Xuất hiện vết nứt trong liên minh quan trọng nhất Trung Đông

Thứ sáu, 23/08/2019 10:43

Các vết nứt bắt đầu xuất hiện giữa Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), liên minh quan trọng nhất khu vực, khi chiến dịch tại Yemen đứng trước bế tắc và những khác biệt về chiến thuật khi đối đầu với hành vi của Iran ở vùng Vịnh. Và điều đó có thể trở thành vấn đề đau đầu đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quan hệ đối tác giữa Saudi Arabia và UAE được cho là thân thiết nhất ở Trung Đông. Vì vậy, khi Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman phát động một chiến dịch quân sự chống lại lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen 4 năm trước, không có gì ngạc nhiên khi UAE sẵn sàng tham gia cuộc tấn công. Hai nước cũng đã đưa ra lệnh cấm vận đối với Qatar cũng như cùng nhau ủng hộ mạnh mẽ các lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Trump đối với Iran. Cả hai đều ủng hộ, cả tài chính và tinh thần, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi... Mối quan hệ cá nhân giữa Thái tử Salman và nhà lãnh đạo UAE, Thái tử Mohammed bin Zayed, cũng vô cùng chặt chẽ.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (phải) cùng Thái tử UAE Mohammed bin Zayed tại Jeddah. Ảnh: CNN

UAE muốn rút khỏi Yemen

Nhưng các vết nứt bắt đầu xuất hiện trong liên minh quan trọng nhất khu vực, khi chiến dịch Yemen đứng trước bế tắc. Mục đích ban đầu của cuộc tấn công Yemen là nhằm làm giảm bớt ảnh hưởng của Iran, nước đã hậu thuẫn lực lượng nổi dậy Houthi tại Yemen. Nhưng chiến dịch hóa ra lại không đi đúng mục đích như vậy. Nó trở thành một vũng lầy và gây ra thảm họa đối với dân thường.

UAE dường như cuối cùng cũng nhận ra rằng, họ không thể thắng trong cuộc chiến cũng như phải hao tốn quá nhiều sức lực để theo đuổi, do đó họ bắt đầu rút lực lượng khỏi Yemen vào tháng 7. Dù sự hiện diện quân sự của UAE ở Yemen là rất khiêm tốn, UAE đã gây ảnh hưởng lớn với các phe phái ở miền nam Yemen, trong khi Saudi Arabia chủ yếu ủng hộ chính phủ của Tổng thống M.Hadi được quốc tế công nhận.

Ông Michael Knights tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, cho biết: “Chỉ có UAE mới có tiềm lực quân sự và các lực lượng đồng minh địa phương có thể đe dọa Houthi”. Việc UAE rút quân khỏi cảng Aden đã mở ra cuộc đối đầu giữa phe ly khai miền Nam- được UAE hậu thuẫn và vũ trang- và tàn dư của chính phủ Yemen được Saudi Arabia hậu thuẫn trong thành phố. Các đồng minh của UAE đã tấn công các cơ sở của chính phủ và kiểm soát phần lớn thành phố, bao gồm cả cảng. Các bộ trưởng Yemen công khai đổ lỗi cho UAE về thành công của phe ly khai.

Tháng trước, một quan chức cấp cao của UAE đã mô tả việc rút quân là kế hoạch “tái bố trí chiến lược” và cho biết UAE đã huấn luyện khoảng 90.000 binh sĩ ở Yemen. “Cam kết của chúng tôi ở Yemen vẫn còn. Chúng tôi là một phần của liên minh. Cuộc thảo luận của chúng tôi về việc tái bố trí hiện đã diễn ra trong hơn một năm”, quan chức này cho biết. Nhưng các nhà phân tích coi động thái của UAE là một tín hiệu gửi đến Thái tử Saudi Arabia: đã đến lúc kết thúc cuộc chiến này. Kristin Diwan thuộc Viện Các quốc gia vùng Vịnh Arab cũng cho rằng, Saudi Arabia hiện đang bị cô lập ở Yemen và “cần một thỏa thuận với Houthi để bảo đảm biên giới của họ ở phía bắc. Việc rút quân của UAE khiến nhiệm vụ này càng cấp bách hơn”.

Trong khi đó, Houthi vẫn kiểm soát thủ đô và phần lớn miền bắc. Hàng tuần, nhóm vẫn dùng tên lửa và máy bay không người lái tấn công các mục tiêu của Saudi Arabia - từ sân bay đến các đường ống dẫn dầu. Saudi Arabia có khoảng 10.000 quân bên trong Yemen, nhưng phần lớn chiến dịch chống Houthi của Riyadh được tiến hành từ trên không, gây ra thương vong dân sự nặng nề. Bên cạnh đó, sự ủng hộ của Mỹ đối với Riyadh cũng không còn như trước. Tháng trước, Tổng thống Trump đã ngăn chặn việc bán vũ khí trị giá 8,1 tỷ USD cho vương quốc này.

Cách tiếp cận khác đối với Iran

Bất chấp các cách tiếp cận khác nhau ở Yemen, liên minh Saudi Arabia -UAE vẫn nguyên vẹn. Tuần trước, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash tuyên bố rằng các mối quan hệ “sẽ tiếp tục mạnh mẽ vì chúng dựa trên nền tảng vững chắc và các giá trị chung”. Ông Gargash  khẳng định, Saudi Arabia và UAE vẫn đoàn kết trong việc chống lại chủ nghĩa bành trướng của Iran: cả hai đều ủng hộ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tehran và quân đội của họ đang phối hợp chặt chẽ.

Nhưng UAE có thể đang áp dụng các chiến thuật khác. Ayham Kamal, nhà nghiên cứu tại Eurasia Group cho rằng, trọng tâm của động thái này là tránh leo thang ở vùng Vịnh. Vào đầu tháng này, một phái đoàn của Tiểu vương quốc đã đến Tehran để thảo luận về an ninh hàng hải. Hai bên đã ký kết những gì người Iran gọi là “bản ghi nhớ” để tăng cường hợp tác trên biển. Sau vụ 4 tàu chở dầu bị tấn công ngoài khơi Fujairah hồi tháng 5, UAE đã cẩn thận không đổ lỗi trực tiếp cho Iran về vụ tấn công.

Một số nhà quan sát cũng phát hiện sự cảnh giác ngày càng tăng của UAE trước chính quyền Tổng thống Trump. Nền kinh tế của UAE - đặc biệt là Dubai - sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu xảy ra xung đột ở vùng Vịnh. Trong khi Saudi Arabia có thể xuất khẩu dầu và khí đốt đến bờ Biển Đỏ, nền kinh tế đa dạng của UAE dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc từ bên ngoài. Joe Macaron, một đồng nghiệp tại Trung tâm Arab ở Washington, tin rằng việc UAE “mở cửa” cho Iran “là một chiến thuật và chủ yếu là thông điệp gửi đến chính quyền Mỹ khi mối quan hệ của họ gần đây đã trở nên chua chát trong một số vấn đề, bao gồm cả mối quan hệ của Mỹ với Qatar”.

Ông Kamal thì cho rằng, các tín hiệu hỗn hợp của tổng thống Trump trong việc đối đầu với các hành động của Iran ở vùng Vịnh “khiến các đồng minh ở vùng Vịnh phải một mình đối mặt với các nỗ lực trả đũa của Tehran” chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều đó buộc họ phải đánh giá lại mối quan hệ với Washington. Về lâu dài, các quốc gia vùng Vịnh dự đoán rằng Mỹ sẽ trở thành đối tác kém tin cậy và dần rời khỏi Trung Đông. Và về lâu dài, liên minh Saudi Arabia -UAE có khả năng trở thành trục đối trọng với Iran. Nhưng theo một nhà ngoại giao phương Tây, hiện nay, “đó là một cuộc hôn nhân có vấn đề”.

T.NGỌC