Xuyên đêm chở mẹ con sản phụ về quê: Xin để nghĩa tình lên tiếng!
Sau khi PV Hoàng Quân của Báo Công an TPHCM lái xe xuyên đêm chở sản phụ, trẻ sơ sinh 10 ngày tuổi từ Đà Nẵng về quê huyện miền núi, biên giới Nghệ An, nhiều báo và mạng xã hội khen ngợi nghĩa cử cao đẹp...
Tôi hoàn thành chuyến xe nghĩa tình lúc 1 giờ 30 sáng. Thở phào nhẹ nhõm rồi băn khoăn. Tôi luôn dứt khoát suốt dọc đường đi mỗi lần khai báo y tế ở các chốt, nhưng lần này đắn đo. Đã đi gần 500km, chỉ thêm 100km nữa là đến nhà mình – nơi sinh ra, lớn lên; để thăm mẹ và các em, để tôi lên mộ thắp hương cho bố (đã mất 9 năm).
2 năm dịch bệnh phức tạp, tôi không thể về quê. Nhưng nghĩ giờ mà về chưa hẳn được vào nhà, sẽ cách ly tập trung có thể lâu dài... Cuối cùng, tôi đành ngủ lại trên xe, nghỉ trước lúc về lại Đà Nẵng, chờ ngày hết dịch bệnh thì đưa vợ con cùng về thăm quê.
Những hình ảnh xúc động bên đường
Quá trưa 26-9, đồng nghiệp nói có đoàn 30 – 40 người dân tộc thiểu số đi xe máy từ Bình Phước về quê Nghệ An (đi qua Quảng Nam, Đà Nẵng), trong đó có sản phụ và đứa trẻ sơ sinh mới 10 ngày tuổi. Tôi lên đường để tác nghiệp và xem có cách gì hỗ trợ, kết nối đi đường. Bên đường QL1B (đoạn thuộc xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), có 6 xe máy cà tàng, xe nào cũng chất đầy đồ đạc, hành lý và gần chục người dừng lại nghỉ.
Người mẹ trẻ Xồng Y Rê (19 tuổi; ngụ thôn Huồi Ức, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) hồn nhiên cho con bú. Nhóm tình nguyện trẻ Đà Nẵng hỏi thăm, tặng mỗi gia đình 1 triệu đồng cùng nước, nhu yếu phẩm để mọi người có thêm nguồn lực để đi đường và liên hệ xe để chở mẹ con sản phụ về quê.
Đây là việc làm đã được nhiều tấm lòng thơm thảo của các đơn vị, cá nhân, lực lượng chức năng tại Đà Nẵng thực hiện nhiều lần dành cho những người đi bộ, xe đạp, xe máy từ miền Nam, Tây Nguyên về quê trong mấy tháng dịch bệnh căng thẳng.
Anh Khương (Nhóm tình nguyện trẻ Đà Nẵng) viết trên Facebook: “Chắc xúc động gặp chúng tôi, mẹ bé cứ khóc suốt. Nhìn những cặp mắt đỏ lòm do chạy xe máy suốt 3 ngày qua của những người đồng bào, ai cũng xót xa. Gọi xe cấp cứu hỏi chi phí 10 triệu đồng, bác tài yêu cầu phải có giấy xét nghiệm PCR chứ lỡ đi qua các tỉnh không cho qua. Xét nghiêm PCR thì 6 tiếng sau mới có kết quả.
Nhóm đang tính phải giải quyết phương tiện thế nào thì gặp anh Hoàng Quân (phóng viên Báo Công an TPHCM) đến và nói để anh đưa họ về cho vì anh đã tiêm 2 mũi vacxin rồi và có giấy đi đường. Tôi cũng không tin anh Quân nhận giúp vì anh ấy chỉ lên thăm, động viên họ như chúng tôi, chứ đâu có chuẩn bị để đi một chuyến xe dài về đến vùng núi Kỳ Sơn, Nghệ An”.
Tôi nghĩ đến tình thế cấp bách, ngặt nghèo, thấy sản phụ khóc liên tục, đứa trẻ vẫn còn đỏ hỏn sẽ gặp nhiều khó khăn, hiểm nguy nếu tiếp tục di chuyển xe máy thêm hơn 800km nữa. Nghĩ đến các con nhỏ của mình dù cha mẹ khó khăn nhưng cũng cố gắng chăm sóc con một cách an toàn nhất nhưng cũng còn có lúc ốm đau; huống chi đây là một đứa trẻ mới chào đời phải theo bố mẹ đi xe máy về quê quãng đường hơn 1.500km.
Tìm hiểu nhanh một lượt, thấy bà con có xét nghiệm nhanh âm tính, đã được tiêm vacxin 1 mũi và nghĩ họ cũng an toàn mới có thể di chuyển từ huyện Bù Đăng (Bình Phước) về sau khi đã qua được các chốt phòng chống dịch dọc đường.
Tôi không suy nghĩ nhiều về quãng đường phía trước, việc mình làm có ý nghĩa gì, kết quả ra sao, nếu không quyết nhanh, gia đình tiếp tục đi xe máy, lỡ có chuyện chẳng lành, mình cũng thấy ăn năn.
Chiếc ô tô hiệu Fadil cỡ nhỏ cũng đủ chỗ rộng cho mẹ con sản phụ và vợ chồng anh Lầu Bá Giờ (31 tuổi; quê xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn) – người thân của sản phụ cùng đồ đạc của 2 gia đình. Thấy vậy, Nhóm tình nguyện trẻ Đà Nẵng hỗ trợ chi phí đi đường, liên lạc đến Nghệ An và những người quen để hỗ trợ chúng tôi dọc đường.
Động lực và tình người
Chúng tôi đi một mạch hơn 200km theo QL14B rẽ vào QL1A qua Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị. Ở các chốt kiểm soát y tế khi vào các địa phương, chúng tôi (đều đeo khẩu trang), dừng, xuống xe để khai báo y tế, cam kết không ghé, tiếp xúc dọc đường. Khi đến huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), xe dừng để khai báo y tế, nhận hỗ trợ của anh chị em thiện nguyện ở Quảng Bình. Chạy thêm gần 100 cây số nữa, xe dừng bên đường, nhóm ngồi bệt nghỉ, ăn cơm.
Trời mưa to, đêm tối phải căng mắt chạy xe. Tôi luôn bắt chuyện với bà con để thêm động lực lái xe. Đồng bào Mông lần thứ 2 đi ô tô nên say xe và vốn đã mệt vì đi xe máy 3 ngày liên tục… càng mệt mỏi, không muốn ăn cơm. Họ thật thà, háo hức muốn sớm về quê nên luôn hối thúc tôi cố gắng đi nhanh. Sản phụ nức nở, lo lắng khi nghe được cách ly tập trung ở TP.Vinh (Nghệ An).
Tôi động viên, thậm chí dọa nạt, hứa sẽ giúp đưa đến quê nên sản phụ và người thân cũng bớt buồn, ăn uống ngon lành.
Anh Lầu Bá Giờ nói được tiếng Kinh. Giờ kể, tháng 4-2021, anh và hàng trăm người ở huyện đi xe khách, vào Bình Phước làm công nhân cao su. Mỗi người thu nhập mỗi tháng 6 - 7 triệu đồng. Làm được 2 tháng thì xảy ra đại dịch phức tạp ở TPHCM, Bình Dương rồi lan đến giáp ranh Bình Phước.
Mấy tháng nay, ở trong các lán trại, rừng cao su, tiền dành dụm cũng đã ăn tiêu sạch. Phần lo sợ dịch bệnh tiếp tục lan rộng, bà con đành chạy dịch, về quê. “Về quê mới mong sống được chứ ở lại sẽ ra sao? Đường xa, khó khăn thế nào thì bọn mình vẫn phải đi. Về được đến quê, cách ly tập trung xong thì kiếm việc, làm ăn”, anh Giờ quả quyết.
Giờ ngồi ghế phụ, tôi nhắc Giờ nhìn đường. Giờ nói chắc nịch: “Em không ngủ đâu. Cán bộ yên tâm! 3 ngày đi xe máy, em có ngủ đâu”! Khoảng 5 phút sau, tôi liếc sang thấy Giờ mắt nhắm, ngáy khò khò, gần 2 tiếng sau Giờ mới dậy.
Mưa to. Đêm khuya. Đường xa. Thấy mẹ con sản phụ an toàn trong xe, người mẹ 19 tuổi không phải đứng bên đường cho con bú sữa và thi thoảng nghe tiếng em bé khóc, tôi mừng, cố gắng hơn. Cứ đi, mệt nghỉ, được đến đâu hay đến đó, mẹ con sản phụ và người thân an toàn được đoạn nào hay đoạn đó.
Đến Hà Tĩnh, không khí trong xe rộn ràng khi những cuộc điện thoại liên tục của anh chị em báo chí các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Nghệ An thông tin về lịch trình từ Vinh đến các xã (quê của bà con) dài 360km, trời mưa, ngập nước, dễ sạt lở nên chỉ phải dùng xe trung chuyển từ Vinh đến Kỳ Sơn.
Ông Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cùng cán bộ huyện vượt hơn 300km về Vinh để đón 128 người Mông từ Bình Phước về quê và bố trí thêm một xe cấp cứu đón mẹ con sản phụ và người thân để đưa về cách ly tập trung. Tôi vẫn tỉnh táo và càng có thêm động lực để lái xe.
Cái kết nghĩa tình
Lúc 0 giờ 50 sáng 27-9, đi được 480km, chúng tôi qua khỏi cầu Bến Thủy 2 (TP.Vinh), ngay chốt là vị trí để giao, đón người. Anh Lê Hồng Lập - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Sơn chờ sẵn. Anh Tập trao quà hỗ trợ của huyện đến 2 gia đình. Sau các thủ tục về y tế, chị Xồng Y Rê, con trai Và Tiểu Bảo (11 ngày tuổi) và người thân lên xe y tế, đi thêm 360 km đường rừng, mưa lũ… để về cách ly tập trung tại Trạm xá Chiêu Liêu, huyện Kỳ Sơn. Mọi người nói lời cảm ơn.
Chiều 28-9, bà con người Mông cách ly đã có kết quả xét nghiệm nhanh (2 lần) âm tính, xét nghiệm PCR lần 1 cũng âm tính. Rạng sáng 29-9, test nhanh ở chốt tại Quảng Trị, tôi cũng âm tính, thấy cũng an tâm, tự tin hơn. Bà con nói cảm ơn chính quyền, những người thiện nguyện và tôi.
Chị Xồng Y Rê nói, cách ly xong về nhà sẽ làm lễ vía đặt tên chính thức cho con. Theo phong tục người Mông, sinh xong 3 ngày, trẻ sẽ được đặt tên, làm lễ lớn mời dân làng chứng kiến, hưởng lộc. Lúc sinh con Bình Phước, không làm lễ vía được nên mới đặt tạm tên con là Và Tiểu Bảo. Hy vọng lớn lên, Và Tiểu Bảo khỏe mạnh, chăm học nên người, lo cho bản thân, gia đình, giúp ích cho xã hội và không cần đến sự hỗ trợ của mọi người như đã xảy ra.
Việc tôi làm, không phải cứu người hay to tát gì. Tôi chỉ là nhóm que diêm vào đống củi ai đó đã gom để cho ấm căn phòng, bên ngoài mưa rét, gió rít. Tôi chỉ khơi dậy tấm lòng tốt sẵn có của nhiều người.
Giữa giông lốc cuộc đời, có lúc tôi chọn dứt khoát, 'vượt rào' trong sự chấp nhận được và trái tim mách bảo. Miễn đừng gây tổn hại, hậu quả đến người khác và xã hội. Tôi không cổ xúy việc mình làm và không mong để nổi tiếng, được biểu dương. Tôi chỉ là người thật, việc thật, có chút cảm tính trước tình cảnh éo le ấy. Tôi vẫn là công dân bình thường, luôn cố gắng để đừng phiền hà, hệ lụy đến người khác và xã hội; vẫn là người làm báo cần mẫn và luôn chấp hành các quy định pháp luật, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban biên tập, cơ quan mình.
Đêm qua điện thoại, Và Bá Tồng nói: “Cả nhà em đoàn tụ, an toàn rồi. Ăn ở, thuốc, sữa… có cán bộ lo. Xin biết ơn. Em áy náy lắm. Đi vội vàng, không kịp nói cảm ơn anh”.
Xin kết thúc bài viết bằng thư của ông Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn: “Thay mặt những người con xa xứ của quê hương Kỳ Sơn, thay mặt nhân dân huyện nhà, tôi xin dành tấm chân tình và lời biết ơn sâu sắc đến hành động nhân ái của anh Hoàng Quân, nhóm tình nguyện Đà Nẵng, anh chị em báo chí mọi miền từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Nghệ An, những anh chị mạnh thường quân anh Calvin Tran, chị đồng hương của anh Hoàng Quân… và tất cả những tấm chân tình đã dành cho con em của chúng tôi trong hoàn cảnh khó khăn, bôn ba nơi đất khách quê người. Những sự giúp đỡ chân tình đó, chúng tôi, những người dân Kỳ Sơn sẽ luôn luôn ghi nhớ. Xin kính chúc các anh chị luôn dồi dào sức khỏe, may mắn và thành công”.