Xóa thôn, bản trắng giáo dục mầm non

Thứ năm, 14/04/2016 09:01

(Cadn.com.vn) - Từ khi Nghị quyết số 142/2009/NQ-HĐND ngày 22-7-2009 của HĐND tỉnh Quảng Nam (khóa VII) về phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non (GDMN) miền núi được triển khai thực hiện, đến nay, GDMN miền núi đã đạt được những kết quả khả quan. Quy mô, mạng lưới trường lớp được mở rộng, đặc biệt là xóa được thôn, bản trắng về lớp học mẫu giáo, mầm non.

Chuyển biến tích cực

Tây Giang là một trong những huyện vùng núi cao khó khăn nhất của tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng GDMN. Khi thành lập huyện năm 2003, Tây Giang chỉ có vài cơ sở GDMN, nhưng đến nay đã có 7/10 xã có trường mầm non, mẫu giáo. Cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học và vui chơi tại các điểm trường chính cấp học mầm non được đầu tư khá khang trang. Cuối năm 2015, Trường Mầm non Họa Mi (xã A Tiêng) là trường mầm non đầu tiên của H. Tây Giang được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND H. Tây Giang cho biết, đến nay đội ngũ giáo viên bậc mầm non - mẫu giáo trên địa bàn huyện tương đối đảm bảo, đã có 47 giáo viên người địa phương được đào tạo đại học GDMN. "Huyện xác định bậc mầm non là bậc học quan trọng, là nền tảng để cho các em lên các bậc tiểu học và THCS. Vì thế, huyện tổ chức rà soát lại, trong năm 2015 đã xây dựng mới Trường Mẫu giáo liên xã Ch'um - Gary và Trường Mẫu giáo xã Dang", ông Arất Blúi nói.

Nghị quyết 142/2009/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Nam đã tạo được chuyển biến tích cực, góp phần giải quyết được những khó khăn trước mắt của GDMN ở các huyện miền núi của tỉnh. Năm học 2015-2016, các huyện miền núi Quảng Nam có 84 trường mầm non, mẫu giáo, tăng 24 trường so với thời điểm mới triển khai Nghị quyết 142/2009/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; có 633/732 phòng học được xây dựng kiên cố và bán kiên cố. Tổng số trẻ 3-5 tuổi ra lớp đạt gần 86%, tăng 12,1% so với năm học 2007-2008. Riêng trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số 5 tuổi đến trường đạt 97,3%, tăng 20,7%. Các địa phương miền núi đã xóa thôn, bản trắng về GDMN.

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biết, tổng số cán bộ, giáo viên GDMN miền núi hiện có 1.194 người; trong đó có 833 biên chế, tăng 313 biên chế so với năm học 2007-2008. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 99,7%. Giáo viên trên chuẩn đạt 64,3%, tăng 23,33% so với 2018. Giáo viên người dân tộc thiểu số từ 138 người năm học 2007-2008 đến nay đã tăng lên 213 người; 100% các lớp mẫu giáo có trẻ là người dân tộc thiểu số đều được học tăng cường giao tiếp tiếng Việt. Đến cuối năm 2015, trên 9 huyện miền núi có 13 trường mầm non, mẫu giáo được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

 

Những hạn chế, kiến nghị

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng GD-ĐT H. Tây Giang cho biết: "Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, giao thông cách trở, cơ sở vật chất tại các điểm trường thôn tạm bợ là những tồn tại, hạn chế trong GDMN ở Tây Giang nói riêng, miền núi Quảng Nam nói chung. Mặc dù địa phương có sự quan tâm rất lớn đến bậc học mầm non, nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trường mầm non trên địa bàn huyện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Như A Vương là xã vùng thấp của huyện nhưng đến nay vẫn chưa có điểm trường mầm non nên phải mượn tạm nhà dân và trường tiểu học để làm phòng học cho các cháu".

Không riêng gì Tây Giang, hầu hết các điểm trường mầm non ở thôn bản tại 6 huyện vùng núi cao tỉnh Quảng Nam đều còn tình trạng trường tạm, lớp ghép. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Quảng Nam, do đặc thù của miền núi, trẻ em trong độ tuổi từng điểm thôn ít nên nhiều điểm trường thực hiện loại hình lớp ghép 2, 3 độ tuổi, chiếm 51% tổng số lớp học mầm non miền núi. Trong đó, có 185 lớp ghép 2 độ tuổi, 175 lớp ghép 3 độ tuổi. Cơ sở vật chất các lớp mẫu giáo ở thôn bản đều tạm bợ, nhiều xã tuy có trường mầm non nhưng phòng học không đảm bảo yêu cầu, thiếu phòng chức năng, phòng hành chính, đồ dùng dạy học, đồ chơi ngoài trời... Cơ hội đến trường của trẻ em vùng cao, vùng sâu ở một số nơi còn hạn chế, thấp hơn 5 lần so với tỷ lệ chung toàn tỉnh. Số giáo viên mầm non hợp đồng ở các huyện miền núi Quảng Nam còn nhiều (hiện có 361 cô giáo, chiếm tỷ lệ 35,3%). Khó khăn vất vả là vậy nhưng giáo viên nuôi dạy ở các lớp ghép mầm non không được hưởng chế độ như giáo viên dạy các lớp ghép cấp tiểu học nên các cô chưa yên tâm công tác.

Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, Hà Thanh Quốc kiến nghị: "Tỉnh và các địa phương cần tiếp tục có cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển GDMN miền núi. Trong đó, ưu tiên kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ cán bộ, giáo viên ngành mầm non ở miền núi để họ an tâm công tác. Nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo nên tiếp tục duy trì chế độ hỗ trợ trẻ em trong tuổi ra lớp".

Ông Nguyễn Dương Triều, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết, Nghị quyết 142/2009/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non miền núi giai đoạn 2009-2015 đã đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan nên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. "Qua kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết 142 của HĐND tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội thấy được những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư có sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ giáo viên. Những kiến nghị, đề xuất của giáo viên, cán bộ cơ sở và ngành chủ quản được Ban Văn hóa - Xã hội ghi nhận và sẽ đưa ra HĐND tỉnh để có cơ chế tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục mầm non miền núi", ông Triều nói.

Thạch Hà

GDMN miền núi ở Quảng Nam đã có những chuyển biến tích cực. Trong ảnh: Trường MN Họa Mi (Tây Giang) được công nhận đạt chuẩn cuối năm 2015.