160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp (Kỳ cuối: Ứng xử đúng đắn hơn với di tích Thành Điện Hải!)
Trong cuộc chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha giai đoạn 1858-1860, trên bản đồ chiến sự toàn mặt trận Đà Nẵng, phòng tuyến thành Điện Hải giữ vai trò hết sức quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc cầm chân quân địch, làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của chúng. Trải qua 160 năm lịch sử, chịu sự tác động của thiên nhiên, sự tàn phá của chiến tranh và của cả con người, thành Điện Hải đã và đang xuống cấp trầm trọng. Năm 1988, thành được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia, đến năm 2017, được Thủ tướng Chính phủ cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt... Làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị di tích thành Điện Hải cũng như chuỗi các di tích liên quan đến cuộc chiến 1858-1860 đang là vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay.
Học sinh tham quan nơi trưng bày tư liệu, hình ảnh về cuộc chiến 1858-1860 tại Bảo tàng Đà Nẵng. |
Thành Điện Hải trước gọi là Đồn Điện Hải, năm 1812 (đời vua Gia Long) được xây dựng gần mép nước tả ngạn sông Hàn. Đến năm 1823 (đời vua Minh Mạng), Đồn được chuyển đến xây kiên cố ở vị trí hiện nay và đến năm 1835 được đổi tên là Thành Điện Hải. Thành được xây bằng gạch, phỏng theo thiết kế kiểu Vauban của phương Tây, chu vi 556m, tường cao 5m, hào sâu 3m. Bên trong thành có hành cung, kỳ đài, kho đạn, kho thuốc súng, kho lương thực, vọng gác và được bố trí 30 khẩu đại bác cỡ lớn.
Ngày 1-9-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đem 14 chiến thuyền đánh Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Thành Điện Hải ngay từ buổi đầu đã cùng các thành lũy khác dọc hai bờ sông Hàn góp phần đánh lui những cuộc tiến công của quân địch. Quân đội triều đình và nhân dân Đà Nẵng dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh, đặc biệt là danh tướng Nguyễn Tri Phương, đã chiến đấu kiên trường, mưu trí, ngăn quân giặc không tiến sâu vào đất liền. Cuộc chiến đấu của quân đội triều đình và nhân dân Đà Nẵng đã làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của quân địch, buộc chúng phải rút quân khỏi Đà Nẵng ngày 23-3-1860, sau hơn một năm rưỡi sa lầy và chịu nhiều tổn thất. Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược là một trong những trang sử vẻ vang không chỉ của Đà Nẵng mà còn của cả dân tộc. Thành Điện Hải vừa là chứng tích hùng hồn, vừa là biểu tượng về lòng yêu nước và đức hy sinh của nhân dân Đà Nẵng trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
160 năm qua, sự tác động của thiên nhiên, sự tàn phá của chiến tranh và của cả con người, Thành Điện Hải đã và đang xuống cấp trầm trọng. Năm 1988, Thành được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia, tuy nhiên, chẳng những Thành không được bảo vệ, tu bổ mà còn bị xâm hại nặng nề hơn, cả vùng đệm và vùng lõi - yếu tố gốc của di tích. Từ năm 2016 đến nay, chính quyền TP đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp cụ thể để từng bước bảo vệ, tu bổ, phục hồi di tích, dừng hẳn dự án xây dựng Trung tâm lưu trữ thành phố ở phía Bắc; vận động 80 hộ dân chuyển dời nhà cửa ra khỏi tường thành ở phía tây, khảo sát quy hoạch xây dựng ở khu vực này một quảng trường, trong đó Thành Điện Hải được xác định là Trung tâm...
Khu vực thành ngoài sắp hoàn thành việc tôn tạo, phục hồi. |
Tại hội thảo về phương án thiết kế đô thị khu vực xung quanh thành Điện Hải được Sở VH-TT phối hợp Sở Xây dựng tổ chức vào cuối tháng 6-2018, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT cho biết, có thời điểm, di tích Thành Điện Hải bị khuất lấp, thậm chí bị lãng quên. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, thành được đầu tư tôn tạo, khôi phục lại. Đặc biệt, khi thành phố có chủ trương xây dựng một quảng trường, tạm đặt tên là "Quảng trường trung tâm Thành Điện Hải", ông Hùng cho biết, "nếu được thế thì anh em làm văn hóa chúng tôi sung sướng vô cùng". Theo ông Hùng, mặc dù công trình kiến trúc Thành Điện Hải không lớn, tuổi đời mới tròn 195 năm nhưng ý nghĩa của nó thì vô cùng trọng đại. "Chúng tôi, nhất là các nhà văn hóa, sử học vô cùng tự hào về công trình này. Lâu nay ta cứ nói trận đánh thì ta thắng địch thua, đương nhiên trận này ta thắng, nhưng gần đây, các nhà lịch sử nói một chi tiết này mà tôi thấy rất thú vị, đó là trong suốt cuộc chiến tranh chống Pháp, từ 1858 đến 1884, khi thực dân Pháp thiết lập xong sự đô hộ thì trận đánh vào Đà Nẵng và xung quanh Thành Điện Hải là trận thắng duy nhất của quân và dân ta. Chỉ một chi tiết nhỏ thôi nhưng cũng đủ thấy vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Thành Điện Hải đối với cuộc chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1858-1860", ông Hùng phân tích.
Cũng theo ông Hùng, quan trọng hơn chuyện "ta thắng, địch thua", qua trận đánh tại Đà Nẵng, đặc biệt là xung quanh thành Điện Hải, lịch sử Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới từ thời kỳ trung đại sang cận đại. "Hiện lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã có chủ trương di dời bảo tàng trên thành Điện Hải sang chỗ khác. Chúng tôi cũng đang xem xét là cần phải làm gì bên trong thành, vì vậy sắp tới sẽ tổ chức các cuộc hội thảo để tìm câu trả lời cho vấn đề này. Hiện nay, dự án phục hồi nguyên trạng khu vực xung quanh (thành trong, thành ngoài và hào) chuẩn bị hoàn thành", ông Hùng cho biết. Cũng tại hội thảo, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT thành phố, kiêm Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử thành phố, người rất tâm đắc với câu chuyện lịch sử của Thành Điện Hải cho rằng, ý tưởng thiết kế kiến trúc xung quanh thành Điện Hải đã chứng tỏ thái độ ứng xử đúng đắn đối với một di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Theo ông Tiếng, cái cần quan tâm nhất hiện nay là làm thế nào để ứng xử tốt nhất và ứng xử ngày càng tốt hơn với di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải. "Chúng ta đã đối xử quá sai với di sản này, đã để bóng đè trên Thành Điện Hải, không phải là một mà là hai - ba bóng. Năm 2017, lãnh đạo thành phố đã có hai động thái sửa sai trên cả tuyệt vời. Một là quyết định không xây dựng trung tâm lưu trữ ở sát tường thành phía bắc ngay ở phút 89. Và hai là di dời mấy chục hộ dân để trả lại khu vực phía tây thành. Nhờ hai động thái này mà Thành Điện Hải mới được Thủ tướng công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt, đương nhiên là do bản thân tính chất lịch sử của di tích này", ông Tiếng nhìn nhận. Cho nên, theo ông Tiếng, quy hoạch gì thì quy hoạch, không nên tiếp tục xâm hại Thành Điện Hải. Ông nêu lên kiến giải, thành phố có thể tiếp tục sửa sai bằng động thái mở lại cổng thành phía Nam, là cổng chính vào thành trước đây, để có thêm một lối vào cho du khách tham quan từ đường Quang Trung. Cũng có thể tiếp tục sửa sai bằng động thái trả lại tầm nhìn từ sông Hàn cho Thành Điện Hải... "160 năm trước, súng thần công thành Điện Hải đã trút bão lửa về phía tàu chiến Pháp trên sông Hàn. Nếu từ Thành Điện Hải mà không có chỗ nào còn có thể nhìn thấy sông Hàn theo hướng đường Thành Điện Hải thì không một du khách nào, dẫu tưởng tượng phong phú đến đâu cũng khó có thể hình dung ra cuộc chiến đấu dưới chân Thành Điện Hải năm xưa", ông Tiếng nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, cơ quan này đang xây dựng đề án biến Thành Điện Hải trở thành trung tâm diễn giải lịch sử, kết nối những di tích, địa danh có liên quan. Ngoài ra, sẽ phục dựng lại gần như nguyên trạng những công trình, hạng mục hệ thống phòng thủ bên trong Thành Điện Hải... Nếu thực hiện được điều này, ông Thiện khẳng định, ngoài phục vụ nhu cầu tham quan của du khách, Thành Điện Hải sẽ là nơi giáo dục cho giới trẻ về truyền thống đấu tranh bảo vệ đất nước của cha ông một cách sinh động, hiệu quả nhất.
DOÃN HÙNG