Xin chữ ký, 4 phuy dầu

Thứ hai, 30/03/2020 17:28

Trong suốt hơn 1 năm qua, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi kêu trời vì những quy định quá phi lý, phải chạy hàng trăm ki-lô-mét để xin chữ ký, vừa tốn hàng trăm lít dầu, mất nhiều thời gian, khoản tiền lót tay lên đến hàng triệu đồng/tàu, gây tổn thất rất lớn cho tàu cá và ngư dân. Tuy nhiên, kiến nghị của ngư dân vẫn chưa được xem xét.

Tàu thuyền chen chúc ở cảng Sa Kỳ.

Tại Cảng Sa Kỳ (TP Quảng Ngãi), tàu câu mực QNg 95780 TS và nhiều tàu khác trong tập đoàn câu mực khơi từ Hoàng Sa, Trường Sa về bến phải luồn lách để có thể đi vào cửa biển nhỏ, cập cảng. Quảng Ngãi có chiều dài bờ biển hơn 130 km, cảng Sa Kỳ nằm ở đoạn giữa. Cảng này có luồng nhỏ hẹp, chiều ngang có nơi rộng vài trăm mét, có chỗ chỉ 100 mét lúc thủy triều rút. Vậy nhưng những chiếc tàu câu mực với giàn phơi kềnh càng phải rời bỏ cửa biển Sa Cần (nằm giáp với tỉnh Quảng Nam), là cảng có chiều rộng hàng ngàn mét để về Sa Kỳ chờ làm thủ tục xác nhận hoàn thành chuyến biển.

Trưa nắng, tại cửa biển Sa Cần, bà con ngư dân thấy nhà báo xuất hiện liền kéo đến để tiếp tục kiến nghị, nêu ý kiến mà họ đã kêu trời trong suốt hơn 1 năm qua mà không được quan tâm. Ngư dân Võ Duy Chưa, thuyền trưởng tàu QNg 90595 TS cho biết, từ khi tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu thực hiện Luật Thủy sản và các quy định để ngăn chống đánh bắt bất hợp pháp IUU từ đầu năm 2019 đến nay là ngư dân đứt hơi, thậm chí là gặp nguy hiểm. Đi từ đầu làng tới cuối xóm thì 10 người là 10 ý kiến, kêu than vì quy định gây khó khăn thêm cho bà con.

 * Ông Nguyễn Hữu Ngọt- Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Chánh, cho biết, từ tháng 5 -2019, khi người dân đối thoại với lãnh đạo Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Ngãi thì được hứa là tháng sau sẽ làm thủ tục để Bộ NN và PTNT công nhận cảng Sa Cần để ngư dân khỏi phải chạy lòng vòng, bà con yên tâm và chờ đợi. Nhưng rồi gần 1 năm trôi qua vẫn không có chuyển biến.

Những điều ngư dân phản ảnh, đó là tàu đi biển về cửa biển Sa Cần, bỏ bạn xuống rồi tiếp tục phải hành trình khoảng 60 km về phía Nam để vào cảng Sa Kỳ làm thủ tục khai báo nhập bến tại địa chỉ: BQL cảng cá Tịnh Kỳ, do Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi chủ trì. Tại Cảng Sa Kỳ, các tàu phải xếp hàng chờ làm thủ tục xác nhận hoàn thành chuyến biển. Nếu nhiều tàu câu mực vào bến ồ ạt thì không có chỗ neo. Quãng đường vừa đi và về mất khoảng 6 giờ, nếu tàu hành trình vào mùa đông thì mất 10 giờ và gặp nhiều nguy hiểm. Sau khi khai báo xong thì tàu về quê và đến ngày xuất bến lại tiếp tục chạy thêm 60 km nữa để xuống cảng Sa Kỳ để xuất bến rồi mới đi khai thác.

Các ngư dân bực bội cho biết, quy định phi lý này đã khiến ngư dân tổn thất rất lớn. Đó là mỗi chuyến chạy ngược chạy xuôi như vậy thì tiêu tốn khoảng 3-4 phuy dầu (600-800 lít). Thời tiết ở địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vào mùa đông, khi cho tàu câu mực chạy ven bờ thì rất dễ bị sóng biển đánh đắm, nhất là khi đi qua khu vực mũi đèn Ba Làng An. Bên cạnh đó là cửa biển Sa Cần rộng hơn, sâu hơn, tàu câu mực công suất lớn dễ vào hơn, nhưng lại phải chạy sang cửa biển Sa Kỳ có cửa hẹp hơn, cửa biển cạn, thường bị va chạm bởi tàu cá và tàu khách tuyến Lý Sơn. Trong thời gian qua, ngư dân đã gặp rủi ro như: bị va hư hỏng giàn phơi mực, tàu bị sóng lớn đánh trôi dạt, đứt neo trước khi chạy vào cửa Sa Kỳ để khai báo.

Lý do trên được ông Phùng Đình Toàn- Chi cục phó Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi chia sẻ trong họp báo, đó là tỉnh Quảng Ngãi có 5 cảng cá được Bộ NN&PTNT chỉ định cập cảng cho tàu từ 15 mét trở lên; trong đó 4 cảng là Tịnh Kỳ, Sa Huỳnh, Tịnh Hòa, Mỹ Á được phép xác nhận nguồn gốc thủy sản qua cảng. Cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn chỉ được cập bến, neo đậu, không được phép xác nhận nguồn gốc thủy sản qua cảng. Theo tiêu chí quy định cảng cá loại I, II, Điều 78 của Luật Thủy sản 2017 thì các cảng trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa đáp ứng đủ các tiêu chí loại I, II. 

 Tàu câu mực to kềnh càng, neo ở cửa biển Sa Cần rất rộng, nhưng phải chạy về cảng hẹp ở Sa Kỳ.

Tại cảng Sa Kỳ, những cán bộ thủy sản phải thức 24/24 thì mới có thể làm được thủ tục xác nhận. Nhưng thực tế là nếu nhiều tàu cá cùng vào bến thì lại nảy sinh thêm việc xếp hàng, chạy ngược chạy xuôi để được xác nhận. Mỗi BQL cảng cá có chức năng xác nhận tàu cập bến được biên chế 4 người, nhưng có khi phải chạy 2 "sô" đến 2 điểm bán cá. Thời gian tàu cá vào bến nhiều nhất là lúc 1 giờ sáng thì các cán bộ này cũng phải có mặt để xem chất lượng, chủng loại, kích cỡ cá theo Luật Thủy sản. 

Cảng Sa Cần chưa được công nhận là cảng, hay do Chi cục Thủy sản không đủ người để rải khắp các cảng biển (mỗi cảng 4 người)? Quy trình xác nhận chuyến biển có khá nhiều kẽ hở để ngư dân có thể bị nhũng nhiễu, gây khó. Ngư dân ở cửa biển Sa Cần ngoài việc phải chạy lòng vòng tốn cả chục triệu tiền dầu, ngư dân còn phải thêm chi phí "trà nước khủng", nhiều ngư dân phản ảnh, nếu tàu ở cửa biển Sa Cần chạy sang cảng biển gần hơn nằm ở phía Bắc để làm thủ tục xác nhận thì phải bỏ tiền lót tay 5 triệu đồng/tàu, với lý do "anh là người ngoài tỉnh, đường nào cũng tốn, nếu anh chạy về Sa Kỳ thì cũng mất hơn chục triệu, tốn thời gian gấp bốn lần".

LÊ VĂN CHƯƠNG