10 năm sau thảm họa Chan Chu (2)
* Bài cuối: Gượng dậy sau nỗi đau
(Cadn.com.vn) - Dù không bằng Bình Minh, nhưng số ngư dân chết và mất tích tại Đà Nẵng trong siêu bão Chan Chu cũng không hề ít: 80 người. Trong đó, chỉ riêng Q.Thanh Khê đã chiếm hơn phân nửa (46 người). Dù không dễ gì thoát khỏi nỗi ám ảnh đau thương ấy nhưng sau Chan Chu, nhiều ngư dân Đà Nẵng tiếp tục đầu tư sửa chữa, đóng mới tàu để tiếp tục vươn khơi. Bởi lẽ, đó là nguồn sống, cũng là trách nhiệm của công dân với chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc...
Gượng dậy, vươn khơi
Trong chuyến đi biển định mệnh 10 năm trước, gia đình ông Phạm Văn Xinh (48 tuổi, trú tổ 72, P.Thanh Khê Đông) có 3 anh em đi trên ba chiếc tàu do họ làm chủ thì cả ba tàu đều nằm trong vùng tâm bão. Hai tàu may mắn thoát nạn trở về là tàu ông Xinh và tàu ông Phạm Văn Thắm. Riêng tàu em trai ông là ngư dân Phạm Văn Hoa thì tử nạn. Chính ông Xinh là người tìm và vớt xác em trai mình... Những tưởng sau thảm họa kinh hoàng đó, ám ảnh về sự tang thương, mất mát ấy sẽ khiến ông chùn bước, bỏ nghề. Thế nhưng, chỉ nửa năm, ông đầu tư hơn 300 triệu đồng sửa chữa lại tàu, sắm sửa thiết bị câu mực để tiếp tục vươn khơi. "Sợ thì làm sao đi biển được. Hơn nữa, mình là trụ cột, phía trước mình còn có cả gia đình. Với lại, đây là nghề tôi theo đuổi từ khi mới 18 tuổi nên cũng quen rồi chuyện đối mặt với hiểm nguy rình rập trên biển...". Qua ông Xinh, được biết, sau Chan Chu, ông gắn bó nghề câu mực thêm 2 năm thì chuyển sang nghề lưới cản đánh cá ngừ. Nhưng cũng được 2 năm, nhớ ông lại quay lại với nghề câu mực. Đến năm 2014, giá mực rớt thảm, không thể theo đuổi với nghề này được nữa, ông Xinh chuyển sang nghề câu cá đại dương với quyết tâm "không được bạc với biển, bởi biển đã nuôi sống gia đình mình"! Còn ông Thắm đi biển được thêm vài năm, do tuổi cao nên giao lại cho con trai tiếp tục nối nghề...
Thuyền trưởng Phạm Văn Xinh cùng mẹ già xem lại di ảnh con trai trong lễ tang 10 năm trước. |
Sau khi chồng tử nạn trên biển, những tưởng nỗi đau mất mát quá lớn đó sẽ quật ngã người thiếu phụ Lê Thị Huệ. Nhưng một thời gian sau đó, bà gượng đau thương bắt tay vào đầu tư con tàu ĐNa 90521, thuê thuyền viên, tìm người đi bạn để vươn khơi. Khi ấy, bà Huệ mới 42 tuổi, một nách 4 đứa con trai, đứa lớn 20 tuổi, đứa nhỏ nhất 10 tuổi. Trong khoảng 10 năm sau ngày chồng mất, bà cùng gia đình chồng đã dựng vợ cho 3 đứa con trai, đứa út hiện đang theo học năm thứ 2 trường ĐH Hàng không ở TPHCM. Cũng giống như ông Xinh, 4 người con của bà, không có ai theo nghề biển. "Yêu nghề này từ khi còn con gái, nên khó khăn mấy cũng theo nghề thôi. Có điều, tôi cũng đã... già rồi, chắc cũng phải tính chuyện giải nghệ. Dù không trực tiếp ra khơi, nhưng làm chủ tàu cực lắm, lo đủ thứ...". Nói thì nói vậy, nhưng nhìn vào gương mặt xinh đẹp đầy cá tính của người phụ nữ quyết đoán này, tôi biết, thời gian để bà bỏ hẳn nghề này hãy còn rất xa...
Qua trao đổi ông Võ Kim Tú- Trưởng phòng Kinh tế Q.Thanh Khê- được biết, năm 2006, toàn Q.Thanh Khê có 198 tàu, với tổng công suất 18.000 CV. Trong đó, tàu đánh bắt xa bờ, có công suất trên 90 CV là 59 chiếc. Đến năm 2015 số lượng tàu giảm xuống còn 100 chiếc, nhưng tổng công suất lại tăng với 30.000 CV. Có thể nói, sau Chan Chu, ngư dân ở Thanh Khê đã ý thức và có tầm nhìn xa hơn đối với việc đánh bắt xa bờ nên đã quyết định đầu tư đóng tàu công suất lớn. Vì thế, dù số lượng tàu giảm, nhưng năng lực đánh bắt lại tăng mạnh. Theo đó, công suất tàu bình quân tăng dần qua các năm: từ 137 CV/tàu năm 2006 tăng lên 287 CV/tàu năm 2015. Với đội tàu gần 60 chiếc có công suất trên 250 CV/tàu, Thanh Khê hiện là địa phương có đội tàu công suất tương đối mạnh của Đà Nẵng. Cũng qua ông Võ Kim Tú, được biết, đồng hành cùng chủ trương phát triển đội tàu xa bờ, hiện Q.Thanh Khê đã đầu tư 450 triệu đồng xây dựng Đài TTLL với các tàu trên biển tại Đồn Biên phòng Phú Lộc nhằm hỗ trợ kết nối thông tin giữa biển khơi và đất liền về tình hình khai thác, ngư trường và các tình huống xảy ra trên biển. Bên cạnh đó, với chính sách hỗ trợ cho ngư dân tham gia khai thác của Chính phủ đã hỗ trợ cho ngư dân về nhiên liệu, bảo hiểm hơn 5 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 48 tỷ đồng theo Quyết định 48 của Chính phủ; hỗ trợ ngư dân đóng mới 10 tàu công suất trên 400 CV với tổng kinh phí hơn 6,55 tỷ đồng theo QĐ của UBND TP Đà Nẵng. Hiện ngư dân Thanh Khê vẫn tiếp tục lập hồ sơ để được đóng mới các tàu vỏ thép, vỏ gỗ có công suất lớn để vực dậy và phát triển nghề truyền thống của quê hương.
Ngư dân Bình Minh sau chuyến đi biển về lại sửa chữa ngư lưới cụ |
Còn đó những nỗi lo
Thảm họa Chan Chu để lại bao nỗi đau thương và mất mát. Để gượng dậy là cả một cuộc hành trình vượt lên số phận. Thực tế cho đến nay, rất nhiều phụ nữ có chồng, con chết và mất tích trong cơn bão Chan Chu đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trường hợp của bà Nguyễn Thị Phượng ở P. Thanh Khê Đông là một đơn cử. Chồng mất để lại 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Từ số tiền các nhà hảo tâm, Nhà nước, chính quyền hỗ trợ, chị đã phải tính toán để vun vén sao cho các con được ăn học nên người. Không có công việc gì chị không làm, từ buôn cá, bán bắp đến đi xe thồ... Nhờ đó, đứa con đầu học ĐHKT đã ra trường, có việc làm và lập gia đình. Đứa thứ hai học xong ngành mầm non, chưa xin được việc làm nên đi làm công nhân may. 2 đứa sau đang học lớp 11, 12. Tuy nhiên, không phải ai cũng khéo thu vén như chị. Được biết, chỉ tính riêng P.Thanh Khê Đông, có đến 25 phụ nữ góa chồng sau Chan Chu, đến nay có 5 người tái giá, phần lớn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tương tự, tại Liên Chiểu, nhiều gia đình của 24 ngư dân chết và mất tích trong Chan Chu chưa thể thoát nghèo...
Thay lời kết
Mặc dù, sau Chan Chu, số lượng tàu công suất lớn tại Đà Nẵng nói chung, xã Bình Minh nói riêng tăng nhưng hiện ngư dân đang phải đối mặt khó khăn trong việc tìm nguồn nhân lực đi biển. Cùng với khó khăn này, những hiểm nguy rình rập trên biển cũng ngày một nhiều hơn. Thuyền trưởng Phạm Văn Xinh trăn trở: "Bây giờ, tìm người đi bạn khó khăn hơn, thu nhập từ biển cũng không còn thuận lợi như trước. Đã thế, những rình rập hiểm nguy trên biển ngày một nhiều hơn...". Đồng quan điểm này, thuyền trưởng Phạm Phú Thành (Bình Minh) vừa thoát chết trở về sau vụ bị tàu lạ đâm chìm tại khu vực Hoàng Sa âu lo: "Ngoài bão tố, ngư dân chúng tôi hiện phải đối mặt với nguy hiểm do bị tàu "lạ" va đâm trên biển. Những thiệt hại này, ngư dân chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước"...Theo ông Lê Nguyên Khánh- Chủ tịch Hội Nông dân kiêm Chủ tịch Nghiệp Đoàn nghề cá P.Thanh Khê Đông, sở dĩ ngày càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm bạn đi cùng còn do bởi tốc độ đô thị hóa, sự phát triển của xã hội. Theo đó, xu thế lớp trẻ tập trung vào việc học để tìm kiếm việc làm trên cạn ngày một nhiều hơn. "Đóng tàu mới là tốt rồi, nhưng quan trọng là phải có người đi biển. Nghề đi biển rất bấp bênh, nên việc lớp trẻ bây giờ không thích đi biển cũng dễ hiểu"- ông Khánh trăn trở. Nỗi trăn trở của ông Khánh cũng là nỗi trăn trở mà chúng tôi cảm nhận được hôm về Bình Minh. Qua Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh Trương Công Bảy, được biết, toàn xã có 2.380 ngư dân bám biển, số ngư dân đánh bắt xa bờ tại Hoàng Sa, Trường Sa là 1.100 người, trong đó đội ngũ từ 45- 55 tuổi chiếm 45%, từ 18 đến 40 tuổi là 55%. Tỷ lệ này trong tương lai sẽ còn giảm nữa...
Dẫu biết mỗi lần giương buồm ra khơi là "hồn treo cột buồm", nhưng, nói như thuyền trưởng Phạm Phú Thành: "Đi thì chết một mình cha/Không đi thì chết vài bà, vài con", nên dù biển khơi luôn rập rình hiểm nguy nhưng những ngư dân vẫn tiếp tục bám biển, lấy biển làm lẽ sống của gia đình mình. Điều còn lại là hậu phương cần có những biện pháp hỗ trợ kịp thời, giúp cho ngư dân, đặc biệt lúc họ gặp nạn trên biển sớm khắc phục hậu quả, an tâm tiếp tục vươn khơi; góp phần cùng các lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
P.Thủy- P.Kiếm