Xúc động chương trình cầu truyền hình “Bài ca kết đoàn”

Thứ hai, 02/09/2019 10:28

Tại điểm cầu TT-Huế, chương trình diễn ra ở sân trước cổng Trường Quốc học Huế - nơi Bác Hồ từng theo học. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự tại điểm cầu TT-Huế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự ở điểm cầu TP Hồ Chí Minh, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng dự tại điểm cầu Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự tại điểm cầu Nghệ An.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Trung ương và tỉnh TT-Huế dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chương trình “Bài ca kết đoàn” tại điểm cầu TT-Huế.

Tại điểm cầu TT-Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Trung ương, bộ, ngành, địa phương đã dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi rời quê mẹ cùng gia đình vào Huế sinh sống, Nguyễn Tất Thành là học sinh Trường Tiểu học Pháp Việt Đông Ba. Lúc này, Nguyễn Tất Thành đã tham gia chống thuế. Đến tháng 9-1908, Nguyễn Tất Thành vào học Trường Quốc học. Cũng từ đó, Nguyễn Tất Thành đã tích cực tham gia các phong trào yêu nước, nổi bật là phong trào chống thuế diễn ra tại 9 tỉnh Trung Kỳ, trong đó có Thừa Thiên vào năm 1908. Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào chống thuế với tư cách là người thông ngôn (phiên dịch). Hành động tham gia phong trào chống thuế của Nguyễn Tất Thành không phải là ngẫu nhiên, bột phát, mà đây là hành động có ý thức, được phát triển từ nhận thức đến hành động. Sự thất bại của phong trào chống thuế năm 1908 càng làm cho Người hiểu rõ hơn bản chất tàn bạo của thực dân Pháp, sự khủng hoảng về đường lối cứu nước lúc bấy giờ. Từ đó, càng nung nấu trong tâm hồn, trí tuệ của Người, hối thúc Người lên đường đi tìm chân lý.

Khoảng giữa năm 1909, Nguyễn Tất Thành tạm biệt Huế đi vào miền Nam, kết thúc 10 năm Người cùng gia đình sinh sống, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước tại Huế. Những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Người mang theo trên hành trình huyền thoại ấy có tấm lòng ái quốc, ái dân được xây dựng và bồi đắp từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, nền tảng tri thức vững chắc với vốn tiếng Pháp và vốn hiểu biết về nền văn minh phương Tây nói chung, văn hóa Pháp nói riêng, đặc biệt là khát vọng cháy bỏng tìm con đường giải phóng cho dân tộc.

 Chương trình "Bài ca kết đoàn" tại điểm cầu Trường Quốc học Huế.

Tại điểm cầu Nghệ An, các lãnh đạo đảng và nhà nước đã dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Làng Sen – Nam Đàn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cất tiếng khóc chào đời và trải qua những năm tháng thiếu thời của cha mẹ và quê hương nguồn cội. Sau lũy tre xanh bình yên làng Sen vẫn còn nguyên nếp nhà tranh giản dị cùng với những kỷ vật thân thương nhuốm màu thời gian. Tất cả đã đi vào trái tim của bất kỳ trái tim người Việt Nam. Đó là ngôi làng với những hình ảnh thân yêu, gần gũi đã in sâu vào tiềm thức người Việt. Nơi đây lưu giữ những di tích, di vật gắn liền với quê hương, gia đình, thời niên thiếu và 2 lần Bác về thăm quê.

“Bài ca kết đoàn” là một chương trình giao lưu - văn hóa - nghệ thuật đưa người xem tới nhiều cung bậc cảm xúc. Chương trình “Bài ca kết đoàn” gồm 4 chương: “Đoàn kết để thống nhất đất nước”, “Đoàn kết để phát triển đất nước”, “Trong sạch để giữ khối đại đoàn kết” và “Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc”. Chương trình “Bài ca kết đoàn” nhằm giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và sự nghiệp đổi mới của đất nước, động viên cán bộ và nhân dân tích cực thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

HẢI LAN – DƯƠNG HÓA