Xử lý dứt điểm nạn khai thác vàng trái phép tại xã Hòa Bắc

Thứ sáu, 03/10/2014 10:29

(Cadn.com.vn) - Gần đây, người dân ở các địa phương trong và ngoài TP Đà Nẵng kéo nhau vào khu vực Tiểu khu 27, 29 và mỏ vàng Khe Đương (xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) để khai thác vàng trái phép khiến tình hình ANTT, môi sinh môi trường nơi đây hết sức phức tạp. Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo CATP chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan lập kế hoạch xử lý dứt điểm, không để tái diễn tình trạng nói trên. Câu hỏi đặt ra là liệu có giải quyết dứt điểm được hay không sẽ được Đại tá Nguyễn Văn Chính - Phó Giám đốc CATP, người được giao trọng trách “tổng chỉ huy” lực lượng truy quét trả lời trong cuộc phỏng vấn với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng sau đây.

Đại tá Nguyễn Văn Chính - Phó Giám đốc CATP.

 P.V: Đồng chí có thể cho biết khái quát về tình hình khai thác vàng trái phép diễn ra tại khu vực Tiểu khu 27, 29 và mỏ vàng Khe Đương hiện nay?

 Đại tá Nguyễn Văn Chính: Khoảng 10 năm trước, một số người dân phát hiện vàng ở khu vực Khe Đương, xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang. Thông tin lan truyền nhanh chóng, khiến cho nhiều người kéo về khai thác, làm cho tình hình ANTT ở đây hết sức phức tạp. Để đảm bảo ANTT và ngăn chặn thất thoát nguồn tài nguyên, năm 2009, UBND TP Đà Nẵng cấp phép cho Cty Trường Sơn (có chi nhánh tại Đà Nẵng) vào Khe Đương khai thác. Sau đó, nạn khai thác vàng trái phép giảm đi, thỉnh thoảng chỉ có một vài nhóm “ăn theo” không đáng kể.

Cty Trường Sơn hoạt động đến cuối năm 2013, khi giấy phép hết hiệu lực, UBND TP Đà Nẵng không cho gia hạn mà yêu cầu Cty này rút lui, muộn nhất là ngày 30-4-2014. Lợi dụng lúc Cty Trường Sơn tạm ngưng hoạt động, người dân, mà đa phần là người thuộc các xã lân cận kéo vào Khe Đương, Tiểu khu 27 và 29 xã Hòa Bắc tìm “vận may”. Một số lán trại được dựng lên, máy móc, phương tiện được tập kết về đây để khai thác vàng trái phép, khiến tình hình rất khó kiểm soát...

 P.V: Trước tình hình trên, ngày 19-9, Chủ tịch UBND thành phố có Công văn chỉ đạo CATP chủ trì phối hợp với BCHQS, Sở TN-MT, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang… khẩn trương huy động lực lượng tổ chức truy quét, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị, tổ chức khai thác vàng trái phép; đồng thời kiểm tra, chốt chặn 24/24 giờ tại các ngả đường vào Khe Đương và Tiểu khu 27, 29. Là người được giao nhiệm vụ chỉ huy “chiến dịch”, đồng chí có thể cho biết kế hoạch triển khai công tác này như thế nào?

 Đại tá Nguyễn Văn Chính: CATP Đà Nẵng được giao làm đầu mối chủ trì phối hợp với BCHQS TP, Sở TN-MT, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, UBND H. Hòa Vang, Hạt KL Hòa Vang và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ này.

Theo quan điểm của Giám đốc CATP, công tác lập lại trật tự, ổn định tình hình tại các địa điểm khai thác vàng trái phép nêu trên sẽ được triển khai theo 3 bước. Trước hết là để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, cụ thể là những người đang tham gia khai thác vàng trái phép, nhất là trong mùa mưa sắp tới; bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá cho đất nước, đồng thời ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, môi sinh tại các khu vực xảy ra khai thác vàng trái phép, đầu tiên chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền để người dân hiểu quy định của Nhà nước, chủ trương của UBND thành phố; biện pháp, hình thức xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân trên địa bàn trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, không tham gia khai thác hoặc tiếp tay cho các đối tượng khai thác vàng trái phép… Đây là việc làm công khai, với mục đích là để người dân chủ động đưa các máy móc, phương tiện ra khỏi bãi vàng, trở về địa phương làm ăn.

Thứ nữa, nếu người dân vẫn cố tình khai thác, chúng tôi sẽ huy động lực lượng truy quét, đẩy đuổi nhằm lập lại ANTT, đồng thờixử lý nghiêm theo quy định các đối tượng là đơn vị, tổ chức, cá nhân khai thác vàng trái phép tại khu vực.

Sau khi tổ chức truy quét, xử lý người, phương tiện vi phạm, tình hình khai thác vàng trái phép cơ bản được giải quyết; chúng tôi sẽ cắt cử các lực lượng thường trực kiểm tra, chốt chặn 24/24 giờ, ngăn chặn triệt để nạn khai thác vàng trái phép diễn ra tại các khu vực này.

Hầm khai thác vàng trái phép tại Khe Đương được chằng chống sơ sài
nên nguy cơ sập hầm rất cao.

 P.V: Có một thực tế là đã nhiều lần các cơ quan chức năng tổ chức truy quét, đẩy đuổi ráo riết, tuy nhiên chỉ tạm lắng một thời gian, khi họ rút đi thì “đâu lại vào đấy”. Lần này liệu có để lặp lại câu chuyện tương tự hay không, thưa đồng chí?

 Đại tá Nguyễn Văn Chính: Theo báo cáo của CAH Hòa Vang, hiện tình hình Khe Đương vẫn còn phức tạp. Nếu tình trạng này kéo dài thì rất khó kiểm soát, bởi các đối tượng người địa phương khác đến sẽ xảy ra tình trạng tranh giành lãnh địa, cướp giật, ma túy, mại dâm… như một số điểm khai thác vàng trái phép thường gặp. Nguy hiểm hơn, tại Khe Đương hiện có rất nhiều hầm lớn của Cty Trường Sơn để lại, đây là những “cái bẫy”.

Khi người dân vào đó khai thác, nếu trời mưa, đất nhão gây sập hầm thì hậu quả khó lường… Để ngăn chặn triệt để vấn nạn trên, theo kế hoạch của Giám đốc CATP, sau khi truy quét, đẩy đuổi, chúng tôi sẽ phân công lực lượng chốt chặn, TTKS 24/24 giờ, và tùy tình hình thực tế sẽ duy trì lực lượng chốt chặn này. Quan điểm là đến khi nào thật sự lắng xuống, các địa điểm như Tiểu khu 27, 29 và Khe Đương trở lại bình yên thì lực lượng mới rút về.

 P.V: Đồng chí có khuyến cáo gì đối với người dân, đặc biệt là những người đã và đang có ý định hoặc tham gia vào “đội quân” khai thác vàng trái phép hiện nay?

 Đại tá Nguyễn Văn Chính: Tài nguyên khoáng sản là của toàn dân. Người dân vừa có quyền giám sát, vừa có nghĩa vụ phải bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản ấy. Việc một số đơn vị, cá nhân tổ chức khai thác vàng trái phép thời gian qua tại xã Hòa Bắc là vi phạm pháp luật. Vì vậy mà Chủ tịch UBND thành phố đã có chỉ đạo lập lại trật tự tại các khu vực này. Đây là chuyện đại sự, và người dân phải có trách nhiệm hỗ trợ cùng với các lực lượng chức năng của thành phố để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá đang ngày càng cạn kiệt. Để làm tốt công tác này, chúng tôi yêu cầu người dân phải chấp hành nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của thành phố.

Cụ thể là nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ công dân trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường; không tự ý tổ chức thăm dò, khai thác vàng trái phép hoặc tiếp tay, làm thuê cho các tổ chức, cá nhân khai thác vàng trái phép trên địa bàn. Đồng thời thông báo, kêu gọi người thân, bạn bè, bà con hàng xóm đang khai thác vàng trái phép từ bỏ hành vi vi phạm, trở về địa phương làm ăn, sinh sống theo đúng quy định của pháp luật; tích cực phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, báo cáo các trường hợp khai thác vàng trái phép để ngăn chặn, xử lý.

Các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 142 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Cụ thể là tại Điểm đ, khoản 3 Điều 37 quy định: “Phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với hành vi khai thác vàng, đá quý mà không có giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định”.

 P.V: Cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Doãn Hùng
(thực hiện)