''Bản tin vùng biên''- bản tin bình yên

Thứ sáu, 11/03/2016 11:44

(Cadn.com.vn) - Cứ vào 6 giờ và 17 giờ 30 hàng ngày, trên các bản làng vùng cao thuộc địa bàn quản lý của Đồn BPCK quốc tế Nậm Cắn, BĐBP Nghệ An lại vang lên tiếng loa truyền thanh phát bằng tiếng phổ thông và tiếng đồng bào dân tộc. Nội dung thông tin rất đa dạng, phong phú nhưng chủ yếu tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhắc nhở người dân nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn của các loại tội phạm. Đó là bản tin vùng biên do Đồn BPCK quốc tế Nậm Cắn phụ trách.

Ban chỉ huy Đồn BPCK quốc tế Nậm Cắn báo cáo mô hình bản tin vùng biên với đoàn giám sát
của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn dẫn đầu.

Trên đường đưa chúng tôi xuống thăm bà con ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, thượng tá Nguyễn Văn Đại, Chính trị viên Đồn BPCK Quốc tế Nậm Cắn, cho biết, 5 năm trước, do đường sá đi lại hiểm trở, cách sông cách núi; đồng bào dân tộc các bản vùng biên phải đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về nên việc tập họp nhân dân rất khó khăn. Trong khi đó, lực lượng làm công tác vận động quần chúng của đơn vị lại rất mỏng nên việc tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Nhà nước còn nhiều hạn chế. Vì vậy tình hình mất an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vẫn thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, lợi dụng sự kém hiểu biết của bà con dân tộc, một số phần tử xấu vẫn lén lút đến các bản làng truyền đạo trái phép, dụ dỗ đi làm các việc phạm pháp như gùi cõng hàng lậu, vận chuyển trái phép ma túy hay tổ chức di cư tự do... Làm sao để dân hiểu, dân tin và dân làm theo các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới luôn là câu hỏi đặt ra của Ban chỉ huy Đồn BPCK quốc tế Nậm Cắn. Và trung tá Nguyễn Thế Hùng, nguyên Chính trị viên đã đưa ra sáng kiến, sử dụng hệ thống loa truyền thanh trên địa bàn các xã biên giới để tuyên truyền cho nhân dân.

Tuy nhiên, hệ thống loa truyền thanh này được trang bị từ những năm 90 của thế kỷ trước nên đã xuống cấp trầm trọng, hiện chỉ có vài chiếc loa ở 2 bản Trường Sơn và Tiền Tiêu của xã Nậm Cắn là còn sử dụng được. Trước tình hình trên, Ban chỉ huy đơn vị đã quyết định trích một phần kinh phí ra để sửa chữa hệ thống loa truyền thanh trong xã. Để cho chương trình phát thanh bản tin vùng biên được phong phú, đa dạng, Đồn BPCK quốc tế Nậm Cắn còn tổ chức vận động các cơ quan chức năng, đoàn thể trên địa bàn cửa khẩu như Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm dịch, Ban giám hiệu các trường, Hội phụ nữ, đoàn thanh niên... ký kết chương trình phối hợp thực hiện bản tin vùng biên.

Trên cơ sở chương trình ký kết, hàng tháng Ban chỉ huy Đồn BPCK quốc tế Nậm Cắn tổ chức họp và phân công cho từng thành viên chuẩn bị các nội dung cho từng bản tin trong tuần. Phần biên dịch và phát thanh tiếng đồng bào giao cho thượng úy Mùa Bá Xìa, dân tộc Mông, Đội trưởng đội Phòng chống ma túy và tội phạm của đồn. Sau khi chuẩn bị xong, các thành viên chuyển nội dung đến cho Ban chỉ huy Đồn BPCK quốc tế Nậm Cắn để biên tập, chỉnh sửa rồi mới phát hành.  Ngoài ra đơn vị vận động với các cô giáo người bản địa làm phát thanh viên cho chương trình thêm phong phú về giọng đọc. Hàng ngày, cứ vào lúc 6 giờ sáng và 17 giờ 30 là chương trình bản tin vùng biên được phát trên hệ thống loa truyền thanh của xã Nậm Cắn.

Bản tin còn được phát nhiều lần trong đêm trước của phiên chợ biên giới. Từ năm 2010 đến nay, thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục bằng các bản tin vùng biên đã làm chuyển biến cơ bản nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân trên khu vực biên giới trong việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; tạo được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, vùng đồng bào dân tộc nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở địa phương.

Bên cạnh đó, các hủ tục lạc hậu như: ma chay, cưới xin đã được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm hơn; các tệ nạn xã hội như: đánh bạc, nghiện hút được nhân dân phát hiện và báo cho Đồn BPCK quốc tế Nậm Cắn để ngăn chặn và xử lý kịp thời; vận động các hộ dân có ý định di, dịch cư ở lại làm ăn ổn định cuộc sống; bà con các bản kiên quyết không nghe theo kẻ xấu xúi giục gia nhập đạo Vàng Chứ và theo đạo Tin Lành, lập lại bàn thờ theo tập quán người Mông; vận động các đối tượng nghiện ma túy ở địa phương đi cai nghiện tại các trung tâm y tế và tổ chức giáo dục cảm hóa các đối tượng lầm lỗi trở về sinh hoạt hòa nhập với cộng đồng.

Bản tin vùng biên của Đồn BPCK quốc tế Nậm Cắn còn tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào ''Nông dân các dân tộc, tôn giáo vùng biên giới, ven biển đẩy mạnh sản xuất, phát triển KT, VH-XH''; vận động chị em phụ nữ trên địa bàn tích cực tham gia phong trào ''Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc'', thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội; phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa mới...

Hoàng Anh