"Xin đừng chiến tranh": Chiến tranh không chỉ là chuyện của người lớn

Thứ tư, 04/10/2017 10:16

Nhắc đến chiến tranh, người ta thường nghĩ đến những người lính cầm súng xông pha ra trận; những người mẹ già, vợ hiền mòn mỏi đợi chờ nơi hậu phương. Thế nhưng có bao lần trong suốt cuộc chiến cam go đằng đẵng ấy, hình ảnh trẻ thơ chợt hiện lên trong tâm trí mọi người? Đó không chỉ là những đứa trẻ bơ vơ vì mất cha, mất mẹ, không nhà không cửa; mà còn xót xa hơn khi chính các em cũng trở thành nạn nhân trực tiếp của chiến tranh: đi sơ tán, nghỉ học, nấp hầm, bị tra tấn, bị thương, thậm chí hàng ngàn em đã mất mạng bởi đạn bom ác liệt... Là một trong những đứa trẻ trải qua tuổi thơ trong chiến tranh, chị Phan Thị Minh Hiền đã khơi dậy ký ức của chính mình, của những người đã chịu mất mát trong chiến tranh khi còn là trẻ con để viết nên cuốn sách đầy chân thực và xúc động Xin đừng chiến tranh-để biết rằng, chiến tranh không đơn thuần chỉ là chuyện của người lớn. Nó là nỗi đau của toàn nhân loại, trong đó có cả những đứa trẻ ngây ngô.

 

Xin đừng chiến tranh (NXB Đà Nẵng, 2017) như một cuốn hồi ký của tác giả và của những người đã đi qua chiến tranh khi còn chưa kịp trưởng thành. Không có một ví dụ nào xác đáng hơn, gây được sức mạnh tâm lý nhiều hơn bằng lời kể của chính những người đã thực sự sống trong chiến tranh. Xuyên suốt tập sách, tác giả đã lần lượt để cho "nhân vật" của mình được nói lên tiếng nói của họ, kể câu chuyện của họ, từ đó người đọc biết thêm nhiều sự thật đằng sau mỗi cảnh đời, hiểu hơn về nỗi đau thể xác lẫn tinh thần mà những đứa trẻ trong chiến tranh phải chịu đựng. 21 năm kháng chiến chống Mỹ là 21 năm dân tộc Việt Nam nhuốm đầy đau thương, tang tóc. Trẻ em phải vừa học vừa chuẩn bị tâm lý để tránh bom, chạy giặc. Cái lứa tuổi đáng ra phải vô tư, hồn nhiên, chỉ biết ăn, ngủ, chơi, học hành thì phải luôn trong trạng thái thấp thỏm, âu lo, sẵn sàng chui vào hầm trú ẩn, chạy đi sơ tán bất cứ lúc nào. Tuổi thơ các em là nỗi ám ảnh về tiếng bom rơi, đạn lạc; là sự khiếp đảm, kinh hãi khi tận mắt chứng kiến những xác chết la liệt ngay cạnh mình, trong đó có khi còn có cả người thân. "Khi những người lính Mỹ cầm súng bắt trẻ em đi làm bia đỡ đạn trước những chiếc xe tăng, khi họ hãm hiếp và cầm súng xả vào trẻ em, làm sao bảo vệ trẻ em khỏi sự tàn ác đây? Khi mưa bom bão đạn trút xuống ngày đêm... Khi cha mẹ phải ra đi để bảo vệ mạng sống của con cái mình, làm sao còn cho con được một gia đình yên ấm?"-Phan Thị Minh Hiền đã không kiềm được cảm xúc khi nghĩ đến những "đứa trẻ" trong cuốn sách của mình.

* Phan Thị Minh Hiền (1961), quê gốc tại Điện Bàn, Quảng Nam, bố mẹ tập kết ra Bắc nên sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Sau năm 1975, chị về lại quê hương và học tại Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Tốt nghiệp ĐH Bách khoa Đà Nẵng, nhưng chất văn chương trữ tình vẫn ngấm ngầm chảy trong tâm hồn chị. Cùng với sự hoài niệm về quá khứ trong thời chiến, Phan Thị Minh Hiền đã cất công đi tìm gặp những người cũng có cùng tuổi thơ như chị để viết nên cuốn sách Xin đừng chiến tranh.          

Nếu như Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em có hiệu lực từ năm 1990 đã đảm bảo cho trẻ em có 10 quyền cơ bản, thì trong những năm tháng chiến tranh bấy giờ, trẻ em lại bị lấy đi tất cả, chỉ còn lại "một cái quyền nhỏ bé nhất - quyền có tên gọi và quốc tịch. Đối với nhiều đứa trẻ, đó chỉ còn là quyền có được một cái tên để ghi lên nấm mộ, thậm chí có lúc đến một nấm mộ cũng không còn để ghi lên đó 2 chữ vô danh". Xót xa biết nhường nào! Tác giả đã thay mặt cho những ai từng là trẻ em thời ấy nói lên tiếng nói của mình; cảm thán trước những đắng cay, tủi hờn mà những tâm hồn non nớt phải gánh chịu. "Có bao giờ không, có ở đâu không, trẻ em chỉ mơ ước có những điều nhỏ nhoi và giản dị như thế: Ước mơ được ngủ yên giấc, ước mơ được đến trường, ước mơ được làm những công việc có ích cho cuộc đời? Chiến tranh đã tàn nhẫn lấy đi những cái tưởng chừng như vô cùng đơn giản ấy". Những câu hỏi không lời đáp của chị đã xoáy sâu vào tâm can người đọc, khiến chúng ta nghẹn ngào rơi nước mắt...

Bất kỳ dân tộc nào đi qua chiến tranh cũng gánh chịu những đau thương và mất mát lớn lao. Bằng lòng trắc ẩn của mình, Phan Thị Minh Hiền đã đem đến cho người đọc những trang viết đầy nước mắt nhưng cũng thấm đẫm tình thương, để rồi khi gấp cuốn sách lại, tất cả chúng ta đều như tự nhắn nhủ và cầu xin cuộc đời: Vì trẻ thơ, Xin đừng chiến tranh!

THẢO VY