10 năm ngày mất nhà thơ Thu Bồn (17-6-2003-17-6-2013): Nhớ một cánh chim Chơ rao!

Thứ năm, 20/06/2013 10:20

(Cadn.com.vn) - Hôm nay (17-6) là tròn 10 năm trên văn đàn thơ ca Việt Nam vắng bóng Thu Bồn- chàng "Tarzan" thi sĩ. Nhiều đồng nghiệp, độc giả, người thân của Thu Bồn đều có những kỷ niệm riêng về ông hay về tác phẩm của ông. Nhắc đến ông dù 10 năm ngày mất hay lâu hơn nữa, người đọc vẫn không thể quên trường ca: "Bài ca chim Chơ Rao" hay những bài thơ trữ tình như Tạm biệt Huế. Thu Bồn mãi mãi còn trò chuyện với độc giả thông qua những tác phẩm của mình.

Thu Bồn trong ký ức người anh - nhà giáo Hà Trình

Nhà giáo Hà Trình, hiện ở thôn Phong Ngũ Tây, xã Điện Thắng Nam (Điện Bàn, Quảng Nam), là anh trai của Hà Đức Trọng (tên thật nhà thơ Thu Bồn). Ông là người có công lớn trong việc sáng lập Trường ĐHBK Đà Nẵng nay đã bước vào tuổi 87. Vợ chồng ông rất vui khi biết chúng tôi đến thăm, hỏi chuyện về em trai mình. Nhìn chân dung nhà thơ Thu Bồn đặt trang trọng trên chiếc tủ gỗ giữa phòng khách và một bức ảnh khác của nhà thơ chụp dưới chân tượng nữ thần Tự Do treo gần 2 bức ảnh của đại gia đình trên tường, chúng tôi như cảm nhận được tình cảm của nhà thơ trong lòng người anh trai luôn đầy ăm ắp. Thấy chúng tôi chăm chú đọc bút tích của nhà thơ Thu Bồn, ông Hà Trình khe khẽ đọc những vần thơ của em trai: "Người tự do ta cũng tự do/ Người đeo thần tượng/ Ta tro bụi đời"...

 

 


 Nhà giáo Hà Trình và chân dung nhà thơ Thu Bồn. Ảnh: P.T

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống Cách mạng (lúc cướp chính quyền năm 1945, cha ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời xã Châu Phong-cụm ba xã Điện Thắng hiện nay), từ nhỏ, 5 anh em ông gồm 2 trai, 3 gái (Thu Bồn là con út) đã sớm giác ngộ cách mạng. Trước khi trở thành nhà giáo, Hà Trình là bộ đội chiến đấu ở Trà My-Tiên Phước, Hà Đức Trọng bám trụ chiến trường Trung Trung Bộ. Sau ngày đất nước thống nhất, Thu Bồn  về làm biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội... Thu Bồn thì phóng khoáng, hào hoa, hồn nhiên, còn Hà Trình lại hết sức mực thước, chỉn chu. Dù trái ngược về tính cách, nhưng anh em ông rất hiểu và thương yêu nhau. Trong ký ức của ông, Thu Bồn là một người giàu tình cảm, dễ xúc động, "ngang tàng" nhưng rất chân tình và cực kỳ vui tính. Ông kể, từ bé, Thu Bồn đã là một "triết lý gia": "Hồi chú Trọng mới 11 tuổi, hôm đó đi chơi về bước qua bậc tam cấp nhà bị vấp ngã, tôi quở "lớn rồi mà còn dật dờ". Chú ấy đáp trả rất triết lý: "Cuộc đời còn nhiều thứ va vấp lắm, em mới vấp ngã chút này có nhằm nhò gì đâu?". Tính chú ấy ngang nhưng mà ngang khéo chứ không phải ngang phè nên ai cũng thương...".

Nghe chồng nhắc đến Thu Bồn, bà Đỗ Thị Cừ (vợ ông) cũng rưng rưng góp chuyện về người em chồng tài hoa:  "Chú út trông to cao vạm vỡ vậy, nhưng lại là người rất dễ xúc động. Nhớ lần mẹ chồng tui ốm, chú về thăm. Nhìn mẹ gầy gò, ốm yếu trên giường bệnh, chú nâng gương mặt mẹ lên rồi áp má mình vào má mẹ khóc ngon lành. Chú út hay thương người lắm. Mỗi lần về nhà nghe kể chuyện người này người kia trong làng có hoàn cảnh khó khăn, chú lại rơi nước mắt, cố nghĩ cách giúp đỡ họ...".  Thu Bồn lại là người cực kỳ vui nhộn.

Ông Hà Trình kể mỗi lần có dịp về quê, chỗ nào có Thu Bồn là chỗ đó vui như hội. Ông bị mọi người "bao vây" bắt đọc thơ, hát và uống rượu say bí tỉ... Ông bảo nhà thơ Thu Bồn không chỉ là một nhà thơ có tài, mà còn là một "kiến trúc sư" không chuyên tuyệt vời: "Phải công nhận chú ấy lao động giỏi thật. Sau ngày giải phóng, chú về sống ở Bình Dương. Ngôi nhà ở suối Lồ Ô là do chú tự thiết kế rồi hì hục tự làm đó... Những ngày chú trọng bệnh, tôi vào thăm, chú chỉ chảy nước mắt, chứ không nói được gì. Khi được đưa về nhà ở suối Lồ Ô thì chú mất. Mới đó mà 10 năm rồi chú ấy đi xa...".

Dù chưa một lần được diện kiến nhà thơ tài hoa Thu Bồn, nhưng qua thơ ông và qua những ký ức của người thân, bè bạn của ông, chúng tôi có cảm nhận, thơ ông cũng như con người ông vậy: ngang tàng, khí phách, quân tử, cuồn cuộn thương yêu cuộc đời hết mực.

P.Thủy

 

 

Mấy kỷ niệm về nhà thơ Thu Bồn

Gắng cõng gạo để nhường tiêu chuẩn ăn cho bạn

Trong chống Mỹ, ở chiến trường Khu 5 rất gian khổ, ác liệt. Chúng tôi hầu như chỉ ăn sắn, rau thay cơm. Tuy cùng ở Hội Văn nghệ Giải phóng Khu 5, Thu Bồn công tác ở Ban Văn học Quân khu 5, chúng tôi ở Tiểu ban văn nghệ. Ban Tuyên huấn Khu ủy 5. Dù sao, phía quân đội cũng được cung cấp lương thực tốt hơn phía dân chính chúng tôi. Biết chúng tôi quá đói khổ, Thu Bồn thường tìm cách gửi qua lúc lon gạo, lúc ruột nghé bắp, lúc vài bánh lương khô. Một lần, Thu Bồn được phân đi đồng bằng cõng gạo. Theo quy định cơ quan, ai cõng được 3 ang gạo (tức 90 lon) thì được ăn mỗi ngày 3 lon gạo và cứ thêm 1 ang lại được ăn thêm 1 lon. Dù chỉ cõng được 5 ang, Thu Bồn vẫn cố còng lưng cõng tới 8 ang để thừa gạo tiêu chuẩn ăn dành đem cho chúng tôi. Đường cõng gạo từ đồng bằng về Quân khu đã xa, anh còn mua đường, vòng sang thăm chúng tôi. Vừa đặt gùi gạo xuống chiếc ghế được bện bằng thân những cây gỗ nhỏ ở góc sân anh vừa vây chúng tôi:

- Tao cõng tới 8 ang gạo, mỗi ngày ăn được 8 lon, tao chỉ ăn 3 lon, thừa 5 lon, 7 ngày vị chi là 35 lon, tao mang cho tụi bay để có chút ít chất bột mà bồi dưỡng. Xem kìa, mặt đứa nào đứa nấy xanh như tàu lá, khổ chưa.

Đầu đề một tập thơ

Đối với người sáng tác, việc viết đã khó, việc đặt đầu đề cho tập sách của mình lại càng khó hơn. Sau 2 lần đặt đề rất hay: Trường ca chim Chơrao và Tre xanh, Thu Bồn bí hung khi đặt đề cho tập thơ thứ 3. Lấy đề có màu như Nguyễn Mỹ ư? Chúng tôi đùa vui: Đồng vàng, Núi đỏ được không? Không ra thơ Thu Bồn. Bí quá, Thu Bồn cứ lẩm bẩm hết tên này đến tên nọ, như người tâm thần. Một lần nhà thơ Liên Nam nói:

- Mặt đất không quên được không?

- Thu Bồn đang lẩm bẩm, bỗng ngửng lên nói:

Mặt đất không quên à, không hay lắm, nhưng bí quá, ừ Mặt đất không quên thì Mặt đất không quên.

Tự mình đứng ra lĩnh xướng

Khi Thu Bồn đã nổi tiếng thì chúng tôi chỉ là những cây bút trẻ mới tập sự đi vào con đường viết văn. Một lần, tôi hỏi anh:

- Cái khó nhất trong nghề viết văn là gì hả anh?

- Là phải viết khác những cái người ta đã viết.

- Muốn thế thì phải làm sao?

Thu Bồn im lặng một chút rồi nói:

- Theo mình, phải đạp qua cái khiêm tốn u mê đi. Trong cuộc sống, thì việc hòa đồng với mọi người, khiêm nhường trước mọi người là tốt. Nhưng trong sáng tác thì không nên đứng hòa trong đám đông "hò lơ hó lơ" theo người lĩnh xướng mãi, mà phải tự mình đứng ra lĩnh xướng để có được giọng riêng.

Anh trở về hóa đá ở trong bia

Một lần, đi Huế về, chẳng biết Thu Bồn say em nào bên bờ sông Hương mà có bài thơ viết về Huế rất hay, có câu cuối cùng là "Anh trở về hóa đá ở trong kia". Ngồi trên hè phố Đà Nẵng giữa mùa hè nóng nực, chúng tôi vừa uống bia vừa nghe Thu Bồn đọc bài thơ. Tới câu cuối cùng, bỗng nhiên Thu Bồn chỉ vào cốc bia của mình đọc trệch đi: "Anh trở về hóa đá ở trong bia". Lúc ấy cô phục vụ đứng bên bỗng cười to, lúi húi đi lấy đá, vì từ nãy đến giờ cô mải nghe thơ mà quên phục vụ khách.

Chiếc giường của mẹ

Một hôm, nữ nghệ sĩ Lý Bạch Huệ, vợ nhà thơ Thu Bồn đột ngột ghé thăm vợ chồng tôi. Sau khi hỏi thăm sức khỏe nhau, chị nói:

- Anh Thanh Quế đang ở phòng cũ của anh Thu Bồn hồi trại sáng tác Quân khu 5 phải không ạ.

- Vâng đúng rồi.

Chị vui vẻ:

- Anh Thu Bồn có nhờ em ra đây chụp ảnh chiếc giường cũ mà ngày xưa ảnh đóng cho mẹ ảnh nằm. Bây giờ bỗng nhiên ảnh nhớ lại rất rõ những kỷ niệm về mẹ anh ạ. Ảnh thường kể cho em nghe rằng, xa mẹ lâu ngày, hồi mới giải phóng, về quê ảnh thường cõng mẹ qua chiếc cầu tre bắc trên con mương nhỏ vì sợ mẹ đi qua sẽ té. Có thời gian, ảnh đưa mẹ ra ở với ảnh tại đây hằng ngày ảnh nấu cơm cho mẹ ăn, rót nước cho mẹ uống cõng đưa mẹ đi tiểu tiện. Giờ thì ảnh nằng nặc bảo em ra đây chụp ảnh lại chiếc giường cũ ảnh đóng cho mẹ nằm... Khi tôi cho hay rằng, chiếc giường cũ đã hư lâu rồi, tôi phải bỏ đi rồi, chị bỗng dưng ôm mặt khóc hu hu:

- Làm sao đây anh. Biết nói với anh Trọng làm sao đây. Ảnh đang nằm bệnh, nóng ruột chờ em mang tấm ảnh về cho ảnh xem...

Nhà thơ Thanh Quế