Xoay trục, đổi hướng
(Cadn.com.vn) - Lào, một quốc gia có dân số ít hơn 7 triệu dân, hiếm khi tạo nên gợn sóng trên mạch ngoại giao thế giới. Tuy nhiên, xứ sở triệu voi này đang chứng kiến sự thay đổi lớn khi sẽ đón các nhà lãnh đạo thế giới đến tham dự một hội nghị thượng đỉnh Châu Á trong tháng 9 tới.
Đáng chú ý nhất là sự có mặt của Tổng thống Barack Obama, đúng thời điểm ông chủ Nhà Trắng cần phải nỗ lực hoàn thiện chính sách đối ngoại “tái xoay trục Châu Á” - chiến lược được coi là nhằm tạo thế đối trọng mạnh mẽ với một Trung Quốc đang lên trong khu vực. Chắc chắn, sức mạnh của người hàng xóm khổng lồ của Lào ở phía bắc sẽ là vấn đề không thể bỏ lỡ ở Vientiane lần này.
Trên thực tế, ông Obama chính là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Lào – quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, Lào là một cửa ngõ quan trọng để đi vào khu vực Đông Nam Á trong chiến lược thương mại “Con đường tơ lụa mới”. Cơ hội cho ông Obama là rất lớn. Tổng thống Obama có thể thành công trong chiến lược tách Lào ra khỏi sức ảnh hưởng của Trung Quốc. Thứ nhất, chính phủ mới của Thủ tướng Thongloun Sisoulith mới lên nắm quyền hồi tháng 4 của Lào cho thấy đã sẵn sàng rời xa Bắc Kinh.
Bắc Kinh đầu tư khoảng 1tỷ USD mỗi năm tại Lào trong năm 2014 và năm 2015, con số này tăng lên 4,5 tỷ USD. Nhiều người cho rằng, con số đầu tư lớn này đã lý giải nguyên nhân vì sao Lào sẵn sàng vận động cho Trung Quốc trong các cuộc thảo luận quốc tế. Nhưng Lào đang cho thấy một số thay đổi trong chính sách với Trung Quốc. Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad - người đứng đầu dự án đường sắt trị giá 7 tỷ USD với Trung Quốc - đã về hưu. Dự án hiện nay được cho là đang “dậm chân tại chỗ” vì Vientiane không hài lòng các điều khoản thỏa thuận với Bắc Kinh.
Trong khi đó, Lào có vẻ đang chăm chút phát triển một loạt các nhà máy thủy điện dọc theo con sông dài nhất thế giới, sông Cửu Long, nhằm mục đích trở thành “nguồn điện của Châu Á” bằng cách bán điện cho các nước láng giềng.
Thanh Văn