Xử lý rác thải sinh hoạt tại Quảng Nam: Vỡ quy hoạch vì quá tải

Thứ sáu, 20/04/2018 16:00

Trong quy hoạch hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn, Quảng Nam xác định đến năm 2020 sẽ hạn chế tối đa lượng chất thải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Quảng Nam phấn đấu đến năm 2020 thu gom và xử lý 100% tổng lượng CTRSH tại các đô thị, 90% tại các điểm dân cư nông thôn, trong đó có 70% được tái sử dụng, tái chế. Tuy nhiên, với thực trạng quản lý CTRSH cũng như các giải pháp xử lý như hiện nay thì xem ra Quảng Nam khó đạt được mục tiêu đề ra.

Công tác thu gom rác tại Hội An thực hiện tốt nhưng khả năng xử lý rác không đảm bảo.

Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2017, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên toàn tỉnh hơn 1.120 tấn/ngày, trong khi đó tổng lượng CTRSH thu gom, xử lý khoảng 610 tấn/ngày. Việc thu gom, vận chuyển rác thải tại các huyện, thị, thành phố vùng đồng bằng và trung du hiện chỉ có Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Quảng Nam (Cty MTĐT) và Công ty Cổ phân Công trình Công cộng Hội An (Cty CCCC) đóng vai trò chủ đạo. Còn các huyện miền núi, giao thông cách trở thì do địa phương vận động thu gom, xử lý tại chỗ. Công tác xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay chủ yếu bằng cách chôn lấp hợp vệ sinh, xử lý bằng lò đốt và xử lý rác thải làm phân hữu cơ. Tuy nhiên cả 3 cách thức xử lý rác mà Quảng Nam áp dụng thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập.

Đối với hình thức chôn lấp, ngoài việc chiếm diện tích đất, quá tải và phát sinh ô nhiễm môi trường thì công tác vận hành tại những bãi chôn lấp chưa đảm bảo, hầu như chỉ đổ đống chứ không có đất phủ (chôn lấp), phun hóa chất khử mùi hoặc đốt để giảm thể tích. Điều đáng nói, 3 bãi chôn lấp có quy mô của tỉnh Quảng Nam gồm: bãi rác Tam Xuân 2, bãi rác Tam Nghĩa tại H. Núi Thành và bãi rác Đại Hiệp tại H. Đại Lộc đang đối mặt với tình trạng quá tải nghiêm trọng vì phải hằng ngày "gồng gánh" lượng rác thải của 10 huyện, thị xã, thành phố vùng đồng bằng, trung du. Trong đó, bãi rác Tam Nghĩa xử lý rác thải của H. Núi Thành, nhưng từ đầu năm 2017 phải gánh thêm một phần lượng rác thải từ TP Hội An chuyển vào xử lý cho đến hết năm 2018. Bãi rác Tam Xuân 2 đảm nhận xử lý rác cho 6 huyện, thành phố và cũng đang nằm gần ngưỡng quá tải, phải tiến hành cải tạo các công trình bảo vệ môi trường. Đối với bãi rác Đại Hiệp (H. Đại Lộc) xử lý rác cho 2 huyện: Đại Lộc, Duy Xuyên và TX Điện Bàn đã quá tải nhưng vẫn phải gia hạn hoạt động đến cuối năm 2018.

Về cách xử lý CTRSH bằng lò đốt được xem là phù hợp, đảm bảo các yếu tố về môi trường, song thực tiễn hoạt động của 2 lò đốt CTRSH đang có tại tỉnh Quảng Nam lại không đạt hiệu quả như mong đợi. Ví dụ, lò đốt RTRSH tại xã Cẩm Hà (TP Hội An) xử lý rác thải cho TP Hội An có công suất thiết kế 96 tấn/ngày nhưng thực tế chỉ đạt khoảng 30 tấn/ngày. Hay như lò đốt rác thải tại xã đảo Tân Hiệp (TP Hội An) có công suất 9 tấn/ngày nhưng rác cháy không triệt để. Do đó, TP Hội An đang xúc tiến đầu tư thay thế 2 lò đốt này để đảm bảo nhu cầu xử lý rác thải và yêu cầu về bảo vệ môi trường của địa phương. Bên cạnh đó, tại địa bàn TP Hội An còn có Nhà máy xử lý rác thải làm phân hữu cơ với công suất thiết kế 55 tấn rác thải/ngày, nhưng thực tế mỗi ngày chỉ xử lý được khoảng 16 tấn rác thải dễ phân hủy. Lượng phân hữu cơ nhà máy này sản xuất được khoảng 4-5 tấn/ngày nhưng không đảm bảo chất lượng để sử dụng, phải đem đi xử lý lại.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Dũng- Phó giám đốc Cty MTĐT, cho hay: Hiện UBND tỉnh Quảng Nam đang tiến hành các thủ tục theo quy định để đầu tư xây dựng 3 bãi rác liên huyện bằng công nghệ lò đốt, gồm: Dự án bãi rác Quế Cường (H. Quế Sơn), bãi rác Đại Nghĩa (H. Đại Lộc) và mở rộng bãi rác Tam Xuân 2. Vấn đề bây giờ là lựa chọn công nghệ lò đốt rác thải phù hợp, đảm bảo các tiêu chí về môi trường, bên cạnh đó nguồn ngân sách đầu tư cho 3 dự án này tương đối lớn nên cũng có những khó khăn nhất định.

Được biết, dự án bãi rác Quế Cường có từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai xây dựng vì vướng một số vấn đề về giải tỏa đền bù và phản ứng của người dân địa phương. Theo ông Dũng, dự án bãi rác Quế Cường được giao cho Cty MTĐT làm chủ đầu tư với quy mô 15ha, xử lý rác bằng hình thức lò đốt, tổng vốn đầu tư 43 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh đầu tư 20 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng, thi công hạ tầng, nhà xưởng), doanh nghiệp đầu tư 23 tỷ đồng mua sắm, lắp đặt lò đốt. Dự kiến tháng 6-2018 sẽ triển khai xây dựng hạ tầng, lắp đặt lò đốt và thời gian thi công khoảng 18 tháng. Đối với dự án bãi rác Đại Nghĩa, ông Dũng cho biết, bãi rác này sẽ thay thế cho bãi rác Đại Hiệp sắp đóng cửa. UBND tỉnh đã có chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó ngân sách tỉnh khoảng 28 tỷ đồng, nhà đầu tư 35 tỷ đồng để đầu tư 2 mô-đun lò đốt. Riêng dự án mở rộng bãi rác Tam Xuân, hiện UBND tỉnh chỉ mới có định hướng sẽ mở rộng lên 10ha với công nghệ lò đốt và công suất xử lý trên 100 tấn rác/ngày mới có thể giải quyết hết lượng rác thải tập kết về đây. Ông Dũng cho biết thêm, đầu tháng 4-2018, Sở TN&MT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các ngành, địa phương và đơn vị có liên quan nhằm bàn giải pháp về quy hoạch quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh cũng như xây dựng đơn giá xử lý rác bằng công nghệ lò đốt để kêu gọi đầu tư.

Thiết nghĩ, với thực trạng quá tải các bãi rác hiện có trên địa bàn, nếu như Quảng Nam không sớm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, nâng cấp 3 bãi rác nói trên thì nguy cơ "vỡ trận" trong quy hoạch, quản lý rác thải tại Quảng Nam là điều khó tránh khỏi.

QUANG PHÚC