Xung quanh câu chuyện sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 có "sạn"

Thứ tư, 14/10/2020 13:56

Trong thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã có phản ánh về việc sách giáo khoa (SGK) môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc mắc rất nhiều lỗi chính tả, như viết sai, viết hoa tùy tiện, cuốn sách cũng mắc khá nhiều lỗi ngữ pháp, diễn đạt lúng túng, tối nghĩa, mơ hồ, cẩu thả; đồng thời đưa vào nội dung những biện pháp tu từ như nhân cách hóa, các phép ẩn dụ, hoán dụ... không phù hợp với vốn từ vựng, sự hiểu biết của trẻ em Việt Nam lứa tuổi lớp 1.

Bộ GD-ĐT đã đề nghị Hội đồng thẩm định SGK rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu; báo cáo của Hội đồng thẩm định gửi về bộ trước ngày 17-10.

Sách Tiếng Việt lớp 1 với ngôn ngữ được cho là ngô nghê.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Tôi chịu trách nhiệm"

Dù qua thẩm định hai vòng nhưng SGK Tiếng Việt lớp 1 chỉ đưa vào trường học một tháng đã làm lộ những "hạt sạn". Câu hỏi được nhiều người đặt làm trò chơi của hội đồng thẩm định ở đâu? Ai chịu trách nhiệm cho vấn đề này?

Sách lớp 1 của năm học 2020-2021 là bộ sách đầu tiên thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM). Theo đó, đây cũng là bộ sách đầu tiên được biên soạn theo phương thức xã hội hóa. Các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sẽ được quyền viết sách, nhưng để sách được đưa vào các nhà trường sẽ phải được hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định. Sau khi thẩm định, hội đồng sẽ trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định phê duyệt. Sách được Bộ trưởng phê duyệt mới đủ điều kiện đưa vào giảng dạy trong các nhà trường. Và Điều 32, Luật Giáo dục quy định: "Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông".

Và tại cuộc họp về việc xử lý các ý kiến về Sách tiếng Việt lớp 1 mới hôm 12-10 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói: "Bản thân tôi chịu trách nhiệm về SGK và chương trình nhưng tôi cũng không phải là người có chuyên môn mà theo quy định thì hội đồng thẩm định giúp cho Bộ trưởng, tôi chỉ đạo nghiêm túc theo đúng quy định. Đến nay thì đã thực hiện theo đúng quy trình đó".

Mở rộng các kênh giúp "nhặt sạn" sách giáo khoa

"Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng các kênh để giáo viên và nhân dân tham gia góp ý, phản biện ngay từ khi nhóm tác giả, nhà xuất bản đề xuất bản thảo SGK. Nhiều người góp ý là để hạn chế lỗi nhỏ nhất, "những hạt sạn" xuất hiện trong sách", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói tại cuộc họp.

Trong khi đó, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, căn cứ kết quả thẩm định, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phê duyệt 5 bộ sách lớp 1 để các trường lựa chọn, sau đó triển khai tập huấn cho giáo viên để triển khai các hoạt động dạy học theo quy định."Đây là lần đầu tiên các giáo viên phổ thông được huy động tham gia thẩm định SGK, chiếm 30% số thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; làm thay đổi căn bản quan điểm dạy học và sử dụng tài liệu dạy học của giáo viên. Tuy nhiên, Bộ cũng đã lường trước những sai sót, bởi trước đây đã có nhiều cuốn sách vẫn còn lọt "sạn" dù đã được tái bản nhiều lần", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.

Tại cuộc họp, thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội đề nghị Bộ làm tốt công tác tập huấn cho giáo viên để giáo viên có thể hướng dẫn lại cho phụ huynh. Từ việc hiểu và sử dụng đúng cách, các ý kiến trao đổi, góp ý hiệu quả, chính xác để hoàn thiện bộ sách trong những lần tái bản tiếp theo.  Bên cạnh đó, thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm cho rằng để sử dụng bộ SGK mới có hiệu quả, thiết thực cần giải thích cặn kẽ, thuyết phục người sử dụng là giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. "Dưới góc độ tâm lý, các giáo viên đã tham gia chương trình tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phần lớn hoan nghênh và thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy. Nhưng các phụ huynh - những người dạy con học ở nhà, không được hướng dẫn nên chắc chắn sẽ tỏ ra lúng túng và có ý kiến khác nhau", thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm nêu rõ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hoan nghênh, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện bộ sách giáo khoa lớp 1, cho biết sẽ sớm chỉ đạo các đơn vị chức năng, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa rà soát, giải trình, tiếp thu để hoàn thiện.  Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng sách, Bộ cũng chú trọng công tác tập huấn giáo viên để hướng dẫn phụ huynh, đồng hành trong việc triển khai chương trình SGK mới; đẩy mạnh biên soạn bài giảng điện tử để lựa chọn bài giảng chất lượng, hiệu quả.

T.H