100 ngày phá án (3)
* Kỳ cuối: Giải cứu các nạn nhân
(Cadn.com.vn) - Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của những phụ nữ nông thôn thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang..., “mẹ mìn” Nguyễn Thị Hồng Phượng và một số đối tượng trong đường dây mua bán người xuyên quốc gia đã đẩy 17 cô gái trẻ vào cuộc sống tủi nhục. Với tinh thần hết sức khẩn trương, lực lượng TS thuộc BCA 009A đã phối hợp chặt chẽ với BĐBP Lào Cai, Quảng Ninh và CA tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tiến hành giải cứu nạn nhân và đưa họ về đoàn tụ với gia đình.
Hành trình phá án
Từ lời khai của Nguyễn Thị Hồng Phượng, sau khi có kết quả xác minh, từ kinh nghiệm thực tiễn trong chỉ đạo việc vận dụng pháp luật điều tra các vụ mua bán người, lực lượng đánh án đã đề xuất, thống nhất VKSND, CA tỉnh An Giang vận động Nguyễn Thị Hường ra tự thú. Qua đấu tranh, Hường khai nhận hành vi phạm tội, cùng em mình là Nguyễn Thị Thơm móc nối với Nguyễn Thị Xoàng (1965, trú Vĩnh Thành, Châu Thành, An Giang) và Út Nghiệp giao cho Phượng tất cả 6 đợt, gồm 16 phụ nữ để đưa sang Trung Quốc và được Phượng giao lại 40 - 55 triệu đồng/người. Từ lời khai của Hường, BCA đã chỉ đạo ĐBP CK Long Bình ra lệnh tạm giữ để điều tra theo quy định của pháp luật.
Ngày 2-3, Thiếu tướng Ngô Thái Dũng - Cục trưởng Cục PCTPMT, Trưởng BCA 009A đã từ Hà Nội vào An Giang để trực tiếp chỉ đạo. Tại buổi làm việc, Trưởng BCA đã chỉ đạo mở rộng điều tra, làm rõ tổ chức, đường dây phạm tội để truy xét, bắt toàn bộ đối tượng, chú ý phát hiện thủ đoạn làm giấy tờ giả để đưa phụ nữ ra nước ngoài bán. Từ lời khai của Hường, ngày 3-3, BCA chỉ đạo tiếp tục bắt các đối tượng có liên quan là Nguyễn Thị Xoàng, Út Nghiệp, nhưng do phát hiện Hường đã bị bắt nên 2 đối tượng này bỏ trốn.
Lấy lời khai đối tượng Nguyễn Thị Hường. |
Tại hướng Kiên Giang, ngày 28-2, lực lượng đánh án của Cục PCTPMT gồm Phòng Nghiệp vụ cơ bản, Đoàn Đặc nhiệm miền Nam đã triển khai kế hoạch cho BCH và Phòng PCTPMT BĐBP Kiên Giang tổ chức bắt giữ Phan Thị Duyên. Lực lượng đánh án BĐBP Kiên Giang đã phối hợp lực lượng của Cục PCTPMT, PC45 CA tỉnh Kiên Giang và chính quyền địa phương vận động đối tượng Duyên ra tự thú. Tại CQĐT, Duyên đã khai nhận cùng Phượng đưa 2 phụ nữ sang Trung Quốc bán và nhận được 30 triệu đồng/người. ĐBP CKQT Hà Tiên ra lệnh tạm giữ để điều tra.
Trên cơ sở tài liệu chứng cứ thu được, BCA 009A đã chỉ đạo, giao BCH BĐBP An Giang khởi tố vụ án, tiến hành điều tra, hoàn chỉnh hồ sơ ban đầu theo quy định và ngày 5-3 đã bàn giao vụ án cho CA tỉnh An Giang, đồng thời tiếp tục phối hợp với CA các tỉnh điều tra mở rộng vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng còn lại trong đường dây để xử lý.
Đưa các nạn nhân về đoàn tụ với gia đình
Sau khi hoàn thành việc bắt giữ 3 đối tượng trong đường dây mua bán người do Nguyễn Thị Hồng Phượng cầm đầu, được sự chỉ đạo của Thiếu tướng Ngô Thái Dũng - Trưởng BCA 009A, từ ngày 5 đến 24-3, lực lượng PCTPMT BĐBP An Giang, Kiên Giang phối hợp với lực lượng của Đoàn Đặc nhiệm miền Nam đã khẩn trương điều tra, xác định lai lịch và nơi ở hiện tại của 15 nạn nhân (trong đó tỉnh An Giang có 10 nạn nhân, Kiên Giang 4 nạn nhân và Hậu Giang 1 nạn nhân).
Ngày 25-3, Cục PCTPMT BĐBP Việt Nam đã xây dựng kế hoạch giải cứu nạn nhân và triển khai thực hiện cho lực lượng đánh án BĐBP Lào Cai, Quảng Ninh. Ngày 28-3, BCH BĐBP tỉnh Lào Cai đã gửi thư cho Tổng đội CA Biên phòng tỉnh Vân Nam (Trung Hoa) đề nghị giải cứu 15 nạn nhân. Trong thư, BCH BĐBP Lào Cai cũng thông báo cụ thể Li Miên Fan là đối tượng chính trong CA 009A, đã móc nối với Lê Thị Hồng Phượng đưa các nạn nhân bán cho đàn ông Trung Quốc làm vợ, để CA Trung Quốc xử lý.
BĐBP Lào Cai tiếp nhận 15 nạn nhân cuối cùng trong Chuyên án 009A do CA Biên phòng Vân Nam (Trung Quốc) giải cứu. |
Lúc này tiếp tục nảy sinh tình huống nghiệp vụ. Ngày 30-3, lực lượng đánh án BĐBP Lào Cai nhận được tin có 3 nạn nhân là Thúy, Niềm và Vân (là 3/15 nạn nhân bị bán sang Hà Nam, Trung Quốc) đang trên đường trốn về Việt Nam. Sau khi nhận được báo cáo, BCA 009A đã chỉ đạo lực lượng đánh án thông qua đường dây nóng liên hệ trực tiếp với CA các địa phương của Trung Quốc tạo điều kiện giúp đỡ các nạn nhân trở về Việt Nam an toàn. Sau đó, BCA đã có Điện số 492/TK ngày 2-4-2014 chỉ đạo lực lượng đánh án BĐBP An Giang, Kiên Giang khẩn trương phối hợp chính quyền địa phương xác minh, tiếp nhận, bảo vệ nạn nhân và phối hợp lực lượng chức năng thực hiện chế độ hỗ trợ ban đầu theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, tiến hành điều tra, xác minh được biết, Huỳnh Thị Thúy (nạn nhân của Chuyên án 009A) ở Bình Đức, Long Xuyên, An Giang được Hường hứa đưa sang Trung Quốc làm thuê với mức lương 15 triệu đồng/tháng và đưa trước cho gia đình Thúy 20 triệu đồng. Nhưng do Thúy không có CMND nên Hường đã móc nối với các đối tượng, lấy ảnh của Thúy thay vào CMND của một người tên là Nguyễn Thị Nhẹ để làm hộ chiếu. Như vậy, đúng như nhận định và chỉ đạo ngay từ đầu của BCA, các đối tượng đã móc nối làm giấy tờ giả để đưa nạn nhân sang Trung Quốc bán. Ngày 5-4-2014, BCA đã có Điện số 507/TK, chỉ đạo BĐBP An Giang điều tra, thu thập đầy đủ chứng cứ, làm rõ đường dây làm giấy tờ giả do Nguyễn Thị Hường - một trong những đối tượng cầm đầu, chuyển giao CQĐT CA tỉnh An Giang điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Ngay sau khi nhận được thông báo từ phía BĐBP Việt Nam, lực lượng CA Biên phòng Vân Nam, Trung Quốc đã huy động 200 cảnh sát, thành lập 4 tổ công tác để điều tra và gải cứu 15 nạn nhân. Chiều 19-5, tại CKQT Lào Cai, lực lượng Biên phòng hai nước tổ chức ký kết biên bản bàn giao và tiếp nhận 15 nạn nhân cuối cùng trong Chuyên án 009A để đưa họ trở về đoàn tụ với gia đình.
Trần Hoàng Anh