10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2019 (do Báo Công an TP Đà Nẵng bình chọn)

Thứ tư, 01/01/2020 20:41

Năm 2019 đã khép lại với nhiều kịch tính, như bộ phim nhiều tập và chưa có hồi kết. Cả thế giới đã chứng kiến nhiều thời khắc lịch sử quan trọng nhưng cùng với đó là những biến động đáng lo ngại trên khắp các sân khấu chính trị, xã hội. Từ những động thái "luẩn quẩn" trên bán đảo Triều Tiên cho đến căng thẳng trên bờ vực chiến tranh giữa Mỹ-Iran hay các cuộc chiến thương mại bùng nổ, tất cả gieo một màu ảm đạm cho năm 2019. Trong bức tranh tối tranh sáng đó, vẫn còn nhiều điểm sáng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Chan-o-cha.

1. Việt Nam nhận cờ Chủ tịch ASEAN

Tại phiên bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN thủ đô Bangkok hồi tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đại diện Việt Nam tiếp nhận chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 từ Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Theo luân phiên, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, năm bản lề trong triển khai kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025 và cũng là dịp kỷ niệm tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.

Tân Nhật hoàng Naruhito (trái) đăng cơ, thừa kế ngôi vị sau khi người cha, cựu Nhật hoàng Akihito (phải) tuyên bố thoái vị.

 2. Nhật hoàng đầu tiên thoái vị trong 200 năm

Trong sự kiện chưa từng có trong lịch sử, Nhật hoàng Akihito chính thức thoái vị vào ngày 30-4, khép lại triều đại Bình Thành. Ông là Nhật hoàng đầu tiên thoái vị trong 200 năm qua. Triều đại của ông kéo dài đến nửa đêm 30-4 khi con trai ông là Thái tử Naruhito trở thành vua mới và thời đại mới bắt đầu - thời đại Lệnh Hòa. Ngày 22-10, nước Nhật chứng kiến lễ đăng cơ long trọng của Tân Nhật hoàng Naruhito với sự tham gia của các quan chức cấp cao đến từ hơn 180 quốc gia trên thế giới.

 

3. Mối lo chiến tranh thương mại

Trong năm qua, thế giới chứng kiến những bước leo thang đáng lo ngại trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với những đòn thuế "ăn miếng trả miếng" giữa hai nước. Dù hiện nay cả hai đạt được một thỏa thuận giai đoạn 1 và dự kiến sẽ ký kết vào tháng 1 này, nhưng cuộc chiến kéo dài 2 năm qua vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm chấm dứt. Trong khi đó, thế giới lại chứng kiến thêm cuộc chiến thương mại giữa Nhật-Hàn khi Tokyo đã khơi mào cho cuộc chiến này bằng quyết định hạn chế xuất khẩu 3 vật liệu bán dẫn sang Hàn Quốc vào tháng 7.

 

4. Tổng thống Trump bị luận tội

Tổng thống Donald Trump đi vào lịch sử của nước Mỹ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng thứ 3 chính thức bị Hạ viện luận tội. Trước đó, chỉ có hai tổng thống - Andrew Johnson và Bill Clinton - bị luận tội chính thức - và sau đó đều thoát tội. Trong khi đó, Tổng thống Richard Nixon từ chức trước khi bị luận tội trong vụ Watergate. Tuy nhiên, ông Trump có khả năng sẽ được miễn tội hoàn toàn khi vấn đề này được đưa ra Thượng viện - nơi đảng Cộng hòa của ông nắm thế đa số.

Cảnh sát Anh phong tỏa hiện trường phát hiện 39 thi thể người nhập cư trong container tại Grays, Essex vào ngày 23-10.

5. Thảm kịch 39 thi thể trong container ở Anh

Cả thế giới rúng động sau vụ việc 39 người thiệt mạng trong thùng container đông lạnh tại khu công nghiệp Waterglade ở hạt Essex, Anh. Nhà chức trách đã bắt giữ tài xế Maurice Robinson cùng 4 nghi phạm. Vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về đường dây buôn người quy mô lớn vào Anh và nhiều nước trên thế giới với nhiều câu chuyện, nhiều số phận đầy nước mắt của những người tị nạn.

 

6. Trung Đông bất ổn triền miên

Từ tình hình chiến sự ở Syria cho đến những căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Iran, bức tranh Trung Đông phủ một màu u ám trong năm 2019. Thậm chí, trong năm qua, Mỹ - Iran đứng trước bờ vực chiến tranh sau khi Washington định trả đũa vụ Tehran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ, nhưng sau đó ông Trump hủy bỏ chiến dịch vào phút chót. Việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel với cao nguyên Golan cũng khiến tiến trình hòa bình Trung Đông mãi "dậm chân tại chỗ". Trong khi đó, Iraq và Afghanistan chìm sâu trong bất ổn.

Người Anh vẫn bị chia rẽ gay gắt trong vấn đề Brexit. 

7. Brexit với nhiều trắc trở

Tiến trình rời EU của Anh (còn gọi là Brexit) gặp quá nhiều chông gai khi thỏa thuận "ly hôn" năm lần bảy lượt bị Quốc hội Anh bác bỏ. Mọi việc căng thẳng đến nỗi Thủ tướng Theresa May phải từ chức để mở đường cho "người mới" lên thay - tân Thủ tướng Boris Johnson. Tuy nhiên, ông Johnson thậm chí cũng đứng trước nguy cơ mất chức vì Brexit trước khi đảng Bảo thủ thắng lớn trong cuộc bầu cử ngày 12-12. Chiến thắng này khiến tiến trình Brexit có khả năng diễn ra theo đúng thời hạn vào ngày 31-1-2020.

Người dân Anh vẫn bị chia rẽ gay gắt trong vấn đề Brexit.

Sau vụ tai nạn ở Ethiopia, máy bay Boeing 737 Max bị dừng hoạt động trên toàn thế giới.

8. Tai nạn và tai tiếng của Boeing

Từng là niềm hy vọng của Boeing nhưng thế hệ máy bay 737 Max bỗng trở thành "tội đồ" trong năm 2019 khi nó vướng vào 2 vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng chấn động thế giới của hãng Lion Air và Ethiopian Airlines giết chết tổng cộng 346 người, vốn được cho là do lỗi kỹ thuật của máy bay này. Sau đó, Boeing 737 Max chính thức bị cấm bay trên toàn cầu, doanh thu của Boeing giảm mạnh. Tháng 12-2019, Boeing buộc phải thông báo tạm ngừng sản xuất 737 Max.

Sau vụ tai nạn ở Ethiopia, máy bay Boeing 737 Max bị dừng hoạt động trên toàn thế giới.

 

9. Thủ lĩnh IS bị tiêu diệt

Tổng thống Donald Trump gây sự chú ý trên toàn cầu khi trong bài phát biểu ngày 27-10 đã xác nhận thủ lĩnh tổ chức cực đoan IS, Abu Bakr Al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong cuộc đột kích của quân đội Mỹ ở Syria. Theo ông chủ Nhà Trắng, Al-Baghdadi đã "tự nổ tung mình" khi bị lực lượng Mỹ dồn vào thế bí trong một cuộc đột kích ban đêm kéo dài 2 tiếng đồng hồ nhằm vào khu nhà của y ở miền bắc Syria. Việc Al-Baghdadi bị tiêu diệt tiếp tục là cú giáng nặng nề vào tổ chức khủng bố này nhưng lo ngại đặt ra là các lực lượng còn sót lại của IS vẫn đang chờ cơ hội hồi sinh và hệ tư tưởng của tổ chức này vẫn là mối đe dọa đối với an ninh thế giới.

 

10. Tình trạng khẩn cấp của biến đổi khí hậu

Tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu ở mức báo động đáng sợ trong năm 2019 khi thế giới chứng kiến những vụ cháy rừng chưa từng thấy ở Amazon, Australia cùng những đợt nắng nóng bất thường tại Châu Âu... Tuy nhiên, tại Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 25) hồi tháng 12-2019, các nước vẫn không thể đạt được một thỏa thuận về việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Điều tệ hơn, trước đó, Mỹ - quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới - chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

KHẢ ANH