Xuất khẩu gạo đang ở tình trạng “đáng lo ngại”
(Cadn.com.vn) - Xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam liên tiếp sụt giảm trong thời gian khá dài, đặt ra hàng loạt mối lo ngại. Thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2015, XK gạo cả nước đạt hơn 3,8 triệu tấn (ít hơn cùng kỳ năm ngoái 0,4 triệu tấn), đạt 1,64 tỷ USD.
Cạnh tranh gay gắt
Không chỉ giảm về lượng mà giá XK gạo cũng ở mức thấp. Theo Bộ NN&PTNT, giá gạo XK bình quân trong 7 tháng đầu năm đạt 429,07 USD/tấn, giảm 5,33% so với cùng kỳ năm 2014. Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu (NK) gạo lớn nhất của Việt Nam với 35,21% thị phần trong 7 tháng với 1,33 triệu tấn, đạt 524,7 triệu USD.
Tuy nhiên, XK gạo sang thị trường này có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014 (giảm 7,2% về khối lượng và giảm 12,46% về giá trị). Các thị trường có sự giảm đột biến trong 7 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014 là Philippines (giảm 34,34% về khối lượng và giảm 38,58% về giá trị), Singapore (giảm 40,48% về khối lượng và giảm 36,84% về giá trị), và Hồng Kông (giảm 28,45% về khối lượng và giảm 34,49% về giá trị).
Theo một số chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng lo ngại hiện nay của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nguồn cung gạo trên thế giới dồi dào, các nước NK lớn và truyền thống của Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung cấp gạo bên cạnh gạo Việt Nam nhằm tận dụng sự cạnh tranh giữa các nước XK, các nước NK tập trung nghiên cứu, đầu tư sản xuất trong nước. XK gạo của Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt từ những nước XK gạo lớn làm giá XK gạo giảm.
Tại thị trường Thái Lan, lượng gạo tồn kho khá lớn và Thái Lan đang rất muốn bán ra với giá rẻ. Chỉ yếu tố giá đã khiến gạo Việt Nam khó cạnh tranh với gạo Thái Lan ở các thị trường như Châu Phi, Philippines, chứ chưa kể đến yếu tố chất lượng. Ngoài ra, lượng gạo Việt Nam tiếp tục gia tăng nên càng làm thị trường ứ đọng, bị người mua dìm giá.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thị trường XK gạo phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào Trung Quốc. Các thị trường truyền thống, lợi thế trước đây bị đánh mất vào tay các nước XK khác. Trong khi đó, Thái Lan đa dạng hóa thị trường với nhiều sản phẩm chất lượng nên có thế mạnh riêng ở mỗi thị trường từ khó tính như Mỹ, Nhật, Châu Âu, Trung Quốc đến thị trường cấp thấp như Châu Phi.
Tuy nhiên, lý do cố hữu lâu nay khiến gạo Việt lép vế trên thị trường là do chưa có thương hiệu. Thực tế, điểm yếu nhất của gạo Việt Nam là thiếu đồng đều về chất lượng, chủ yếu phân chia theo tỷ lệ tấm, thông dụng 5%, 15%, 25%. Gạo Việt Nam có lợi thế trên thị trường chủ yếu gạo trắng, hạt dài, nhưng không có tên giống. Trong khi đó, thị trường XK gạo của Việt Nam lâu nay chủ yếu tới các nước Nam Á và Đông Nam Á, Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La tinh.
Trong 8 tháng năm 2015, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã giảm 0,4 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa |
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Bộ Công Thương đã có nhiều cuộc họp bàn để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động XK gạo, trong đó đặc biệt chú trọng đến giải pháp xúc tiến thị trường XK trọng điểm như Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Hồng Kông... Với thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức gặp gỡ, làm việc với các cơ quan liên quan tại các địa phương phía Nam Trung Quốc giáp biên giới với các tỉnh phía Bắc của Việt Nam và tổ chức giao thương giữa các DN.
Với thị trường Hồng Kông, hàng năm, nhu cầu tiêu thụ gạo vào thị trường này khoảng 300.000 tấn gồm các loại gạo cao cấp như gạo thơm và gạo Jamine. Trong năm 2014, tổng lượng gạo Việt Nam XK sang thị trường Hồng Kông đạt 126.400 tấn chiếm 39,5% thị phần gạo tại Hồng Kông, đứng thứ hai sau Thái Lan với 154.300 tấn, chiếm 48,2%. Ngoài việc NK để tiêu thụ nội địa, Hồng Kông còn có vai trò là thị trường trung chuyển, tái xuất vào các khu vực lãnh thổ khác như Ma Cao, Trung Quốc, Mỹ và một số nước khác.
Được biết, Bộ Tài chính đã thống nhất với Bộ Công Thương sử dụng 3,69 tỷ đồng từ nguồn kinh phí đã giao năm 2015 để triển khai chương trình xúc tiến thương mại gạo năm 2015. Trong công văn Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù đối với hoạt động xúc tiến thương mại gạo có nêu, DN khi tham gia chương trình xúc tiến sẽ được hỗ trợ 100% theo hình thức thực thanh thực chi các khoản như chi phí vé máy bay, chi phí tổ chức hội thảo và gặp gỡ giao dịch thương mại, chi phí tuyên truyền, quảng bá và mời khách đến giao dịch thương mại tại nước sở tại.
Việc hỗ trợ 100% theo hình thức thực thanh thực chi, đặc biệt trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, sẽ thu hút được nhiều DN quan tâm, tham gia các đoàn công tác tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng (như Hoa Kỳ, Mexico, EU, Châu Phi...) nhằm tận dụng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm khách hàng NK gạo Việt Nam.
Hùng Hiên