15 năm sau vụ phát hiện tượng thần Siva bằng vàng (2)
* BÀI CUỐI: CUỘC ĐỜI NGHÈO KHÓ CỦA "TỶ PHÚ" NĂM XƯA
Trả giá
(Cadn.com.vn) - Sau khi Đào Danh Đức mua bức tượng cổ mang về TPHCM, nguồn dư luận dần dần lan truyền đến cơ quan chức năng. Hai tháng sau sự việc xảy ra, ông Nguyễn Văn Kình bị CQĐT mời lên làm việc. Qua làm việc, ông Kình thành thật khai báo về sự việc trên. Theo đó ông Kình đã chỉ nơi giấu vàng để lực lượng CA về truy thu. Được biết với số vàng quá nhiều nên ông Kình phải tìm chỗ cất giấu. Ban đầu ông đem về cất dưới mái tranh nhà nhưng thấy không ổn nên đem giấu trong cây rơm. Thấy cũng không yên tâm nên vợ chồng ông đào hục đem chôn sau vườn... Hàng chục lượng vàng bị thu hồi, bản thân ông bị giam giữ. Vì lúc này bức tượng chưa được tìm ra nên CQĐT không thể thả ông về nhà được. Sau 1 tháng 3 ngày bị giam tại Trại tạm giam Hòa Sơn, khi lực lượng chức năng tìm và thu hồi được bức tượng, ông Nguyễn Văn Kình mới được về nhà.
Qua giám định của ngành chức năng, đây là bức tượng thần Siva, niên đại vào khoảng thế kỷ thứ X, là một tác phẩm rất có giá trị về lịch sử văn hóa Chămpa và có giá trị kinh tế lớn nên nghiêm cấm mua bán, chiếm giữ trái phép. Cơ quan ANĐT CA tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án, lần lượt khởi tố, bắt giam các bị can Nguyễn Đình Bằng, Nguyễn Đăng Tiến, Đào Danh Đức về tội "Buôn bán hàng cấm", Nguyễn Văn Kình tội "Chiếm giữ trái phép tài sản XHCN và buôn bán hàng cấm". Do khi bị bắt Nguyễn Văn Kình đã thành khẩn khai báo, ngoài ra ý thức chủ quan của Nguyễn Văn Kình trong việc này còn rất hạn chế nên sau khi bị bắt giam 1 tháng 3 ngày, ông Kình đã được trả tự do. Các bị cáo còn lại bị xét xử từ 3 đến 5 năm tù về tội danh trên.
![]() |
Tượng thần Siva nhìn từ mặt bên. |
"Nếu như biết được..."
Sau 15 năm sự việc xảy ra, một ngày cuối tháng 5, chúng tôi tìm về lại ngôi làng "tiếng tăm" một thời. Khi chúng tôi đến nhà, ông Nguyễn Văn Kình đang ngồi nhặt những quả bông vải. Mắt đã mờ do bệnh tật nên ông không biết khách đến là ai. Sau khi nghe chúng tôi giới thiệu và nói lý do tìm đến nhà, ông Kình thở dài: "Năm xưa nếu biết đó là bảo vật quốc gia thì tôi đã đem nộp cho Nhà nước để được thưởng phần trăm rồi. Lúc đào được tôi đem về nhà, cả làng kéo đến xem chứ tôi đâu giấu giếm gì. Trên huyện họ cũng biết. Lúc đó có ai nói đến việc đem giao nộp cho Nhà nước đâu...".
Rồi ông Kình kể về cái ngày "định mệnh" đó: Hôm đó vợ chồng tôi đi đám cưới đứa cháu kế bên nhà. Đứa cháu đó có chiếc máy rà phế liệu, hôm đó do đám cưới nó nên máy để không. Thấy vậy, thằng Nông mượn đem ra khu vực gò trước nhà để rà cho vui. Cũng thời điểm đó xã đang san ủi gò để phân lô cấp đất cho dân. Lớp đất trên được gạt đi, thằng Nông đem máy đến rà thì đào trúng bức tượng. "Cứ nghĩ đó là lộc nhưng lại là tai họa. Tôi bị bắt giam, số vàng bán được giao nộp lại cho Nhà nước hết 62 lượng, 6 lượng còn lại khi mới bán tôi đem về tổ chức tiệc tùng rồi cho bà con hàng xóm mượn. Ra tù tôi phát bệnh, bao nhiêu trâu, bò tài sản trong nhà đều bán hết để chữa bệnh nhưng không khỏi", ông Kình than thở.
![]() |
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Kình với cuộc sống hiện tại. |
Trò chuyện với chúng tôi một lúc thì bà Trần Thị Liên (vợ ông Kình) đi làm đồng về. Bà Liên không tiếc nuối về số vàng bị thu hồi, vì bà cho rằng đó không phải mồ hôi, công sức mình bỏ ra nên không tiếc. "Chỉ tiếc lúc đó vợ chồng tôi không biết việc đem đi bán là phạm pháp. Vì chuyện trên mà ổng (ông Kình-P.V) sa sút hẳn. Từ lao động trụ cột trong gia đình trở thành người bệnh tật. Sau chuyến đó ổng bị bệnh tim, giờ chân tay phù đen hết, ngày nào cũng phải uống thuốc", bà Liên ngậm ngùi. Hiện vợ chồng ông Kình sống dựa vào những sào ruộng bông. Gia đình thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Còn Nguyễn Văn Nông - cậu bé "may mắn" ngày xưa giờ đã có vợ con, sống cuộc đời công nhân bình dị. "Sợ ba mẹ tiếc của sinh bệnh, nên sau khi ba được thả ra, tôi đã khuyên ba mẹ đừng vì thế mà đau lòng. Bản thân con đào được con không tiếc thôi chứ ba mẹ tiếc làm gì", Nông tâm sự.
Hiện tại, bức tượng thần Siva đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam. Đây là một trong những tác phẩm hiếm hoi được biết đến trong nghệ thuật Chăm. Trong Ấn Độ giáo, ba vị thần chính gồm Siva - vị thần Hủy diệt và tái tạo, Siva còn được xem là Đấng Toàn năng (Isvara); Brahma - vị thần Sáng tạo, Vishnu - thần Bảo tồn. Người Chăm tôn Siva làm vị thần tối cao, họ thường thờ cả ba vị thần dưới hình thức một trụ Linga - biểu tượng cho năng lực sáng tạo... Vụ việc gây xôn xao dư luận một thời đến nay vẫn còn nhiều người nhắc đến. Và nếu như người dân hiểu biết pháp luật hơn, không vì lợi ích trước mắt thì không có những hệ quả đau lòng dai dẳng...
Trần Tân