nói vẫn luôn thành khẩn khai báo từ giai đoạn điều tra đến lúc ra phiên tòa, nên mong HĐXX xem xét.

Chắp tay quay về phía đại diện gia đình 3 CBCS CA hy sinh dự tòa, bị cáo cúi gằm mặt, nhỏ giọng nói "thấy rất hối hận về hành vi gây ra nên chân thành gửi lời xin lỗi". Bị cáo thừa nhận đã đổ xăng xuống hố sâu 4 m giữa hai nhà nhưng cho rằng không biết 3 cảnh sát đang ở đó. Bị cáo mong tòa xem xét toàn diện về hành vi để được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Nói sau bị cáo Chức, bị cáo Lê Đình Doanh cho hay "giờ phút này có nói nghìn câu xin lỗi hay phải chịu mức án nặng nhất cũng không bù đắp được sự mất mát của gia đình ba chiến sĩ". Bị cáo mong được hưởng mức án nhẹ hơn hình phạt tù chung thân mà VKS đề nghị để sớm trở về với gia đình, làm công dân có ích cho xã hội.

Bị cáo Lê Đình Chức

 

>> Vụ án Đồng Tâm: Viện kiểm sát đề nghị tử hình 2 bị cáo

>> Xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại xã Đồng Tâm: Các bị cáo đều nhận tội và xin lỗi gia đình các chiến sỹ Công an hy sinh

>> Xét xử vụ án tại Đồng Tâm: 29 bị cáo ra hầu tòa