Xót thương bữa cơm lũ trẻ Mơ Nông
(Cadn.com.vn) - Những bữa cơm bán trú dân nuôi của lũ trẻ Trường Mẫu giáo Trà Leng (xã miền núi Trà Leng, H. Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) hằng ngày chỉ có cơm trắng trộn mì chính (bột ngọt). Ước ao có bữa cơm với mớ rau, chút cá hay thịt là điều hết sức xa vời với lũ trẻ Mơ Nông nghèo khó nơi đây.
Khó khăn đủ bề
Chúng tôi đến Trường Mẫu giáo Trà Leng khi những tia nắng cuối ngày dần tắt. Lớp học của những đứa trẻ Mơ Nông cũng vừa tan. Chúng ùa ra sân xếp hàng ngay ngắn, cô giáo trẻ lần lượt trao cho lũ trẻ chiếc cạp lồng xanh, đỏ. Cầm chiếc cạp lồng lủng lẳng trên tay, chúng men theo những con đường vượt sườn dốc quen thuộc trở về nhà mà không cần bố mẹ đón đưa. Dẫn từng đứa trẻ ra tận cổng trường, cô giáo trẻ phụ trách lớp học vẫn dõi theo từng bước chân học trò, cho đến khi bóng dáng chúng khuất bên kia sườn dốc, cô mới quay trở lại lớp học. Cô dọn dẹp, sắp đặt lại những chiếc ghế, bộ đồ chơi còn bày biện giữa lớp, rồi lặng lẽ trở về căn phòng sát ngay lớp học, tất bật với những công việc đời thường.
Cô giáo Trần Thị Hoàng Oanh - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Mẫu giáo Trà Leng tiếp chúng tôi bằng câu chuyện khá tự nhiên về hoạt động của ngôi trường vùng cao này. Trường Mẫu giáo Trà Leng đóng trên địa bàn xã miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn. Hiện nay, ngoài điểm trường chính nằm ở trung tâm xã, trường có thêm 6 điểm trường khác nằm rải rác khắp các thôn, nóc. Cơ sở vật chất trường lớp chỉ là những phòng ốc tạm bợ. Điều kiện ăn ở của giáo viên hết sức khó khăn.
Chưa có nhà công vụ, giáo viên chỉ ở tạm trong những căn phòng được giáo viên và người dân thôn bản chung tay dựng lên ngay điểm trường. Muốn vào các điểm trường dạy học, giáo viên không còn cách nào khác là phải vượt bộ hàng tiếng đồng hồ trên những con đường mòn hết sức nguy hiểm. Năm học 2015-2016, Trường Mẫu giáo Trà Leng có tổng số 11 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong số 9 giáo viên đang giảng dạy tại trường thì chỉ có 3 giáo viên thuộc diện biên chế, còn 6 giáo viên đều dạng hợp đồng.
Mặc dù nằm ngay trung tâm xã Trà Leng, nhưng điểm trường chính mẫu giáo Trà Leng chỉ là phòng ốc bán kiên cố. Thiếu hệ thống phòng chức năng, hội đồng nên Ban Giám hiệu, nhân viên nhà trường đều làm việc chung một phòng. Căn phòng làm việc đó cũng là nơi ở của cán bộ, giáo viên nên hết sức chật chội, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác tổ chức hoạt động của nhà trường.
Ngày ngày, lũ trẻ Mơ Nông đến trường với chiếc cạp lồng đựng cơm trộn mì chính. |
Cần những tấm lòng sẻ chia
Cô Trần Thị Hoàng Oanh cho biết năm học 2015-2016, toàn trường có tổng cộng 191 trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi. 100% trẻ đang theo học ở các điểm trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số Mơ Nông. Ở điểm trường chính có tất cả 35 trẻ, cùng học chung 1 lớp với 3 lứa tuổi, do 2 giáo viên phụ trách giảng dạy vừa chăm sóc. Do điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất cũng như thiếu đội ngũ giáo viên, nhân viên nên nhà trường chỉ tổ chức được bán trú cho trẻ theo hình thức dân nuôi.
Cô Oanh chia sẻ: "Do điều kiện kinh tế khó khăn nên bữa cơm bán trú dân nuôi dành cho các cháu chỉ là cơm không trộn cùng mì chính. Ngày nào cũng vậy, trẻ đến trường cùng với một chiếc cạp lồng đựng cơm trộn sẵn mì chính ở nhà mang đi. Nếu không có bữa cơm bán trú dân nuôi thì trẻ chỉ theo học được một buổi/ngày. Thấy các cháu bữa nào cũng ăn cơm trộn mì chính, ai nấy đều ứa nước mắt. Thương các cháu nhưng cán bộ, giáo viên không thể làm được gì tốt hơn".
Thầy Nguyễn Đình An - Trưởng phòng GD-ĐT H. Nam Trà My cho hay: Trước đây, bữa ăn trưa của trẻ mầm non ở các trường trên địa bàn được thực hiện theo Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9-2-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015. Tuy nhiên, từ khi không còn chính sách này nữa thì việc tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ mầm non trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn, chứ không riêng gì ở Trường Mẫu giáo Trà Leng.
Với điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn như huyện miền núi Nam Trà My, để đảm bảo tốt sĩ số cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ mẫu giáo ra lớp, hiện nay việc tổ chức ăn bán trú dân nuôi được nhà trường thực hiện bằng hình thức xã hội hóa. Trong thời gian qua, các trường, địa phương rất tích cực trong việc tổ chức vận động, kêu gọi sự hỗ trợ từ các gia đình có điều kiện kinh tế khá trên địa bàn, tuy nhiên việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Ngày nào người dân góp được bữa rau thì học sinh ăn rau, góp được bữa cá thì học sinh ăn cá. Nếu không có thì bữa cơm của các cháu phụ thuộc vào điều kiện kinh tế từng gia đình.
Hiện nay, điều kiện, thu nhập của giáo viên mầm non tại các nhà trường rất eo hẹp nên cũng không giúp đỡ được gì nhiều cho các em. Để giải quyết vấn đề này, ngành GD-ĐT H. Nam Trà My đã đề xuất với UBND huyện, UBND tỉnh Quảng Nam để tìm hướng giải quyết, tháo gỡ những khó khăn mà bậc học mầm non địa phương đang phải đối mặt.
Khải Minh