Xót xa gia cảnh của hai chị em đuối nước khi mò cua, bắt ốc

Thứ sáu, 14/08/2020 22:00

Gia cảnh nghèo khó, 2 đứa nhỏ, lớn 11, nhỏ 9 tuổi tự trông coi nhau khi bố mẹ phải vào rừng tìm hái măng về đổi miếng cơm. Khi hai em rủ nhau ra hồ nước gần nhà mò cua, bắt ốc thì gặp nạn. Không ai cầm được nước mắt khi đưa thi thể hai em lên bờ, trên người vẫn là những bộ quần áo cũ kỹ, nhuốm bùn đất.

Hàng xóm và chính quyền địa phương cùng chung tay giúp đỡ, lo hậu sự cho 2 cháu nhỏ gia cảnh khó khăn.

"Mẹ về đây rồi, hai con đâu?"

Sáng sớm tinh sương, người dân ở xóm nhỏ thôn 5 (xã Đông, H. Kbang, Gia Lai) tìm đến căn nhà nhỏ nằm trong một con ngõ nhỏ heo hút để viếng đám tang 2 chị em ruột là cháu Hoàng Thị Trà Giang (2009) và cháu Hoàng Thị Khánh Vy (2011). Đầu giờ ngày 10-8, khi bố mẹ đang vào rừng tìm măng, hai chị em Giang và Vy cùng em gái nhỏ 5 tuổi tìm đến hồ chứa nước tưới gần nhà để mò cua, bắt ốc. Để em gái 5 tuổi trên bờ, Giang và Vy lội xuống hồ nhưng hai em không hề biết nước sâu và cả hai đều không biết bơi. Hai đứa trẻ hụt chân rồi chới với giữa hồ nước trong sự hốt hoảng của đứa em gái. Khi em gái chạy về gọi người lớn trong xóm đến nơi thì mọi chuyện đã quá muộn. Hai thi thể nhỏ bé vẫn ôm chặt nhau giữa hồ nước, trên bờ trong chiếc xô nhựa vẫn còn nguyên những con cua, con ốc là thức ăn của bữa chiều khi vắng bố, mẹ.

Anh Hoàng Văn Hoan (1980) và chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (1982, bố mẹ ruột của hai em) lúc này vẫn đang dò dẫm trong cánh rừng sâu tìm hái măng cách nhà 40km. Dù nước mưa thấm ướt cả người, hai vợ chồng dặn nhau gắng hái thêm măng bán để chuẩn bị lo tiền cho các con nhỏ chuẩn bị vào năm học mới. Thế nhưng, khi chuông điện thoại reo lên, nỗi lo lắng đến tận tâm can bởi người thân báo vợ chồng anh về nhà có việc gấp. Lấm lem bùn đất và nước mưa, hai vợ chồng anh về đến nhà không còn đứng vững khi thấy thi thể hai cô con gái bé nhỏ đang nằm bất động. Mọi người chỉ kịp đỡ lấy hai vợ chồng rồi dìu vào bên trong, ai cũng vội bưng mặt, nhiều tiếng khóc bật ra khi chứng kiến nỗi đau quá lớn. Khi hồi tỉnh lại, chị Ánh chỉ biết ôm 2 linh cữu nhỏ bé gào khóc đau đớn: "Con ơi, con cứ muốn mẹ ở nhà chơi với con nhưng mẹ phải vào rừng kiếm tiền mua sữa, mua gạo cho con rồi mẹ bảo tối mẹ về ôm con ngủ, kể chuyện cho con nghe mà. Mẹ về đây rồi mà hai con đâu, tỉnh dậy đi con".

Sáng sớm ngày 10-8, Giang và Vy cũng vừa từ quê ngoại về H. Kbang sau những ngày nghỉ hè tại nhà ông bà ngoại. Đón hai đứa con gái về nhà, cả hai vợ chồng chỉ kịp dặn con ở nhà trông em, thu dọn nhà cửa, hai vợ chồng lại tất bật vào rừng tìm măng về bán kiếm từng đồng tiền lo miếng cơm, tấm áo cho những đứa nhỏ. Lấy nhau từ năm 2006, vợ chồng anh Hoan chị Ánh có tới 5 đứa con, cháu gái lớn nhất năm nay chuẩn bị bước vào lớp 8, còn lại các cháu sau cứ sát tuổi nhau. Cuộc sống đã khó khăn, đông con nên hai vợ chồng phải xoay xở đủ nghề mới có đủ miếng ăn cho cả gia đình. Bên nội, ngoại ai cũng khó khăn, không giúp được gì nhiều, hai vợ chồng đành thuê nhà ra ở riêng rồi nhịn ăn, nhịn mặc vừa nuôi con vừa tích cóp. Năm 2018, vợ chồng vay mượn khắp nơi được 160 triệu đồng mua 1 căn nhà nhỏ nằm sâu tron con ngõ ở thôn 5 (xã Đông). Cũng từ đó, vừa nuôi 7 miệng ăn, hai vợ chồng phải "đầu tắt, mặt tối" làm đủ thứ nghề đề trả thêm khoản tiền đã vay mượn.

"Mất rồi cũng không có áo quần mới để thay"

Cả vợ chồng từ đi làm thuê kiếm từng đồng qua ngày còn lại chủ yếu sống vào nghề thu, hái lâm sản phụ để trang trải cuộc sống. Từ lấy măng đến đánh đu cả tính mạnh trên những ngọn cây cao hàng chục mét để lấy mật ong, quả xoay, trám về bán kiếm tiền, nghề nào vợ chồng cũng trải qua. Thế nhưng, nguồn thu cũng chỉ đủ trả lãi và bữa cơm đạm bạc bởi gia đình anh không có ruộng, vườn. Bữa cơm nhiều lúc thiếu trước, hụt sau. Hàng xóm thương tình trước cảnh vợ chồng chịu khó nuôi đàn con nheo nhóc thường cho gia đình anh vay gạo ăn qua ngày.

Dù thương con, năm 2019, hai vợ chồng vẫn cắn răng khi quyết định để cô con gái lớn khi cháu mới 13 tuổi ở nhà lo cho 4 em nhỏ rồi khăn gói vào TP Hồ Chí Minh làm thuê hy vọng kiếm thêm nguồn thu nhập. Thế nhưng, vì dịch bệnh, hai vợ chồng phải trở về quê tiếp tục bám trụ với nghề rừng để có tiền trang trải cuộc sống. Ngay cả bà nội hai em là bà Nguyễn Thị Hòa (1964) dù lớn tuổi, sức yếu nhưng nghĩ đến các cháu cũng vào TP Hồ Chí Minh đi làm thuê để đỡ đần cho các con, các cháu. "Năm đứa nhỏ đã thiếu thốn từ khi mới sinh ra, đứa nào cũng gầy guộc, còi cọc hơn đám bạn vì không đủ ăn. Hàng ngày, các cháu phải đi mò cua, bắt ốc để phụ giúp bố, mẹ cải thiện bữa ăn... Ngay cả khi hai đứa mất cũng không có áo quần mới để thay, hàng xóm tìm khắp nơi cũng không có gạo để nấu cho hai cháu bát cơm, quả trứng mà có hàng xóm lo giúp cho. Tôi già yếu bệnh tật rồi, nhìn đàn cháu thương quặn ruột nhưng không biết làm sao cả", bà Hòa nước mắt cứ chảy xuống trên gương mặt đầy vết chân chim kể.

Chủ tịch UBND xã Đông, ông Nguyễn Đăng Chung chia sẻ: Gia đình vợ chồng anh Hoan là hộ thuộc diện cận nghèo của xã. Hai vợ chồng chịu thương, chịu khó nhưng không có đất sản xuất mà phải vay mượn tiền để mua nhà nên vẫn không thoát được cái nghèo. Hai năm trước, cô con gái đầu của 2 vợ chồng tính nghỉ học ở nhà chăm các em, phụ giúp bố mẹ nhưng UBND xã cùng nhà trường động viên, ủng hộ cho cháu đi học tiếp đến nay. Sau khi nhận tin hai cháu nhỏ đuối nước, cùng với bà con hàng xóm, chính quyền địa phương đã chung tay lo hậu sự cho hai cháu. Biết hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của hai cháu nhỏ, nhiều nhà hảo tâm cũng như các cán bộ, công chức và các cơ quan, đoàn thể của xã, huyện... đã đến thăm viếng và ủng hộ.

Hiện, gia đình anh Hoan đang rơi vào cảnh khốn cùng và cần lắm những vòng tay nhân ái giúp đỡ để gượng dậy sau nỗi đau thương quá lớn. Mọi sự giúp đỡ cho gia đình anh Hoan xin liên hệ anh Hoan theo số điện thoại: 034.732.0574; hoặc ủng hộ trực tiếp vào số tài khoản 5008.205.141.338 tên Nguyễn Thị Ngọc Ánh tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh H. Kbang.

M.T