3 ngày tổng lực xét nghiệm, Đà Nẵng thu được gì?

Thứ năm, 19/08/2021 19:19

Trước tình hình dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, từ 8 giờ ngày 16-8 đến 8 giờ ngày 23-8, Đà Nẵng yêu cầu “ai ở đâu, ở yên đấy”. Trong “7 ngày vàng” này, thành phố dốc tổng lực lấy mẫu xét nghiệm cho 100% đại diện hộ gia đình. Đến ngày 19-8, việc lấy mẫu đợt một đã hoàn tất.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 chiều 19-8.

Ghi nhận thêm 169 ca mắc COVID-19

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố cho biết, trong ngày 19-8, Đà Nẵng ghi nhận 169 ca mắc mới. Trong đó 99 ca đã được cách ly, 12 ca trong khu phong tỏa, 43 ca cộng đồng và 15 ca là F1 chuyển thành F0 tại bệnh viện dã chiến khu ký túc xá phía tây thành phố.

Trong số những ca mắc mới, có 74 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm trước đó âm tính với SARS-CoV-2; gồm 52 trường hợp cách ly tập trung, 9 trường hợp cách ly tại nhà, 8 trường hợp trong khu vực phong tỏa và 4 trường hợp cộng đồng. Có 48 trường hợp chưa xét nghiệm trước đó, gồm 13 trường hợp F1 đã cách ly tập trung; 25 trường hợp cách ly tại nhà; 4 trường hợp trong khu phong tỏa và 6 trường hợp cộng đồng.

Có 31 trường hợp mắc mới được phát hiện thông qua xét nghiệm đại diện hộ gia đình, trong đó Hòa Vang ghi nhận 3 ca (các xã Hòa Tiến, Hòa Nhơn, Hòa Phước); Cẩm Lệ 5 ca (các phường Khuê Trung, Hòa Thọ Đông); Hải Châu 7 ca (các phường Thạch Thang, Hải Châu 1, Thanh Bình, Bình Hiên); Ngũ Hành Sơn 3 ca (phường Khuê Mỹ); Sơn Trà 7 ca (các phường Nại Hiên Đông, Mân Thái) và quận Thanh Khê 6 ca (các phường Hòa Khê, Xuân Hà, Thanh Khê Tây).

Qua xét nghiệm đợt một, đã có 70 F0 được bốc tách khỏi cộng đồng.

Một số chuỗi lây nhiễm vẫn tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới và nguy cơ rất cao, trong đó đáng chú ý là chuỗi lây nhiễm liên quan chợ đầu mối. Trong ngày lực lượng y tế tiếp tục nghi nhận 110 ca mắc COVID-19 liên quan, trong đó 81 trường hợp F1 đã cách ly tập trung; 7 ca là tiểu thương; 11 ca trong khu phong tỏa; 4 ca có triệu chứng đi khám, xét nghiệm và 7 ca lấy mẫu hộ gia đình. Đến nay chuỗi lây nhiễm này đã ghi nhận tổng cộng 486 ca mắc COVID-19, trong đó 204 ca là tiểu thương chợ đầu mối; 27 ca là người đi chợ và 205 trường hợp là F1, F liên quan đến các ca mắc trước đó.

Chuỗi lây nhiễm tại các khu vực phong tỏa trên địa bàn quận Sơn Trà tiếp tục ghi nhận 19 trường hợp mắc mới. Trong đó, 11 F1 đã cách ly, 8 trường hợp lấy mẫu đại diện hộ gia đình.

Có 27 trường hợp mắc COVID-19 chưa rõ nguồn lây, gồm 18 ca lấy mẫu hộ gia đình ở các quận huyện Cẩm Lệ, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Hòa Vang và 5 ca có triệu chứng đi khám bệnh ở Trung tâm y tế Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn...

Các địa phương trên địa bàn thành phố đều ghi nhận ca mắc Covid-19 trong ngày. Trong đó quận Hải Châu có 53 ca mắc, tại các phường Hòa Cường Nam (17 ca); Thuận Phước (2 ca); Hòa Thuận Đông (6 ca); Thạch Thang (16 ca); Bình Thuận (4 ca); Bình Hiên, Phước Ninh (mỗi phường 2 ca). Các phường Thanh Bình, Nam Dương, Hải Châu 1 mỗi địa phương ghi nhận 1 ca mắc COVID-19.

Quận Thanh Khê ghi nhận 18 ca mắc Covid-19 tại các phường Chính Gián, Hòa Khê, Tân Chính (mỗi phường 4 ca mắc); Thanh Khê Tây, Tam Thuận (mỗi phường 2 ca mắc); Thạc Gián, Xuân Hà (mỗi phường 1 ca mắc).

Quận Cẩm Lệ ghi nhận 47 ca mắc COVID-19 tại các phường Hòa Thọ Đông (12 ca); Hòa An (13 ca); Khuê Trung (8 ca); Hòa Xuân (9 ca); Hòa Phát (3 ca); Hòa Thọ Tây (2 ca). Quận Ngũ Hành Sơn ghi nhận 15 ca mắc tại các phường Mỹ An (5 ca); Hòa Hải (2 ca) và Khuê Mỹ (8 ca). Các quận Sơn Trà ghi nhận 19 ca; Liên Chiểu 2 ca, huyện Hòa Vang 8 ca…

Tính từ 10-7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 2.297 ca mắc COVID-19.

Nhiều ca F0 tiếp tục được ghi nhận trong các khu vực phong tỏa.

70 F0 đã được bốc tách khỏi cộng đồng

Trong thời gian 7 ngày áp dụng biện pháp mạnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố giao Sở Y tế xây dựng và triển khai kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 một cách nhanh chóng, an toàn, hiệu quả trên diện rộng, có độ bao phủ toàn thành phố để tìm và đưa các bệnh nhân nhiễm COVID-19 ra khỏi cộng đồng; khẩn trương khoanh vùng, đánh giá chính xác về mức độ nguy cơ dịch bệnh theo từng khu vực quận, huyện, phường, xã, thôn, tổ dân phố để lãnh đạo thành phố quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu, bên cạnh việc xét nghiệm sàng lọc những đối tượng liên quan đến các F, ngành y tế phải hoàn thành việc xét nghiệm cho 100% đại diện hộ gia đình trên toàn thành phố.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) thành phố, các đơn vị thực hiện xét nghiệm theo kế hoạch này gồm: CDC thành phố, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện quốc tế Vinmec Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 - Bộ Công an, Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Gia Đình và Trung tâm Chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân.

Sau 3 ngày triển khai, đến trưa ngày 19-8, các địa phương đã hoàn thành việc xét nghiệm đợt 1 cho 100% đại diện hộ gia đình, qua đó nhiều F0 đã được phát hiện đưa đi điều trị. Cụ thể, có 282.615 lượt người ngoài cộng đồng được lấy mẫu, phát hiện 70 F0 rải đều ở các quận huyện, chiếm tỷ lệ 0,02%; 106.742 lượt người trong các khu phong tỏa được lấy mẫu, phát hiện 52 F0, chiếm tỷ lệ 0,05%. Ngoài ra, nhiều ca dương tính cũng đã xuất hiện trong lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.

Đánh giá về công tác lấy mẫu xét nghiệm đợt một, bác sĩ Thạnh cho rằng, các địa phương đã nghiêm túc tổ chức xét nghiệm theo kế hoạch của ngành y tế. Từ kết quả ban đầu, từng địa phương cũng đã nắm rõ được tình hình diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn, qua đó làm cơ sở để triển khai những biện pháp dập dịch phù hợp. Bên cạnh các địa phương triển khai thực hiện tốt, đạt hiệu quả cao, một số nơi còn để cho người dân tập trung đông, chờ đợi lâu.

“3 ngày tổng lực xét nghiệm đã có nhiều F0 được bốc tách ra khỏi cộng đồng cho thấy hiệu quả bước đầu khi thành phố áp dụng biện pháp mạnh. Dự báo nhiều F0 sẽ tiếp tục được phát hiện khi các đơn vị, địa phương tăng tốc xét nghiệm trong đợt hai. Kết quả xét nghiệm 3 ngày qua cũng cho thấy diễn biến dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang rất phức tạp, nguy cơ lây lan nhanh và mạnh vì thế người dân không được chủ quan, lơ là. Đặc biệt, tuyệt đối không được trốn tránh xét nghiệm làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của thành phố. Các đơn vị tổ chức xét nghiệm cũng cần tuân thủ các quy định, giữ khoảng cách an toàn và rửa tay sát khuẩn cẩn thận sau mỗi lượt lấy mẫu. Bên cạnh, cần bố trí thêm các tổ xét nghiệm lưu động đến tận các khu dân cư để hạn chế việc đi lại của người dân”, bác sĩ Thạnh cho hay.

Công an thành phố Đà Nẵng tuần tra kiểm soát để đảm bảo người dân tuyệt đối ở nhà.

Tiếp tục dốc lực xét nghiệm

Theo đánh giá của Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết, kết quả những ngày đầu áp dụng biện pháp mạnh cho thấy thành phố đang đi đúng hướng trong công tác phòng, chống dịch. Vì số lượng xét nghiệm tăng cao nên số ca F0 được phát hiện nhiều là điều tất yếu.

Trước việc vẫn có nhiều ca F0 chỉ được phát hiện khi có biểu hiện sốt, ho và tự đến các cơ sở y tế khám và lấy mẫu, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu các đơn vị, địa phương đánh giá lại việc lấy mẫu đại diện hộ gia đình có phản ánh đúng bức tranh về dịch bệnh của thành phố hay không? Đối tượng xét nghiệm đã bao phủ hay chưa để có những thay đổi phù hợp. Song song đó, các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp mạnh để nhanh chóng chặn đứng đà lây của dịch bệnh trong cộng đồng và các khu phong tỏa. Sở Công thương phải chủ động kế hoạch cung ứng hàng hóa cho người dân trong mọi trường hợp. Sở Y tế cần tăng cường lực lượng lấy mẫu test nhanh tại các cửa ngõ ra vào thành phố để tránh ùn tắc giao thông.

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chiều 19-8, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, khi có kết quả xét nghiệm đợt một, ngành y tế phải biến kết quả ấy thành những con số biết nói; phải phân tích kỹ các số liệu từ ngày 31-7 đến nay, nhất là số liệu tổng lực lấy mẫu 3 ngày qua để xác định cho được những khu vực có nguy cơ cao, hướng đến việc thu hẹp các khu phong tỏa.

“Qua lấy mẫu đợt một, ngành y tế phải rút ra được những kinh nghiệm để triển khai hiệu quả nhất trong đợt hai. Đặc biệt, phải đánh giá, xác định cho được việc có thay đổi chiến lược lấy mẫu trong đợt hai hay không? Ở những khu vực có nguy cơ cao có cần thiết lấy mẫu 100% người dân hay tiếp tục lấy mẫu đại diện hộ gia đình? Bên cạnh đó, sau khi xong lấy mẫu đợt hai phải có bảng đánh giá cho cụ thể, rõ ràng, chi tiết về bức tranh dịch bệnh trên địa bàn để thành phố làm cơ sở tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sau 8 giờ ngày 23-8”, ông Quảng chỉ đạo. 

Phi Nông