20 năm gác tàu không lương

Thứ hai, 17/05/2021 20:30

Suốt hai thập kỷ qua, người dân ở đường Tôn Đức Thắng (Đà Nẵng) đã quen với hình ảnh một ông lão thân hình gầy gò, đứng chắn bên đường ray ngăn không cho người dân tùy tiện vượt sang đường khi tàu đến. Nhờ đó, vô số người dân đã may mắn thoát được “lưỡi hái của tử thần”.

Ông Đặng Văn Lợi tình nguyện làm “chuông báo động sống” không lương suốt 20 năm qua. (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trở lại)

Thầm lặng sống và cống hiến

Đến kiệt số 578, đường Tôn Đức Thắng (Đà Nẵng), hỏi ông Đặng Văn Lợi (1956, trú tại P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu), người dân ai cũng biết và dành cho ông tình cảm ưu ái đặc biệt. Suốt 20 năm qua, dù nắng hay mưa ông Lợi vẫn là người lặng lẽ gác tàu. Tìm gặp ông Lợi vào buổi trưa nắng nóng, ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là làn da cháy nắng, người mỏng manh, đội chiếc mũ lưỡi trai che quá nửa mặt. Thấy tôi tiến lại gần ông bảo: “Qua nhanh đi, tàu sắp tới rồi”. Tôi cúi chào bắt chuyện, ông chẳng nói chẳng rằng, im lặng rồi nhoẻn miệng cười.

Cha mẹ mất khi còn nhỏ, như bao thanh niên khác, năm 1978, ông Lợi tình nguyện lên đường nhập ngũ. 2 năm sau, ông trở về quê từ chiến trường Campuchia và mang nhiều bệnh tật do di chứng từ hóa chất độc hại của cuộc chiến tranh. Chẳng còn ai thân thích ở quê, nên ông Lợi đành ra Đà Nẵng sống nương náu vào chị gái. Hằng ngày, ông phụ chị buôn bán nhỏ lẻ trước nhà. Một thời gian sau, chị mất, ông Lợi được vợ chồng người cháu bố trí ở trên gác xếp của căn nhà cấp 4 chật hẹp, tôn thấp lè tè, nóng nực. Vì không muốn khổ các cháu khi thấy cuộc sống của đứa nào cũng cạnh tranh nên ông lấy căn phòng đó làm cái kho để chút đồ ít ỏi của mình, còn bản thân ông ngày hè thì lang thang ngay giữa sân xóm trọ phía đối diện tuyến đường tàu.

Tuy đã bước sang tuổi 65, cái tuổi đáng ra phải được đoàn tụ với cháu con, ông Đặng Văn Lợi vẫn ngày ngày lủi thủi một mình, không nhà cửa con cái, kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai, nhờ vào các mái hiên để che mưa, lề đường làm nơi ngả lưng sống qua ngày. Khi được hỏi vì sao ông làm người gác chắn không lương? Ông cười trả lời: "Phải canh mấy đứa học sinh nó qua đường ray chứ không thì tai nạn, tội...".

Chuông báo động sống

Kiệt số 578 có tuyến đường sắt Bắc - Nam cắt ngang, nằm đối diện Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, nên hằng ngày có hàng trăm lượt người dân và sinh viên qua lại. Tuyến đường này trước đây hay xảy ra tai nạn là do kiệt quá nhỏ, thiếu tầm nhìn. Để hạn chế tai nạn, ngành đường sắt kết hợp với chính quyền Đà Nẵng đã cho xây dựng một đường gom chạy dọc theo đường sắt thông ra đường Nguyễn Khuyến, cấm người và phương tiện không được lưu thông qua lại.Tuy vậy, người dân ngại đi xa nên vẫn bất chấp nguy hiểm băng qua, dù biết tử thần luôn chực chờ.

Từ khi ở đây, ông Lợi dường như đã nhớ tất cả thời gian, lịch trình các chuyến tàu trong ngày. Dù ở đâu, bất cứ thời điểm nào, cứ đến lúc tàu sắp đến ông Lợi đều luôn có mặt tại “chốt gác”, tự nguyện làm “chuông báo động sống” nhắc nhở và cảnh báo người dân qua lại. Bởi vậy, người dân nơi đây gọi ông bằng cái tên thân thương là “Ông Lợi barie”, người tình nguyện gác chắn không lương.

Đã 20 năm làm cái việc “bao đồng” này, ông Lợi cũng đã cứu được nhiều người thoát chết. Bà Lê Thị Thương - sống gần đường tàu cho biết: “Lúc trước ở đây không có chắn tàu đâu, người dân đi băng đường ray vô tội vạ lắm nên thường xuyên xảy ra tai nạn. Từ khi có ông Lợi ra gác tàu, số vụ tai nạn ít hẳn đi. Nhiều lúc có người sang đường khi tàu sắp qua mà được ông nhắc nhở thì cảm ơn, nhưng cũng có nhiều người tỏ ra bực tức, thậm chí còn mắng lại, nên thấy thương lắm”.

Bà Thương tâm sự, không thể tính hết số người may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” nhờ sự “bao đồng” của ông Lợi. Kể đến như, cách đây mấy năm, có cậu sinh viên đi qua mà không quan sát, vừa đi vừa bấm điện thoại, không nhìn thấy tàu đang đến gần.Thấy thế, ông Lợi vừa chạy ra đẩy cậu sinh viên về phía trước, rồi la “không thấy tàu đến à, lui vô ngay”. Nhờ ổng mà cậu đó sống chớ không thì...

Với những cống hiến của mình, ông Đặng Văn Lợi được trao danh hiệu "Hiệp sĩ giao thông" vì những nỗ lực đóng góp tích cực của ông trong vấn đề an toàn giao thông trong nước thông qua chương trình Total Hiệp sĩ giao thông phát động từ năm 2011 đến năm 2012. Ông cũng đã nhận được Giấy khen của Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu vì đã có thành tích trong việc tự nguyện canh gác, nhắc nhở người dân tham gia giao thông tại điểm giao nhau với đường sắt 10 năm không để xảy ra tai nạn.

Thùy Dương