"Xóm chạy thận"

Thứ tư, 12/04/2017 10:12

(Cadn.com.vn) - Từ nhiều huyện khác nhau mang trên mình căn bệnh hiểm nghèo, họ tụ họp để nương tựa, dìu dắt nhau sống qua ngày trong những căn phòng ẩm thấp, chật chội. Người ta gọi đây là “xóm chạy thận” bởi nơi đây có hơn chục bệnh nhân phải sống từ năm này qua tháng khác nhờ chạy thận...

 “Xóm chạy thận” tại số nhà 64B-  Lệ Ninh, TP Vinh (Nghệ An), đối diện với Bệnh viện Giao thông- Vận tải đã hơn 10 năm trở lại đây trở thành “mái ấm thứ 2” của không biết bao nhiêu bệnh nhân chạy thận. Khu nhà này thuộc Nhà khách Cty cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh nhưng do cơ sở vật chất cũ kỹ, xuống cấp nên CTy ưu đãi cho các bệnh nhân chạy thận thuê ở với giá rẻ. Hầu hết các bệnh nhân đến đây đều là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối. Để thuận tiện cho việc cấp cứu và chăm sóc sức khỏe, họ phải túc trực ở đây từ năm này qua năm khác.

Căn nhà hai tầng ẩm thấp, chật chội có hơn 10 phòng nhưng hiện tại có khoảng 6 phòng cho các bệnh nhân suy thận thuê ở.  Hơn 10 bệnh nhân sống từ ngày này qua tháng khác để duy trì sự sống nhờ chạy thận. Nơi đây, đã đón không biết bao nhiêu bệnh nhân đến thuê trọ và cũng không ít người đã từ giã cuộc đời từ mái ấm này. Cứ thế, người đến, kẻ đi đã biến khu nhà này mặc định tên “xóm chạy thận” từ lúc nào không hay.

Trong căn phòng ẩm thấp, chật chội nằm ở tầng 1 nhà khách là nơi thuê trọ của 3 người đàn ông. Anh Nguyễn Văn Đoàn (1967, quê ở xã Thanh Yên, H. Thanh Chương) chia sẻ: “Tôi ở đây được 5 năm rồi, cũng nhớ vợ và thương con lắm nhưng mắc căn bệnh nan y này nên đành chấp nhận sống cuộc sống xa vợ con thôi. Lúc khỏe mạnh thì tự chăm sóc mình từ chợ búa, cơm nước đến sang bệnh viện chạy thận, còn khi ốm yếu cũng phải gọi gia đình xuống trợ giúp. Mỗi tháng, trung bình chúng tôi mất khoảng 3 triệu đồng để chi tiêu và chữa bệnh. Biết là gánh nặng cho vợ con nhưng vợ cũng động viên cố gắng chữa trị vì còn người thì vợ còn nhìn thấy chồng, con còn nhìn thấy bố”.

Căn phòng chật chội ẩm thấp của những bệnh nhân chạy thận.

Nằm thiếp đi trong giấc ngủ sau ca chạy thận buổi sáng, ông Trương Đình Vinh (1960, quê ở xã Quỳnh Đôi, H. Quỳnh Lưu) bỗng choàng tỉnh khi có khách đến hỏi chuyện. Dù tuổi còn ít nhưng nhìn ông Vinh già nua, yếu ớt hẳn bởi bản thân ông phải chống chọi với bệnh suy thận hơn 9 năm nay. Ông Vinh có 4 người con, vợ mất cách đây 3 năm, con cái cũng kẻ Bắc, người Nam đi làm thuê, làm mướn gửi tiền về cho ông chữa bệnh. Bị suy thận độ 4 nên làn da ông Vinh đen sạm đi, tai ù, mắt kém, gân máu nổi trên cánh tay nhăn nheo. Ông kể: “Hơn 1 tháng trở lại đây, bệnh tình trở nặng thêm nên tôi không thể về nhà, ăn uống kém, hay nôn ói, nhiều hôm khỏe thì gắng gượng chợ búa, nấu nướng, hôm nào yếu thì nhờ người khác đi giùm. Ở đây, mỗi người đều có một cái bếp gas nhỏ với các đồ dùng cá nhân riêng. Mỗi người đều tự phục vụ mình để có sức khỏe chống chọi với bệnh tật. Ở đây triền miên từ năm này qua năm khác, thậm chí nhiều cái tết cũng không về được để đoàn tụ với gia đình, lắm lúc tủi thân lắm. Nhưng biết làm sao được, gắng gượng được ngày nào hay ngày ấy, sống để còn nhìn thấy con cháu trưởng thành là vui rồi”.

Cũng tại “xóm chạy thận” này, đã có không biết bao nhiêu người đến rồi ra đi... vĩnh viễn. Điều không thay đổi ở đây là tình người. Họ nương tựa, dìu dắt nhau sống với sự lạc quan, tin tưởng vào một ngày sẽ khỏi bệnh. Thời điểm hiện tại, “xóm chạy thận” có hơn 10 bệnh nhân từ tuổi trung niên đến cao niên đều mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối. Trong số đó, bà Đào Thị Nguyên (87 tuổi, ở xã Sơn Hải, H. Quỳnh Lưu) là bệnh nhân cao tuổi nhất phải chống chọi với căn bệnh suy thận gần 8 năm nay.

Từ ngày bà Nguyên mắc bệnh cũng là ngần ấy thời gian chị Thái Thị Hợi (con bà Nguyên) phải giao hết việc nhà lại cho chồng con để vào chăm mẹ. Từ việc ăn uống, vệ sinh, cho đến đưa bà vào viện chạy thận cũng do chị Hợi làm hết. “Mỗi tuần phải chạy thận 3 ca, sau mỗi ca chạy thận về là mẹ tôi lại nằm vật vã trên giường vì mệt, ăn uống yếu, đi lại khó khăn lúc nào cũng phải có người túc trực. Vất vả một phần nhưng thương mẹ mười phần vì làm việc gì thì tôi có thể giúp đỡ, gánh vác bớt chứ bệnh tật thì không ai có thể san sẻ, gánh bớt đi được”, chị Hợi bùi ngùi.

Ở “xóm chạy thận”có một người đàn ông ít tuổi nhất nhưng lại là bệnh nhân chạy thận lâu năm nhất đó là anh Thái Khắc Dần (1975, trú tại xã Kỳ Tân, H. Tân Kỳ). Anh Dần đã phải chống chọi với căn bệnh suy thận này hơn 13 năm nay. Bản thân mang trọng bệnh nên anh Dần chưa bao giờ nghĩ đến chuyện yêu đương và cưới vợ. Gia đình anh Dần hiện đang có mẹ già 90 tuổi cũng mắc bệnh ung thư phổi. Mỗi tháng tiền thuốc thang, sinh hoạt... phải chi ra gần 5 triệu đồng thì may ra anh chỉ có được một vài triệu từ người thân mang cho.

Anh Thái Khắc Dần tự kiểm tra sức khỏe của mình.

“Trước đây, khi còn khỏe thì tôi cũng chạy xe ôm để trang trải cho bệnh tật nhưng giờ sức khỏe yếu rồi chỉ nhờ cậy vào người thân. Mặc dù thích chơi đàn ghi-ta và thổi sáo, nhưng lâu lắm rồi sức khỏe yếu nên tôi cũng không màng đến. Phòng trọ này trước đây ở cùng 2 bệnh nhân cũng trạc tuổi như tôi, cuối tuần thỉnh thoảng còn bắt xe về nhà bạn chơi, nhưng cách đây hơn 1 tháng các anh ấy đã qua đời nên căn phòng trở nên lạnh lẽo, trống trải hẳn”,  anh Dần buồn bã.

Ở “xóm chạy thận”, có những lúc ai cũng mệt mỏi sau ca chạy thận từ bệnh viện về nên nằm bệt trên giường không rời nửa bước, nhưng có khi họ cũng sum vầy bên nhau cùng kể chuyện, nói đùa để vơi đi phần nào nỗi ám ảnh bệnh tật, nỗi đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Và hơn hết, họ vẫn yêu thương, đùm bọc, nương tựa nhau, dựa vào nhau mà sống những ngày tháng cuối của cuộc đời...

D.Hóa