Y tế Đà Nẵng từng bước chuyển đổi số
Đà Nẵng hiện có 24 đơn vị trực thuộc Sở Y tế, 4 bệnh viện ngành đóng trên địa bàn, 7 bệnh viện tư nhân, 21 phòng khám đa khoa tư nhân và hơn 1.900 phòng khám, quầy thuốc, nhà thuốc.... Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại các đơn vị đang dần kết nối các dữ liệu y tế, hình thành nền tảng hạ tầng y tế số. Đến nay, 100% văn bản đến và đi đều được ngành thực hiện trên môi trường mạng, 100% cung cấp dịch vụ công đạt mức độ 4, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh có hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện HIS và một số đơn vị triển khai hệ thống LIS, PACS, 100% Trạm Y tế sử dụng phần mềm quản lý thống nhất, 100% nhà thuốc đã kết nối liên thông với hệ thống “Cơ sở dữ liệu dược Quốc gia”...
Trong đó, Trung tâm Y tế Quận Sơn Trà đã thực hiện đăng ký Chứng thư cho 7 Trạm Y tế trực thuộc, đảm bảo cơ sở hạ tầng CNTT tại các Trạm để bước đầu tiến hành liên thông dữ liệu Giấy chứng sinh, Giấy báo tử theo quy định. Đơn vị này cũng đã thực hiện tốt việc liên thông dữ liệu theo Đề án 06, đảm bảo kịp thời, đầy đủ và chính xác. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế Q.Sơn Trà thường xuyên, liên tục sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trong việc đăng ký khám, chữa bệnh BHYT của người dân...
Qua bà Trần Thanh Thủy - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng, được biết, ngành Y tế TP đã đặt ra tầm nhìn của chuyển đổi số tới năm 2030 là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính: phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Mục đích của chuyển đổi số là nhà quản lý điều hành hệ thống hiệu quả, cán bộ y tế được nâng cao trình độ chuyên môn, quản trị công việc hiệu quả, người dân được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế thuận lợi và có chất lượng.
Cũng theo bà Trần Thanh Thủy, trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo UBND TP, được sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, các đơn vị y tế trên địa bàn TP đã từng bước triển khai thành công các ứng dụng như: Ứng dụng khám chữa bệnh tại Trạm Y tế, Lập hồ sơ sức khỏe công dân, Triển khai phần mềm trong quản lý bệnh viện, hệ thống tiêm chủng quốc gia ..., đặc biệt các ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch COVID-19 rất hiệu quả giai đoạn vừa qua như khai báo y tế, truy vết F0, F1, trả kết quả xét nghiệm, quản lý F0 tại nhà, liên thông xác nhận nghỉ ốm hưởng BHXH cho F0, quản lý tiêm chủng vaccin COVID-19, khám chữa bệnh từ xa để quản lý các bệnh không lây nhiễm, hội chẩn giữa các tuyến giữa các cơ sở y tế…
Tuy có nhiều chuyển biến trong công tác chuyển đổi số, đặc biệt trong việc ứng dụng CNTT, nhưng theo bà Trần Thanh Thủy, ngành Y tế vẫn còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số. “Nhận thức và công tác chỉ đạo điều hành về chuyển đổi số chưa đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị, Nguồn nhân lực CNTT tại đơn vị còn nhiều hạn chế, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị CNTT còn gặp khó khăn, một số hạ tầng được đầu tư đến nay xuống cấp, dữ liệu còn rời rạc, chưa kết nối, liên thông, các vướng mắc về cơ chế tài chính trong đầu tư, mua sắm chưa được tháo gỡ, các vấn đề về an toàn, an ninh mạng…”- bà Trần Thanh Thủy nhìn nhận.
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Ngô Văn Đình Hoài - Giám đốc Trung tâm Y tế Q.Sơn Trà cho biết, mặc dù thường xuyên, liên tục sử dụng thẻ CCCD gắn chíp trong việc đăng ký khám, chữa bệnh BHYT của người dân, tuy nhiên, đơn vị chỉ mới thực hiện ngang mức độ sử dụng máy quét đọc QR code CCCD để tra cứu thông tin BHYT của người dân, chưa có thiết bị xác thực CCCD gắn chíp. Hiện tại, tổng số đầu đọc QR code CCCD của đơn vị là 13 máy, trong đó, tại Trung tâm Y tế là 6 máy, 7 Trạm Y tế: 7 máy với 1 đầu đọc QR code /mỗi trạm.
Đơn vị vẫn nhập tay trực tiếp dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe, Giấy chứng sinh, Giấy báo tử lên Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, công tác nhập liệu vẫn có những sai sót về thông tin dữ liệu, và Cổng giám định BHYT vẫn chưa có chức năng “sửa đổi, cập nhật” cho các dữ liệu nhập sai. Đối với những trường hợp như vậy, tiến hành nhập mới hoàn toàn. Vì thế, số liệu báo cáo kết quả liên thông chỉ dừng ở mức tương đối.“Vừa qua, Trung tâm Y tế Q.Sơn Trà đã kiến nghị cổng giám định BHYT tiếp tục nâng cấp, thêm tính năng “sửa đổi, cập nhật” thông tin dữ liệu nhập sai, nhằm tránh trường hợp trùng thông tin đối với các đơn vị đang sử dụng hình thức nhập trực tiếp. Đơn vị cũng đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, đầu tư cho đơn vị về mặt kinh phí và cơ sở hạ tầng CNTT để triển khai thông suốt Đề án 06/CP”- ông Hoài chia sẻ biết thêm.
Với sự nỗ lực cùng những chuyển biến tích cực trong công tác chuyển đổi số, ngành Y tế Đà Nẵng đang hướng đến mục tiêu năm 2025 có 100% các cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, 50% số bệnh viện trên địa bàn TP chuyển đổi số thành công triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt và phấn đấu đạt mức 6 về nhóm tiêu chí hạ tầng công nghệ thông tin theo Thông tư số 54/2017 của Bộ Y tế ở các bệnh viện, hướng đến bệnh viện thông minh.
Lê Anh Tuấn